Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

45 - 54, CHÍN NĂM KHÓI LỬA - BÀI SỐ 7


Tô Vũ

Tin triệt thoái Cao Bằng và đường thuộc địa số 4 (RC4) làm Chính phủ và Quốc hội Pháp lo ngại sợ hãi. Ngày 15-10-50, Thủ tướng Pleven cử một phái đoàn gồm Bộ trưởng Liên kết Letour-neau, tướng Juin và tướng Valluy sang Ðông Dương để điều tra.

Quốc hội họp phiên đặc biệt ngày 19-10-50.

Ngày 17-10-50, phái đoàn Letourneau tới Saigon. Phái đoàn được các nhà chức trách quân sự tức tốc trình bầy tình hình đặc biệt ở Bắc Việt.

Letourneau huỷ bỏ lệnh triệt thoái khỏi Lạng Sơn, nhưng lệnh [1] tới nơi quá chậm, cuộc triệt thoái đã khởi sự từ tối hôm trước.

Phái đoàn Letourneau tới Hànội giữa không khí chủ bại và hoảng sợ bao trùm khắp nơi. Những tin đồn, do Việt minh phao lên, là Hồ chí Minh hứa sẽ mang quân vào Hànội ăn Tết [2] làm các công chức Pháp lo sợ, phải tản cư gia đình của họ vào Sàigòn. Các thương gia và các kỹ nghệ gia dạm bán cửa hàng và các xưởng công nghệ. Hànội tổ chức đề phòng trường hợp bị vây hãm. Ðề nghị triệt thoái Hànội cũng được đệ trình phái đoàn.

Trước tình hình đó, để trấn an tinh thần binh sĩ và kiều dân Pháp, phái đoàn ra lệnh triệt để bảo vệ miền đồng bằng Bắc Việt, tổ chức các Ðoàn quân Lưu động để tiếp ứng những nơi bị vây hãm và cải tổ lại Bộ chỉ huy quân sự.

Tướng Marchand chỉ huy Hànội và đại tá Constans chỉ huy Lạng sơn bị mất chức, tướng Alessandri chỉ huy Bắc Kỳ xin thuyên chuyển về Pháp, tướng Boyer de la Tour được cử tạm thay thế Alessandri. Tướng Carpentier nhờ được sự che chở của tướng Juin nên không bị trừng phạt nhưng cũng bị mất chức.

Phái đoàn Letourneau về Pháp tường trình với thủ tướng Pleven, đề nghị thay thế tướng Carpentier và Cao uỷ Pignon. Ðồng thời Quốc hội khuyến cáo chính phủ giao trách nhiệm cả quân sự lẫn dân sự ở Ðông Dương vào tay một vị chỉ huy duy nhất. Chính phủ vội tìm người có đủ uy tín và khả năng để giao phó Ðông Dương vào tay người đó. Tướng Juin, tướng Koenig được mời nhưng đều từ chối, tướng De Lattre de Tassigny nhận lời.

De Lattre de Tassigny, 61 tuổi, đại tướng 5 sao, là một đại danh tướng của Pháp, từng chỉ huy Ðệ nhất Quân đoàn, từng chiến thắng Ðức trong Ðệ nhị thế chiến trên mặt trận Rhin và Danube. De Lattre tính tình hách dịch, thích lễ nghi quân cách, hay trừng phạt gắt gao các sĩ quan cấp dưới về những lỗi nhỏ mọn, hay giận dỗi, không vừa lòng việc gì thì để lộ ra mặt, thường hay khoe những chiến thắng cũ của mình.

Ngày 17-12-50, Bộ trưởng Letourneau và De Lattre cùng đáp phi cơ tới Sàigòn với các cộng sự viên mà De Lattre đã chọn như tướng Salan, tướng Cogny, đại tá Beaufre, cựu thống sứ Gautier, cựu quan cai trị Aurillac v.v...

