Thứ Hai, 2 tháng 7, 2012

BẬT MÍ BÍ MẬT TTKH



Bật mí bí mật TTKH
Bài này Tô Vũ viết riêng đặc biệt tặng quà Tết các độc giả yêu thơ.
Tết Tân Mão Février 2011
******
Cách đây trên 70 năm, độc giả báo Tiểu Thuyêt Thứ Bảy (TTTB) xuất bản tại Hà nội đã xôn xao về bốn bài thơ của một tác giả ký tên là TTKH. Bút hìệu này đã làm dư luận độc giả, cũng như giới cầm bút bàn tán và phỏng đoán, tìm tòi tác gỉả là ai, nhất là những bài thơ ấy được công nhận là những bài thơ hay, bài thơ táo bạo. Thời nào thế nấy, bây giờ thì khác, quan niệm về nhân sinh đã thay đổi theo đà tiến hoá, chứ thời năm 1937, các cô gái vẫn còn rụt rè, e lệ, dịu dáng, sống trong khuôn khổ lễ gìáo gia đình, chứ không mạnh dạn văn minh sống tự do trong xã hội như phụ nữ bây giờ, nhất là làm thơ, thơ tình, gửi đăng báo là một chuyện hãn hữu, táo bạo.

Độc giả của Cà Kê có nhiều người đã mê say đọc những bài thơ này, nhưng cũng có nhiều người chưa đọc, trong số người chưa đọc đó có Tô Vũ. Tô Vũ chỉ biết sơ qua bài thơ " Hai sắc hoa ti-gôn ".

Hôm nay nhân ngày đầu năm Tân Mảo, (Tân mão là Mèo Mới, nhà coi tử vi nổi tiếng ở Paris cảnh cáo các bà coi chừng năm nay các ông về VN là "có chuyện" đấy !), Tô Vũ khơi đống tro tàn, gợi lại chuyện cũ, gửi đến quý độc giả những bí mật về TTKH do nhân vật chính trong chuyện kể cho một nhà văn nổi tiếng, ông Nguyễn Vỹ, viết trong tập Văn thi sĩ Tiến Chiến do Nhà sách Khai Tri ở Sài gòn xuất bản năm 1970.

Những bài thơ tình này lúc mới đăng lên báo, chỉ gợi trí tò mò thôi, và câu chuyện được khuyếch đại, vang dội là do những câu thơ hay, chứ nguời đọc không hề biết đến chi tiết cuộc tình ra sao, qua lời thơ chỉ đoán là một cuộc tình ngang trái.

Bây giờ, nhờ một bài viết của ông Nguyễn Vỹ mà Tô Vũ đọc được thì câu chuyện tình đó chẳng làm cho người đọc mủi lòng thương hại, mà chỉ thấy là một cuộc tình tầm thường mà người Pháp gọi là amour platonique ( tình yêu không xác thịt ), hai nguời chưa có ôm nhau trong lần gặp gỡ ngắn ngủi, lén lút gia đình, gặp nhau ở một công viên, chứ chưa đến hôn hít nhau. Nhưng tác giả, anh chàng nhà thơ si tình đã bi kịch hoá mối tình qua những lời thơ đắm đuối thương xót, làm cho người đọc tuỏng là một mối tình lớn, một mối tình mà nguời con gái đã khổ đau vì yêu mà bị gia đình ép duyên, khổ đau không bao giờ nguôi, không bao giờ quên mối tình đầu, ngay cả những lúc nằm cạnh người chồng, vẫn còn nghĩ đến người yêu mà hờ hững với người nằm bên cạnh. Đúng ra thì chỉ là mối tinh học trò, ngắn ngủi, trong sạch, mà nhờ những câu thơ gợi tình gợi cảm, khuyếch đại những nỗi sầu bi, làm người đọc tưởng là một mối tình đau khổ, một mối tình lớn. Thật ra thì chẵng có gi sầu thảm khi biết rõ câu chuyện. Xin quý độc giả theo dõi sau đây.
***
Chúng ta hãy trở lại từ đầu.

Báo Tiểu Thuyết Thứ Bẩy (TTTB) là một tờ báo gần bằng khổ A4 bây giờ (21 x 29 cm), dày chừng bốn chục trang, chuyên đăng những truyện ngắn, những bài thơ của những văn thi sĩ trẻ tuổi mới viết chưa nổi tiếng. Những nhà văn trẻ hợp tác với TTTB hồi đó là những nhà văn còn ìt tuổi, nhiều nhà văn đó về sau nổi tiếng, tạo được tiếng tăm toàn quốc như Nguyễn công Hoan, Nguyễn Tuân, Lê văn Trương, Tô Hoài, Nguyễn triệu Luật, Ngọc Giao, Thanh Châu, Vũ Bằng, Vũ trọng Phụng, Nam Cao. Khi việt cộng cướp chính quyền ở ngoài Bắc, đa số những nhà văn này đì theo Việt cộng.