Sau lễ bàn giao do Letourneau chủ toạ, ngày hôm sau De Lattre nhận được báo cáo của tướng Boyer de Latour ở Bắc Kỳ báo cáo triệt thoái khỏi đồn Ðình Lập, là một đồn quan trọng cách Lạng Sơn 40 cây số về phía đông nam, nằm giữa đường Lạng Sơn - Tiên Yên, ở ngã ba đường từ Phả Lại, Lục Nam, An Châu lên, tức là một đồn chống giữ cửa ngõ đồng bằng Bắc Việt.

De Lattre vội vã bay ra Hà Nội và ở luôn tại đó để trấn tĩnh nhân tâm và cải tổ lại quân đội, thay đổi một loạt các sĩ quan cao cấp, tạo lập các Toán quân Lưu động, mang quân từ miền Nam ra tiếp viện. De Lattre chặn đứng việc triệt thoái khỏi Tiên Yên, Móng Cáy mà Boyer de Latour, thi hành chương trình của tướng Carpentier để lại, định bỏ ngỏ cửa ngõ vào Hải Phòng cho Việt minh từ phía Lạng Sơn xuống.
                       
                               Trận đánhVĩnh Yên ngày15-1-51

                                       Việt minh thất bại


Ngày 15-1-51, Việt minh khởi sự chiến dịch Trần Hưng Ðạo, tức là chiến dịch Thu đông 51,với mục đích thực hiện lời hứa về Hànội ăn Tết của Hồ chí Minh. Mục tiêu của Việt minh là chiếm Vĩnh Yên trước rồi chiếm Hànội sau.

Việt minh tung 2 sư đoàn 308 và 304, khoảng 30 ngàn người, tiến vào Vĩnh Yên, chiếm đồn Bảo Chúc ở phía bắc Vĩnh Yên.

Tướng Salan bấy giờ giữ chức Chỉ huy Bắc Kỳ thay thế Boyer de Latour mà De Lattre cho về Pháp nghỉ. Salan liền gửi các Toán quân Lưu động do trung tá Vanuxem và đại tá Edon đến Vĩnh Yên để tiếp cứu, đồng thời cho quân nhảy dù và quân thiết giáp tiếp viện. Không quân được lệnh dùng bom na-pam (napalm), lần đầu tiên bom na-pam được sử dụng ở Ðông Dương.

Chiến sự tiếp diễn tại những ngọn đồi phía bắc Vĩnh Yên trong ba ngày liên tiếp. Việt minh thấy không thắng lợi liền rút về mạn Tam Ðảo, để lại 1.200 xác chết, 450 tù binh và nhiều khí giới.

Pháp đã tung vào trận địa 12.000 người, bắn 50 ngàn phát súng ca-nông 105 ly, 200 ngàn phát súng ca-nông 75, không quân xuất trận 250 lần ném bom na-pam. Pháp thiệt hại khoảng 600 người vừa chết, vừa bị thương, vừa mất tích.[3]

Việt minh đã tưởng tinh thần quân đội Pháp suy sụp sẽ hoảng sợ bỏ chạy trước sự tiến quân của họ như trận Ðông Khê trên đường Thuộc địa số 4 (RC4) nhưng không ngờ De Lattre sang đã làm thay đổi cục diện, nếu vẫn còn tướng Carpentier và Cao ủy Pignon điều khiển thì chiến dịch Thu đông 51 có thể mang lại thắng lợi cho Việt minh và Pháp có thể bỏ Hànội để Việt minh vào ăn Tết như Hồ chí Minh tuyên bố.

Tuy chặn được Việt minh trong trận Vĩnh Yên nhưng De Lattre rất lo ngại : khí giới, quân số, đồn phòng thủ, tất cả đều thiếu thốn. De Lattre đặt kế hoạch, một mặt yêu cầu Mỹ viện trợ khí giới, một mặt xây cất các đồn bê-tông thành vòng đai phòng thủ Hànội và Hải Phòng. Về quân số thì quân tiếp viện Pháp không đủ, mặc dầu De Lattre vừa được chính phủ Pháp "cho vay"  20.000 quân để lấp vào chỗ hổng thiếu hụt, cần phải tiến hành gấp việc đào tạo quân đội Việt Nam để bổ xung quân số.
Tướng Salan được cử thay thế De Lattre phụ trách việc hành quân để De Lattre đi Pháp và đi Mỹ cầu viện. Tướng De Linarès được cử giữ chức Chỉ huy Bắc Kỳ thay thế Salan.

Tình hình yên tĩnh trở lại khắp nơi, công cuộc xây cất các đồn bê-tông tiến hành gấp.

Tới hạ tuần tháng ba 1951 thì tin tức tình báo cho biết sư đoàn 308 Việt minh thấy xuất hiện tiến về phía Ðông Triều, Hòn Gay
                                       

              Trận Mạo Khê 30-3-51

Ngày 24-3-51, Uông Bí cách Hải Phòng 20 cây số về phía tây bắc, bị tấn công. Ðập nước cung cấp nước ăn cho Hải Phòng bị phá huỷ, đường xe lửa Hànội - Hải Phòng bị cắt nhiều nơi. Ðêm 30-3 đồn Mạo Khê bị tấn công. Ðồn Mạo Khê bảo vệ mỏ than Ðông Triều do một tiểu đoàn người Thổ trấn giữ, dưới quyền chỉ huy của đại úy Vi văn Toàn

Suốt từ 3 giờ sáng đến trưa ngày hôm sau, Việt minh tấn công nhiều đợt nhưng nhờ không quân và pháo binh can thiệp mạnh mẽ nên đồn vẫn giữ vững và đến 4 giờ chiều khi quân nhảy dù của đại tá Sizaire tới cứu viện, Việt minh rút lui bỏ lại hơn 1.000 xác chết, 400 tù binh bị bắt giữ và bỏ lại rất nhiều khí giới cá nhân. Pháp thiệt 600 người vừa chết vừa bị thương. Ðại uý Toàn[4] bị thương, De Lattre đích thân đến bệnh viện trao tặng huy chương Bắc đẩu bội tinh.

Sau trận Mạo khê, De Lattre lợi dụng chiến thắng để thuyết phục Bảo Ðại xúc tiến gấp việc thành lập quân đội Việt Nam. Ngày 19-4-51, De Lattre mời Thủ tướng Trần văn Hữu và các Bộ trưởng trong chính phủ Việt Nam lên Vĩnh Yên để thị sát chiến trường.

Tại đây De Lattre đọc một bài diễn văn chính trị quan trọng, xác nhận ý chí giúp Việt Nam hoàn tất nền độc lập, ca ngợi Bảo Ðại và chính phủ Trần văn Hữu.
    
                    
                               Bài diễn văn chính trị ngày 19-4-51
                                            của tướng De Lattre 
                   và việc thành lập Quân đội Quốc gia Việt Nam


Kính thưa Thủ Tướng,
Thưa quý vị Bộ trưởng,

(...) Trận Vĩnh Yên là trận đánh đầu tiên của Việt minh ở đồng bằng. Say sưa với những chiến thắng ở thượng du, quânViệt minh tràn xuống đồng bằng hy vọng với chiến thuật biển người làm tan vỡ hàng rào phòng thủ mỏng manh của chúng ta, đè bẹp Ðoàn quân Lưu động mới thành lập của chúng ta, để tiến vào Hànội trước ngày Tết.

Thật là một trận đánh quyết liệt và gay go mà chúng ta phải đương đầu trong lúc đang tái tạo và thiếu thốn quân số. Chúng ta đã chiến thắng vì chúng ta không có quyền thua, vì đó là tương lai của Việt nam, còn hay mất (...)

Thưa Thủ Tướng,

(...) Chiến thắng vừa qua đã mang lại đầy hy vọng cho Việt Nam. Chiến thắng đó đã làm sáng tỏ giá trị và hiệu quả của những binh sĩ quý quốc. Chiến tranh tàn ác này đã làm nổi bật lên những khả năng quân sự đã bao lần tô điểm lịch sử quý quốc trong bao thế kỷ chiến đấu dành Tự do Ðộc lập.