Bài "Con Thuyền Không Bến" của Đặng thế Phong cũng được giới thiệu lần đầu tiên trên tờ báo TTTB này. Đặng thế Phong là một nhạc sĩ đại tài của Việt nam, ông để lại cho đời ba bài hát bất hủ, chỉ ba bài thôi . Ông mất sớm, năm ông 24 tuổi. Thật đáng tiếc.

Khoảng tháng 7 năm 1937, một cô gái chừng 19 tuổi đến toà soạn TTTB đưa một bài thơ để trong một phong bì để nhờ đăng, Ông thư ký toà soạn nhìn phong bì không có địa chỉ người gửi mà chỉ có đề tên là TTKH. hỏi cô địa chỉ, để nếu bài được đăng lên sẽ gửi tiền nhuận bút, cô gái không cho địa chỉ..

Bài thơ đó là bài " Hai sắc hoa Ty-gôn " được đăng trên TTTB số tháng 9 năm 1937, làm xôn xao dư luận trong giới cầm bút ngay từ khi đăng trên báo.
Hai Sắc Hoa Ty-Gôn

Một mùa thu trước, mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc
Tôi chờ người đến với yêu đương

Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng
Dải đường xa vút bóng chiều phong
Và phương trời thẳm mờ sương cát
Tay vít giây hoa trắng chạnh lòng

Người ấy thường hay vuốt tóc tôi
Thở dài trong lúc thấy tôi vui
Bảo rằng: hoa giống như tim vỡ
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi

Thuở đó nào tôi đã hiểu gì
Cánh hoa tan tác của sinh ly
Cho nên cười đáp: Màu hoa trắng
Là chút lòng trong chẳng biến suy

Đâu biết lần đi một lỡ làng
Dưới trời đau khổ chết yêu đương
Người xa xăm quá, tôi buồn lắm!
Trong một ngày vui pháo nhuộm đường

Từ đấy thu rồi, thu lại thu
Lòng tôi còn giá đến bao giờ
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ
Người ấy, cho nên vẫn hững hờ

Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẻo của chồng tôi
Mà từng thu chết, từng thu chết
Vẫn giấu trong tim bóng một người

Buồn quá! Hôm nay xem tiểu thuyết
Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa
Nhưng hồng, tựa trái tim tan vỡ
Và đỏ như màu máu thắm pha

Tôi nhớ lời người đã bảo tôi
Một mùa thu trước rất xa xôi
Đến nay tôi hiểu thì tôi đã
Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi

Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ
Chiều thu, hoa đỏ rụng chiều thu
Gió về lạnh lẽo, chân mây trắng
Người ấy sang sông đứng ngóng đò

Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng
Trời ơi, người ấy có buồn không?
Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng

TTKH (1937)

***
Bài thơ này được độc giả chú ý đến ngay, một phần vì tưạ đề "Hai sắc hoa ty gôn". giống với truyện "Hoa Ty Gôn" của Thanh Châu mới đăng cách chừng hai tháng trước cũng ở trong báo TTTB.

Truyện ngắn "Hoa Ty Gôn "của Thanh Châu kể mối tình của một hoạ sĩ trẻ với một cô gái hái hoa ti-gôn. Cây ti-gôn là một cây leo, có những hoa nhỏ bằng móng tay, hình trái tim, có hai màu, hoa màu trắng, hoa màu hồng, tượng trưng cho trái tim, cho tỉnh yêu. Chàng hoạ sĩ trẻ mới ra trường mê cái hình ảnh cô hái hoa với những đường nét và màu sắc dịu đẹp, ngày ngày chàng quanh quẩn tới khu vườn để ngắm nhìn trộm cô hái hoa ti gôn đó.

Ít năm sau tranh của chàng được nhiều người ưa chuộng, bán được giá cao, chàng trở nên nổi tiếng. Một hôm trong một phòng trưng bày tranh cuả chàng, chàng bất ngờ nhìn thấy trong đám khách đến xem tranh có cô gái hái hoa ty-gôn năm xưa.

Chàng kể cho nàng mối tình thầm lặng, Thiếu phụ ngạc nhiên khi được biết tình yêu của chàng và mặc dầu đã có chồng, nàng cũng đáp lại lời tỏ tình của chàng nối lại mối tình xưa, và vui lòng đến chỗ chàng ở để cho chàng vẽ một bức chân dung. Hai người yêu nhau, rủ nhau bỏ VN sang Nhật bản xây tổ ấm. Hẹn ngày đi trốn, nhưng phút cuối cùng nàng không có can đảm. Nàng viết thư vĩnh biệt kèm theo mội chùm hoa ti gôn đỏ hồng vỡ nát như những trái tim nhuộm máu.

Hai người không gặp nhau nữa. 4 năm sau chàng được thiếp báo tang nàng từ biệt cõi đời. Chàng đến mộ nàng đặt một chùm hoa ti-gôn, rồi sống một cuộc đời thương nhớ với những bông hoa ti-gôn mà hàng ngày chàng trang trí trong phòng vẽ.