(...) Những chiến sĩ quốc gia Việt Nam nổi bật trong những trận Vĩnh Yên, Mạo Kkê, Bến Tam đã làm tăng thêm lòng tin tưởng của tôi vào sự hùng cường của Việt Nam trong tương lai, bởi vì những thanh niên Việt Nam ngày nay đặt dưới sự chỉ huy của người Pháp sẽ là những thanh niên phục vụ trong quân đội Việt Nam mai này. Những thanh niên đó đã chứng tỏ cho thế giới biết là quân cộng sản cuồng nhiệt không thể giữ độc quyền can đảm và độc quyền thắng lợi. Sự mong muốn tha thiết của chúng ta là thấy những thanh niên Việt Nam càng ngày càng đông, từ khắp các làng mạc thành thị, tới gia nhập vào Quân đội Quốc gia đang thành lập, đặt nặng giá trị của họ vào cán cân đấu tranh cho Tổ quốc.

(...) Nếu nước Pháp chấp nhận một sự cố gắng như vậy [5] không phải chỉ vì những năm chúng ta đã cùng chung sống, - tôi cảm động nghĩ đến những người tình nguyện đã từ quý quốc, hai lần đến đất nước chúng tôi tử trận cạnh những người lính Pháp, -  mà cũng vì sự chắc chắn rằng Chính phủ quý quốc dưới uy quyền lãnh đạo của Hoàng Ðế Bảo Ðại đại diện cho một dân tộc lành mạnh, quyết tâm từ chối sự nô lệ, và chính phủ đó đã cố gắng khắp nơi để làm vững chắc một lý tưởng khả dĩ đoàn kết cả một dân tộc.

Thưa Thủ Tướng

Người ta nói với tôi rằng một số người Việt Nam cho rằng những lô-cốt đang xây cất là biểu hiệu một sự chiếm đóng lâu dài của quân đội Pháp ở Việt Nam



Thưa Thủ Tướng, không phải thế !

Tôi tới đây để kiện toàn nền Ðộc lập của quý quốc chứ không phải để hạn chế. Quân đội Pháp tới đây chỉ để chống giữ nền Ðộc lập đó. Những đồn bót, lô-cốt phòng thủ xây dựng ngày nay sẽ được trao cho Quân đội Việt Nam khi hùng mạnh. Những thắng lợi của quân đội chúng tôi ngày nay bảo đảm lãnh thổ của quý vị đồng thời tạo lập Quân đội Quốc gia để ngày sau giữ vững mãi nền Ðộc lập đó.

Chúng ta đừng mắc lừa kẻ địch đang tìm cách chia rẽ những sự cố gắng của chúng ta và đang tuyên truyền là những quân nhân Pháp tới giúp đỡ quý vị chống khỏi sự nô lệ lại là những cản trở cho tự do của quý vị.

(...) Bên kia làn ranh, chỉ cách nơi đây vài cây số, có những người dân đang đau khổ. Phần đông họ bị kìm giữ dưới sự khủng bố, trái với ý muốn của họ. Cũng có một số người tin vào những sự tuyên truyền dối trá và chọn một con đường không được tốt đẹp để thực hiện những nguyện vọng sâu xa của dân tộc Việt Nam.

(...) Những nguyện vọng đó, quý Chính phủ dưới quyền lãnh đạo sáng suốt của Hoàng Ðế Bảo Ðại, đã đề nghị một con đường khác để đạt tới. Quốc gia Việt Nam đã Tự do Ðộc lập và có chủ quyền đầy đủ. Trong khối những quốc gia dân chủ, quốc gia Việt Nam có những liên kết thân hữu quý báu để trở thành một quốc gia thịnh vượng và hạnh phúc mai này một khi hoà bình trở lại.

Người Việt Nam không thể không hiểu những điều đó và không thể không đoàn kết chung quanh Hoàng Ðế và quý Chính phủ để chiến đấu thực sự chống lại sự áp chế của nền độc tài.



                                                     * * *

Sau bài diễn văn Vĩnh Yên, Bảo Ðại và chính phủ Hữu đồng ý với De Lattre xúc tiến việc thành lập Quân đội Việt Nam. Lệnh động viên các sĩ quan trừ bị được ban bố, đại tá Nguyễn văn Hinh được cử làm thiếu tướng Tư lệnh Quân lực Việt Nam. Trường sĩ quan Nam Ðịnh dưới quyền chỉ huy của Thiếu tá Cousteau và trường sĩ quan Ðà Lạt dưới quyền chỉ huy của thiếu tá Lefort, được mở để đào tạo các sĩ quan Việt Nam.