Câu chuyện không có gì đặc sắc, nhưng cũng làm rung động được tác giả TTKH để tạo nên bài thơ "Hai sắc hoa ti-gôn" kể mối tình lỡ làng với một người chồng không thương yêu, trong lòng lúc nào cũng nhớ tới nguời tỉnh cũ.

Bài thơ làm náo loạn dư luận và đám văn thi sĩ trẻ. Có chàng còn nhận là người yêu của TTKH, có chàng còn làm thơ gợi lại những kỷ niệm cũ với TTKH, tất cả chỉ là mơ hồ,

Dựa vào bài thơ "Cô gái vườn Thanh" có câu sau đây so sánh với câu thơ cuả TTKH để nói rằng Nguyễn Bính là TTKH :

Thơ Nguyễn Bính :

Vườn Thanh qua đấy năm xưa
Trọ nhờ đêm ấy giời mưa tối giời

Thơ TTKH trong " Bài thơ thứ Nhất"

Ở lại vườn Thanh có một mình
Tôi yêu gió rụng lúc tàn canh
Yêu trăng lặng lẽ rơi trên áo
Yêu bóng chim xa nắng lướt mành.

Sự náo động tìm tác giả TTKH và cũng để tìm biết chuyện tình của nàng, làm Tô Vũ nhớ tới bài thơ tình cảm động cũng đã làm xôn xao nước Pháp một thời, xôn xao báo chí tìm người đẹp tả trong thơ để biết nguời đẹp là ai, trong bài thơ "Un Secret", cũng gọi là "Sonnet d'Arvers", của nhà thơ Pháp Félix Arvers, thế kỷ 19. Một bài thơ lãng mạn nổi tiếng của thi đàn Pháp, nổi tiếng cho đến ngày nay mà ai đã đọc qua rồi thì không thể nào quên được.

Un secret

Mon âme a son secret, ma vie a son mystère
Un amour éternel en un instant conçu
Le mal est sans espoir, aussi j'ai dû le taire
Et celle qui l'a fait n'en a jamais rien su.

Hélas ! j'aurais passé près d'elle inaperçu
Toujours à ses côtés et pourtant solitaire
Et j'aurais jusqu'au bout fait mon temps sur la terre
N'osant rien demander et n'ayant rien reçu.

Pour elle, quoique Dieu l'ait faite douce et tendre
Elle ira son chemin, distraite et sans entendre
Ce murmure d'amour élevé sur ses pas.

A l'austère devoir, pieusement fidèle
Elle dira en lisant ces vers tout remplis d'elle :
'Quelle est donc cette femme ? et ne comprendra pas.

Félix Arvers

Bài thơ đã được Khái Hưng trong Tự lực Văn đoàn dịch ra chữ Việt, bản dịch thật hay.

Tình tuyệt vọng

Lòng ta chôn một mối tình,
Tình trong giây phút mà thành thiên thâu !
Tình tuyệt vọng, nỗi thảm sầu,
Mà người gieo thảm như hầu không hay.

Hỡi ơi ! người đó ta đây,
Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân !
Dẫu ta đi trọn đường trần,
Chuyện riêng dễ dám một lần hé môi.

Người dù ngọc nói hoa cười,
Nhìn ta như thể nhìn người không quen.
Đường đời lặng lẽ bước tiên
Ngờ đâu chân đạp lên trên khối tình

Một niềm tiết liệt đoan trinh,
Xem thơ nào biết có mình ở trong.
Lạnh lùng, lòng sẽ hỏi lòng,
Người đâu tá ở mấy dòng thơ đây ?

Khái Hưng

Một chút lịch sử về bài thơ "Un secret" này :

Alex Felix Arvers (1806-1850) là một nhà soạn kịch. Ông không nổi tiếng về những vở kịch của ông viết, mà lại nổi tiếng chỉ vì bài Sonnet này. (Sonnet là một thể thơ gồm có 4 câu + 4 câu + 3 câu + 3 câu = 14 câu). Bài thơ được truyền tụng khắp Paris để tìm hiểu người đàn bà ông yêu đó là ai.

Giống như bài "Hai sắc Hoa ty gôn" của TTKH với những câu thơ xót xa cảm động:

Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi,
Và từng thu chết, từng thu chết
Vẫn giấu trong tim một bóng người

Hồi 70 năm trước, ở Hà nội, Huế, Sài gòn, người ta truyền tụng rộng rãi bài thơ "Hai sắc hoa ti-gôn" này để tìm kiếm tên tuổi của tác giả, để tìm biết TTKH là ai.

Bài thơ Sonnet d' Arvers cũng được loan truyền rộng rãi giữa thế kỷ 19 tại Paris. Trong bài thơ này, Arvers yêu một người đàn bà có chồng, yêu nhưng không tỏ tình, chỉ yêu vụng nhớ thầm, nên không ai biết người thiếu phụ đó là ai, khi bài thơ được phổ biến, ai cũng tò mò tìm hiểu. Đến cả người đẹp được yêu cũng không ngờ chính mình là người được ca tụng, nên khi tác giả đưa cho bà đọc bài thơ bà ta cũng hỏi Arvers: "Người này là ai vậy"?

Mãi về sau người viết tiểu sử của Arvers, đã tìm tòi và đoán người đàn bà đó là bà Marie Nodier, con gái của nhà văn Charles Nodier. Một hôm Arvers được mời tham dự buổi trình diễn văn nghệ do nhà văn Charles Nodier tổ chức. Ngay trong khi dự buổi đó, Arvers đã sáng tác bài thơ này, ông ta viết bài thơ này vào tập thơ của bà Marie Nodier và đưa cho bà. Người viết tiểu sử kết luận rằng bài thơ đó Arvers viết để tặng Marie, Marie đã có chồng tên là Menessier. Khi bài thơ của ông được truyền tụng, có nhiều người làm thơ hoạ, hoạ rất đúng vần, đúng vận. Cũng có bài hoạ rất hay, có bài rất ngộ nghĩnh.
***
Trở lại chuyện tình " Hai sắc hoa ty gôn ", sự xôn xao trong dư luận lại được tăng thêm. Hai tháng sau, tháng 11-1937, một bài thơ khác của TTKH được đăng trên TTTB , măc dầu là bài thơ thứ hai nhưng lại lấy tựa đề là " Bài thơ thứ Nhất" :
Bài Thơ Thứ Nhất
TTKH
Thuở trước hồn tôi phơi phới quá,
Lòng thơ nguyên vẹn một làn hương...
Nhưng mà nghệ sĩ từ đâu lại,
Êm ái trao tôi một vết thương.
Tai ác ngờ đâu gió lạ qua,
Làm kinh giấc mộng những ngày hoa,
Thổi tan tâm điệu du dương trước
Và tiễn Người đi bến cát xạ
Ở lại vườn Thanh có một mình,
Tôi yêu gió rụng lúc tàn canh;
Yêu trăng lặng lẽ rơi trên áo,
Yêu bóng chim xa, nắng lướt mành.
Và một ngày kia tôi phải yêu
Cả chồng tôi nữa lúc đi theo
Những cô áo đỏ sang nhà khác,
- Gió hỡi! làm sao lạnh rất nhiều ?
Từ đấy không mong, không dám hẹn
Một lần gặp nữa dưới trăng nghiêm,
Nhưng tôi vẫn chắc nơi trời lạ,
Người ấy ghi lòng :"vẫn nhớ em !"
Đang lúc lòng tôi muốn tạm yên,
Bỗng ai mang lại cánh hoa tim
Cho tôi ép nốt lòng dư lệ
Rỏ xuống thành thi khóc chút duyên ?
Đẹp gì một mảnh lòng tan vỡ
Đã bọc hoa tàn dấu xác xơ!
Tóc úa giết dần đời thiếu phụ...
Thì ai trông ngóng, chả nên chờ !
Viết đoạn thơ đầu lo ngại quá
Vì tôi còn nhớ hẹn nhau xưa :
- "Cố quên đi nhé, câm mà nín
Đừng thở than bằng những giọng thơ !"
Tôi run sợ viết; lặng im nghe
Tiếng lá thu khô siết mặt hè
Như tiếng chân người len lén đến.
- Song đời nào dám găp ai về!
Tuy thế, tôi tin vẫn có người
Thiết tha theo đuổi nữa, than ôi
Biết đâụ..tôi : một tâm hồn héo,
Bên cạnh chồng nghiêm luống tuổi rồi!

TTKH
Gần một năm sau, vào tháng 10 năm 1938 một bài thơ khác, bài thơ thứ ba của TTKH, được đăng trên TTTB, cũng lấy bút hiệu là TTKH :
Bài thơ cuối cùng

Anh hỡi tháng ngày xa quá nhỉ ?
Một mùa thu cũ, một lòng đau ...
Ba năm ví biết anh còn nhớ,
Em dã câm lời, có nói đâu !

Đã lỡ, thôi rồi ! chuyện biệt ly,
Càng khơi càng thấy lụy từng khị
Trách ai mang cánh "ty-gôn" ấy,
Mà viết tình em, được ích gì ?

Chỉ có ba người đã đọc riêng,
Bài thơ "đan áo" của chồng em.
Bài thơ "đan áo" nay rao bán,
Cho khắp người đời thóc mách xem...

Là giết đời nhau đấy, biết không ?
....Dưới dàn hoa máu tiếng mưa rung,
Giận anh, em viết dòng dư lệ,
Là chút dư hương : điệu cuối cùng !

Từ đây, anh hãy bán thơ anh,
Còn để yên tôi với một mình,
Những cánh hoa lòng, hừ ! đã ghét,
Thì đem mà đổi lấy hư vinh.