Tiểu đoàn Việt Nam đầu tiên được thành lập với những sĩ quan và hạ sĩ quan chuyển từ Trung đoàn 1 Khinh binh Pháp, trong đó có trung úy Bernard de Lattre chỉ huy một đại đội, Bernard là con trai tướng De Lattre.

De Lattre mở những cuộc hành quân lớn, Méduse và Reptile, vào khu vực phía nam đường số 5, vùng Kiến An, Ninh Giang, Kẻ Sặt, quân Việt minh bị thiệt hại nhiều.


                                      Mặt trận Sông Ðáy 29-5-51
                                        Bernard de Lattre tử trận

Ngày 29-5-51, mặt trận Sông Ðáy bùng nổ. Các đơn vị của 3 sư đoàn Việt minh 304, 308 và 320 dưới sự chỉ huy của Vương thừa Vũ, có những sạ thủ trọng pháo gốc nguời Ðông Ðức và Tiệp Khắc sang trợ giúp Việt minh, bất ngờ tấn công vào Phủ Lý và Ninh Bình làm Pháp lúng túng.

  
Việt minh chuyển quân bí mật đến nỗi cơ quan tình báo Pháp ở Hànội và đại tá Gambiez, Chỉ huy khu vực đó, đều không hay biết gì để đề phòng. Ðây là trận lớn thứ ba của Việt minh đánh vào đồng bằng. Mặt trận dài khoảng 100 cây số, trọng tâm là Ninh Bình.

Mặt trận Sông Đáy 29-5-51

Cuộc tấn công của Việt minh khởi sự đêm 28 rạng ngày 29-5-51. Sư đoàn 304 và sư đoàn 308 từ phía tây tới, vượt qua sông Ðáy, tấn công Phủ Lý và Ninh Bình. Trong lúc đó, 5.000 quân du kích địa phương phục kích đoàn quân tiếp viện của Pháp trên đường thuộc địa số 10 từ Hànội xuống. Sư đoàn Việt minh 320  từ Thanh Hóa lên đánh mạn Ninh Bình rồi tạt sang đánh địa phận Phát Diệm. Trung đoàn 64 và 42 quấy rối mạn Nam Ðịnh và Thái Bình để cầm chân quân Pháp không sang mạn sông Ðáy tiếp viện được.

Tới sáng ngày 30-5-51 thì vài đồn nhỏ của Pháp bị tràn ngập. Nhà thờ Ninh Bình bị Việt minh chiếm sau khi một đoàn biệt kích Pháp 90 người chống giữ nơi đó bị tiêu diệt gần hết.

Tối 30 rạng ngày 1-6-51 Việt minh tấn công hai ngọn núi trong thị trấn Ninh Bình. Trung uý Bernard de Lattre, con trai của tướng De Lattre, chỉ huy một đoàn khinh binh người Việt Nam trấn giữ ngọn núi phiá tây Ninh Bình, bị trúng đạn moọc-chi-ê tử trận. Chiến sự tiếp diễn trong 2 ngày đến khi quân tiếp viện của De Linarès kéo đến phản công, Việt minh mới qua sông Ðáy rút về phía núi.

Tướng De Lattre đau đớn đưa xác con về Pháp chôn cất tại một làng vùng Vendée.
                                   

                                      Diễn văn của De Lattre
                           tại trường Chasseloup Laubat, Saigon

                       kêu gọi thanh niên VN nhập ngũ chống cộng.


Tháng 7-1951, nhân ngày phát phần thưởng tất niên cho học sinh trường trung học Chasseloup Laubat ở Sàigòn, De Lattre đọc một bài diễn văn chính trị kêu gọi thanh niên Việt Nam nhập ngũ chống cộng.