Ngang trái đời hoa đã úa rồi,
Từng mùa gió lạnh sắc hương rơị..
Buồng nghiêm thờ thẫn hồn eo hẹp,
Đi nhớ người không muốn nhớ lời !

Tôi oán hờn anh, mỗi phút giây,
Tôi run sợ viết, bởi rồi đây
Nếu không yên được thì tôị..chết
Đêm hỡi ! làm sao tối thế nầy ?

Năm lại năm qua cứ muốn yên
Mà phương ngoài gió chẳng làm quên;
Và người vỡ lỡ duyên thầm kín,
Lại chính là anh ? anh của em !

Tôi biết làm sao được hỡi trời ?
Giận anh, không nỡ ! Nhớ không thôi !
Mưa buồn, mưa hắt, trong lòng ướt...
Sợ quá đi, anh..."có một người" !...

TTKH
Bài thơ thứ ba này chấm đứt không còn bài nào nữa ký tên TTKH gửi đăng trên TTTB hay trên báo nào khác. Như vậy thì có ba bài của TTKH đăng trên TTTB. Nhưng sao ở trên lại nói là có 4 bài ?
***
" Bài Thơ Cuối Cùng" này có một đoạn khó hiểu, trong 5 câu thơ

Chỉ có ba người đã đọc riêng,
Bài thơ "đan áo" của chồng em.
Bài thơ "đan áo" nay rao bán,
Cho khắp người đời thóc mách xem...
Là giết đời nhau đấy, biết không ?

làm người đọc phải tìm hiểu, và người ta tìm thấy một bài thơ thứ tư nữa ký tên TTKH đăng trong một tờ báo khác không phải TTTB. Bài thơ đăng trước tháng 10-1938 tức là đăng trước " Bài Thơ Cuối Cùng" , có tên là "Đan áo cho chồng"
Ðan Áo Cho Chồng

TTKH

Chị ơi ! Nếu chị đã yêu.
Ðã từng lỡ hái ít nhiều đau thương,
Ðã xa hẳn quãng đường hương,
Ðã đem lòng gởi gió sương mịt mùng.

Biết chăng chị? Mỗi mùa đông,
Ðáng thương những kẻ có chồng như em,
Vẫn còn thấy lạnh trong tim,
Ðan đi đan lại áo len cho chồng.

Như con chim hót trong lồng,
Hạt mưa nó rụng bên song bơ thờ.
Tháng ngày nổi tiếng tiêu sơ,
Than ôi! Gió đã sang bờ ly tan...

Tháng ngày miễn cưỡng em đan,
Kéo dài một chiếc áo len cho chồng.
Như con chim nhốt trong lồng,
Tháng ngày mong đợi ánh hồng nãm nao !

Ngoài trời mưa gió xôn xao,
Ai đem khóa chết chim vào lồng nghiêm ?
Ai đem lễ giáo giam em?
Sống hờ trọn kiếp trong duyên trái đời...

Lòng em khổ lắm chị õi !
Trong bao tủi cực với lời mỉa mai.
Quang cảnh lạ, tháng nãm dài,
Ðêm đêm nghĩ tới ngày mai giật mình!"
Bài này viết bằng thể lục bát , khác với ba bài trên thể thất ngôn. Bài viết không được hay bằng ba bài kia, lời thơ kém cỏi, không được bình tĩnh, tức bực. Nhiều người đã cho rắng không phải TTKH là tác giả. Nhưng vì đoạn thứ ba của " Bài thơ Cuối Cùng" có viết :

Chỉ có ba người đã đọc riêng,
Bài thơ "đan áo" của chồng em.
Bài thơ "đan áo" nay rao bán,
Cho khắp người đời thóc mách xem...
Là giết đời nhau đấy, biết không ?

làm người đọc không hiểu và tìm tòi nguyên nhân. Độc giả tìm thấy bài thơ "Đan áo " này cũng ký tên TTKH, giải thích được chuyện đan áo, hai bài thơ ăn khớp, nên mọi người đồng ý chấp nhận bài này là của TTKH sáng tác, nâng cao số bài thơ sáng tác của TTKH lên 4 bài, và chỉ có 4 bài thôi, không còn thấy ở đâu có bài thứ 5.

Dư luận đần dần bớt sôi nổi và cũng chẳng có dấu hiệu gì xác nhận ai là tác giả,không biết ai là TTKH.
***
Đến đây xin ngưng kể về TTKH để giới thiệu một nhân vật đăc biệt quan trọng trong vụ án TTKH này, đó là nhà thơ Thâm Tâm.

Thâm Tâm, tên thật là Tuấn Trình, 19 tuổi, sống ở Hànội, kết bạn với những nhà văn thĩ sĩ trẻ đồng lứa như Trần Huyền Trân, Vũ trọng Can, Nguyễn Bính, v.v. Họ xuất bản một tờ tuần báo nhỏ, tờ Bắc Hà, toà soạn ở phố Chợ Hôm. Tuấn Trình cũng ở phố Chợ Hôm. Tở báo có những mục hài hước và có những bức tranh do Tuấn Trình vẽ, đăng những bài thơ, truyện ngắn cuả Trần huyền Trân và của ThâmTâm là bút hiệu của Tuấn Trình. Bài của Thâm Tâm cũng gửi đăng ở TTTB, Ngày Nay v.v... Thâm Tâm thành công nhất là về thơ. Hồi 45, Thâm Tâm theo việt cộng vào khu, làm báo và chết năm 1950. Trong những thi phẩm của ông, sáng giá nhất là bài "Tống Biệt Hành", bài thơ đã làm cho ông nổi tiếng, ông làm khi tiễn người bạn đi kháng chiến chống Pháp. Mời quý độc giả đọc bài "Tống biệt hành" sau đây :
Tống biệt hành của Thâm Tâm

Đưa người, ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong ?
Đưa người ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình, một dửng dưng…

- Li khách! Li khách! Con đường nhỏ
Chí nhớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại
Ba năm mẹ già cũng đừng mong!

Ta biết người buồn chiều hôm trước
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt
Một chị, hai chị cùng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót

Ta biết người buồn sáng hôm nay:
Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay…

Người đi ? Ừ nhỉ, người đi thực !
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu say…

Mây thu đầu núi, giá lên trăng
Cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm
Ngừng ở ven trời nghe tiếng khóc
Tiếng đời xô động, tiếng lòng câm.

Thâm Tâm đăng trong TTTB 1940
Bài thơ này đã được Hơài Thanh và Hoài Chân giới thiệu trong sách Thi nhân Việt Nam (1941) : " Thơ thất ngôn của ta bây giờ thực có khác thơ thất ngôn cổ phong.. Nhưng trong bài "Tống biệt Hành" lại thấy sống lại cái không khí riêng của nhiều bài thơ cổ. Câu thơ rắn rỏi, gân guốc. Không mềm mại uyển chuyển như phần nhiều thơ bây giờ. Nhưng vẫn đượm chút bâng khuâng khó hiếu của thời đại" Trong sách Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến, Nguyễn tấn Long và Nguyễn hữu Trọng giới thiệu: Bài thơ "Tống Biệt Hành" của Thâm Tâm đã được giới yêu thơ tiếp đón như những gì mới lạ, và nhận thấy một sự thay đổi trong ý thơ, một biến chuyển tâm hồn của thi sĩ. Khác với những bài thơ gửi TTKH, Màu Máu Tygôn, Dang Dở, khóc than cho câu chuyện tình tầm thường, ở đây Thâm Tâm trút bỏ cái vỏ uỷ mị cố hữu, đổi giọng điệu rắn rỏi, cương quyết để nói lên cái chí khí của người trai trong thòi chinh chiến"
THÂM TÂM VÀ TTKH
***
Thâm Tâm còn có ba bài thơ khác nổi tiếng : "Gửi TTKh", "Dang Dở", "Màu máu Ty gôn". gửi cho TTKH năm 1940. Trong các bài đó ông tự nhận là người tình của TTKH. Có người nói chính ông là TTKH. nhưng chưa có sự xác nhận hay có chứng cớ chính xác cho đến khi ông Nguyễn Vỹ, một nhà văn nổi tiếng, viết sự thậr về TTKH, viết về câu chuyện tình TTKH do chính Thâm Tâm kể cho ông nghe.

Tô Vũ tin lời ông Nguyễn Vỹ viết trong tập "Văn Thi Sĩ Tiền Chiến" là một bằng chứng xác thực, nên xin tóm tắt lại sau đây để quý độc giả đọc.

Xin độc giả chú ý, những đoạn chữ viết nghiêng (italique) là nguyên văn của ông Nguyễn Vỹ.

Tóm tắt bài ông Nguyễn Vỹ viết :

Tôi quen Tuấn Trình, tức là Thâm Tâm, do Trần Huyền Trân. Nhà tôi ở gần nhà Huyền Trân ở cuối đường Khâm Thiên. Một tối đi làm về, tôi gặp Tuấn Trình đi ở gần nhà tôi, tôi tưởng anh ta đến chơi Trần Huyén Trân, nhưng anh bảo Huyền Trân không có nhà nên anh đi lang thang. Tôi mời anh về nhà, ăn cơm.

Đêm ấy cao hứng, Tuấn Trình ngà ngà say, kể truyện tình của anh với cô Khánh cho tôi nghe.

Trần thị Khánh học ở trường Sinh Từ. Thi rớt bằng certificat (lớp nhất tiểu học), cô ở nhà giúp việc nội trợ. Nhà cô ở ngay cạnh Văn Miếu, Quốc tử Giám, đền thờ đức Khổng tử. Cô Khánh là một cô gái đẹp, 17 tuổi, thuỳ mị, nết na.