De Lattre nói :

(...) Nếu các em là cộng sản, các em hãy đi theo hàng ngũ Việt minh, ở đó có những người đang chiến đấu cho một nguyên nhân xấu. Nhưng nếu các em là những người quốc gia yêu nước, các em hãy chiến đấu cho tổ quốc của các em, vì chiến tranh này là chiến tranh của các em. Các em hãy xây dựng quân đội quốc gia để thay thế dần quân đội Pháp trong những nhiệm vụ chính mà họ đang đảm nhiệm ngày nay (...)

Hỡi các thanh niên ưu tú của Việt Nam mà tôi thương mến như các thanh niên của đất nước tôi, đã đến lúc các em phải chống giữ Tổ quốc của các em. Tôi tin tưởng rằng các em sẽ giữ vững được nước Việt Nam."



Sau khi dự lễ ngày 14-7-51 tổ chức trọng thể tại Hà nội với sự hiện diện của Bảo Ðại từ Ðà Lạt ra gắn Huân chương đệ nhất đẳng cho De Lattre, tướng De Lattre về Pháp chữa bệnh và sang Hoa Kỳ cầu viện khí giới.

Ngày 14-9-51, De Lattre được Tổng thống Truman, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ và tướng Collins Tổng Tham mưu Quân lực Hoa Kỳ tiếp. De Lattre được Mỹ viện trợ rất nhiều chiến cụ và khí giới : 9.000 súng tiểu liên, 500 đại liên, 5.000 xe chuyên chở đủ loại, 600 máy truyền tin và các xe chiến đấu, máy bay, tàu hải quân, tàu sửa chữa, v.v...

Tháng 10-1951, De Lattre trở lại Ðông Dương.

Trong lúc De Lattre vắng mặt Việt Nam thì nhiều biến chuyển đã xảy ra.


                               Tướng Chanson và Thủ hiến

                                     Thái lập Thành bị ám sát.



 Ngày 31-7-51, tướng Chanson Chỉ huy quân đội Pháp tại Nam Kỳ và Thủ hiến Nam Kỳ, Thái lập Thành, bị ‘một khủng bố tự sát’ (kami-kaze)ám sát chết tại Sadec.

Trong một buổi lễ ở Sadec, khi Chanson và Thái lập Thành vừa từ xe hơi bước xuống để lên khán đài thì có một người Việt Nam mặc binh phục tiến lại gần, mở khoá dây thắt lưng, một tiếng nổ vang lên làm người đó đứt đôi người, phía dưới tan nát, phía trên mình và đầu vẫn nguyên vẹn. Chanson bị các mảnh lựu đạn ghim đầy đầu chết liền tại chỗ, Thái lập Thành cũng chết ngay. Một đại tá Pháp tên là Ver-thanon bị trọng thương.

Sau khi Chanson chết thì tướng Salan được cử đảm nhiệm luôn chức vụ Uỷ viên Chính phủ và Chỉ huy quân Pháp tại Nam Kỳ.


                                 Trận Nghĩa lộ ngày 2-10-51,

                                 Việt minh bị thất bại nặng.



Tới hạ tuần tháng 9-1951, tin tình báo cho biết Việt minh đang chuyển quân về phía Nghĩa Lộ để uy hiếp đồn đó. Nghĩa Lộ là một đồn cách đông bắc Sơn La khoảng 100 cây số và cách Yên Báy khoảng 80 cây số về phía tây nam. Nghĩa Lộ nằm trong một thung lũng rộng lớn phì nhiêu có khoảng 40 ngàn dân, ngay trên trục giao thông của Việt minh chuyển vận đồ tiếp tế từ bên Tàu viện trợ qua Cao Bằng, Tuyên Quang, Yên Báy, Nghĩa Lộ, Sơn La, Ðiện biên Phủ.


Việt minh mở chiến dịch Lý Thường Kiệt chủ đích nắm tất cả vùng tây bắc Bắc việt. Nghĩa Lộ là trạm đầu và cũng là một vựa thóc.

Tới cuối tháng 9-51 thì tin chắc chắn cho biết là trung đoàn 141 và  trung đoàn 209 thuộc sư  đoàn 312 của Việt minh đã tiến
                       
                                                 
                                      Trận Nghĩa Lộ ngày 02-10-1951

tới Nam Muội cách Nghĩa Lộ khoảng 10 cây số về phía