Tuấn Trình thường đến nhà người cô ruột, em của cha, ở gần phố Sinh Từ nên thường gặp Khánh đi chợ Cửa Nam. Tuấn Trình theo dõi cô Khánh, biết địa chỉ cô ở một căn nhà mà sân trước có trồng cây hoa ty-gôn nở hoa trắng, hoa đỏ rất đẹp. anh gửi tặng báo Bắc Hà là tờ báo anh xuất bản cùng với Trần Huyền Trân. để làm qưen với người đẹp.

Tuấn Trình làm thơ lấy bút hiệu là Thâm Tâm đăng báo Bắc Hà tặng Khánh, như bài "Màu máu ti-gôn" .

Anh viết : "Hình ảnh của em anh ghi sâu vào thâm tâm của anh"

"Quên làm sao được thuở ban đầu
Một cánh ti-gôn dạ khắc sâu !

Nhưng cô gái 17 tuổi , dè dặt theo lễ giáo nghiêm khắc của gia đình, chưa bao giờ đáp ứng đúng với tình yêu tha thiết của Tuấn Trình-Thâm Tâm. Đó là điều đau khổ triền miên của cháng nghệ sĩ 19 tuổi

(...) Chỉ được hai lần Khánh đến nơi hẹn, nhưng không được lâu. Lần thứ nhất một đêm trăng, Khánh lẻn băng qua đường vào vườn Thanh Giám (Văn Miếu). Tuấn Trình đã chờ người yêu nơi đây, dưới bóng cổ thụ. Nhưng cô Khánh run cả người (theo lời Tuấn Trình kể), cậu cũng lính quýnh, tất cả những câu bay bướm cậu sắp sẵn để nói với nàng, bấy giờ cậu quên mất hết. Một hồi lâu Tuấn mới nói được mấy lời tỉnh tứ, nhưng lại trách móc nghi ngờ nàng không yêu mình. Nàng bảo : "Em không yêu anh sao dám ra đây gặp anh? Nhưng thầy mẹ em nghiêm lắm anh ạ."


Tuấn Trình cưởi chua chát "Giờ phút này chỉ có thơ và mộng, chỉ có anh với em, ánh trăng đẹp của hai đứa mình có nghiêm không nhỉ? Có lẽ vì bất bình câu nói mỉa mai của người yêu, Khánh lặng yên một phút rồi đáp : Ánh trăng đẹp nhưng vẫn nghiêm đấy anh ạ.

Cuộc gặp gỡ đêm ấy chỉ không đầy một tiếng đồng hồ. Tuấn Trình đặt một chiếc hôn âu yếm trên bàn tay của Khánh trước lúc nàng vội vã chạy về nhà.

Lần thứ hai, hai cô cậu cũng gặp nhau trong vườn Thanh. Vườn Thanh Giám đêm ấy cũng ngập ánh trăng Thu. Nhưng thái độ của Khánh lạ lùng khó hiểu. Hình như Khánh muốn nói với Tuấn Trình một điều gì nhưng ngại ngùng không nói. Chàng lặng lẽ vuốt mái tóc huyền của Khánh rồi khẽ bảo : Ước gì anh được yêu em như thế này mãi mãi.

Nàng buồn bã hỏi: Anh định bao giờ đến xin thầy mẹ cho chúng mình.... Chàng hoạ sĩ bối rối trước câu hỏi bất ngờ. Chàng lơ đễnh trả lời : Anh chưa nghĩ đến việc ấy, vì .....

Câu chuyện bị bỏ dở nơi đây, Khánh không hỏi gì thêm nữa. Chàng nắm tay nàng đi dạo quanh hồ nước xanh rì lăn tăn gợn sóng. Chàng dừng lại khẽ kéo Khánh vào lòng, nhưng nàng khẽ buông ra. Tuấn Trình âu yếm nhìn nàng: Em ! Khánh mỉm cười : Anh bảo gì ?

- Hình ảnh của em, nụ cười của em, sẽ mãi mãi ghi sâu vào lòng dạ của anh, vào thâm tâm anh.

Trần thị Khánh bẽn lẽn cười như để tạ ơn và xin từ giã. (hết trích Nguyễn Vỹ) 


Thế rồi một hôm, Trần Trình nhận được một bức thư do một cô gái bạn của Khánh mang đến toà báo Bắc Hà đưa cho Tuấn Trình bức thư ngoài phong bì đề Monsieur Tuấn Trình.

Khánh nhắc tình yêu thơ mộng với người nghệ sĩ tài hoa son trẻ, nhưng vì Cha Mẹ của cô rất nghiêm, nhận lời hỏi của một người mới quen biết sơ "nhưng cô có bổn phận "giữ tròn chữ hiếu, không giám cãi lại, Thầy Mẹ đặt đâu thì ngồi đấy, v.v... Cô nói cô buồn lắm vì tình yêu dang dở em vẫn yêu anh mãi mãi, không bao giờ quên anh, nhưng van anh đừng giận em, thương hại em, chứ đừng trách móc em. Cô than thở đời cô khổ nên tình duyên ngang trái, cô khóc xuốt đêm, v.v...

Khánh không nói một câu nào về người vị hôn phu, không cho biết ngày cưới, và cuối thư ký tắt : KH
***
Sau khi dò hỏi những ngưởi lối xóm cô Khánh, thì Tuấn Trình được biết chồng cô Khánh là một nhà buôn giàu có ở phố Hàng Ngang, 39 tuổi goá vợ và không có con, giàu sang trẻ đẹp. Đêm đám cưới cô Khánh lên xe hoa, Tuấn Trình tổ chức ở Toà soạn báo Bắc Hà một bữa tiệc thịt chó uống Mai quế Lộ, mời Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính và Vũ Trọng Can ngâm thơ, làm thơ, cười đùa cho đến lúc say nằm lăn ra đất ngủ.

Người đau khổ trong cuôc tình duyên dang dở này không phải là cô Khánh, cô có đầy đủ hạnh phúc với người chồng chiều chuộng cô, nguời đau khổ là chàng Tuấn Trình - Thâm Tâm.

Chàng bị mặc cảm của một nghệ sĩ nghèo bị người yêu bỏ rơi, không những thế cờn bị mấy thằng bạn chế diễu đùa bỡn là bị đào cho leo cây.

Vì tự ái, Tuấn Trình thức suốt một đêm làm bài thơ "Hai Sắc Hoa Ty-gôn" ký tên T.T.KH. với hàm ý là để cho lũ bạn Trần huyềnTrân, Vũ trọng Can biết là bài thơ của TTKhánh làm để thương tiếc mối tình tan vỡ. Tuấn Trình nhờ người em họ chép lại để làm giả chữ con gái viết, chữ TTKH, và mang bài thơ đến toà soạn TTTB, như trên đã kể

Giọng thơ hoàn toàn là giọng thơ lãng mạn của Tuấn Trình, lời thơ khác hẳn lời tâm sự trong bức thư cuối cùng cúa KH báo tin sắp lấy chồng. Cô Khánh không biết làm thơ, chưa bao giờ làm thơ cả. Và cô ghét những bài thơ của Thâm Tâm nữa là khác. Tuấn Trình đã nói cả quyết với tôi ( Nguyễn Vỹ ) như vậy, sau khi nhận được một bức thư của Khánh, bức thư cuối cùng, tỏ ý KHÔNG BẰNG LỜNG anh mượn tên cô để làm thơ kể chuyện tình duyên cũ, có thể làm hại đến cuộc đời của cô. Trong thư PHẢN ĐỐI đó, Khánh xưng TÔI chứ không xưng EM như những thư trước để chấm dứt trò chơì vô ích ấy

Trách ai mang cánh ty gôn ấy

Mà viết tình em được ích gì(...)

... Bài thơ đan áo nay rao bán

Cho khắp người đời thóc mách xem
Là giết đời nhauđấy biết không?
Dưới dàn hoa máu, tiếng mưa rung.
Giận anh em viết dòng dư lệ.
... Từ nay anh hãy bán thơ anh,
Và để yên tôì với một mình,
Nhũng cánh hoa lòng hừ ! đã ghét,

Thì đem mà đổi lấy hư vinh

Thâm Tâm lấy gần hết chữ và nghĩa trong bức thư đoạn tuyệt ( những chữ gạch dưới ở trong bài thơ trên là chữ trong thư cuả TTKhánh ), Thâm Tâm làm 'Bài thơ Cuối Cùng" vẫn ký tên TTKH

Và Thâm Tâm làm một bài thơ mỉa mai chua chát lấy những lời nghiêm khắc giận dữ của người yêu cũ để làm ra bài thơ cuối Bấy giờ Thâm Tâm tỉnh ngộ, uất ức về thái độ khinh bạc của cô Khánh nên Thâm Tâm viết :
Chiều nay lạnh, có nhiều sương rơi quá
Nhưng lòng anh đã bình thản lại rồi
Hết đau buồn và cảm thấy sục sôi
Niềm uất hận của một thời lạc lối
Lấy nghệ thuật làm trờ hề múa rối
Đem tài hoa cung phụng sóng mắt huyền.
Để khẩn cầu xin một nụ cười duyên
Thâm Tâm
***
Để tôn trọng thực tế của những sự kiện đã qua trong Văn Học, để đừng xuyên tạc những sự kiện không có, phải nói rằng tên TTKH không hề gợi một dư luận nào xôn xao thời tiền chiến và cuộc tình duyên Tuấn Trình với cô Trần thị Khánh không hề gây một xúc động nào về tâm lý cũng như về văn chương trong giới văn nghệ và giới trẻ thời bấy giờ.

Tôi hết sức ngạc nhiên bỗng dưng dư luận tôn sùng TTKH thành một thần tượng và biến mối tình rất tầm thường của cô học trò cũ trường tiểu học Sinh Từ thành một thảm kịch của tình yêu.
 (Hết trích Nguyễn Vỹ)

Tô Vũ - 270111

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét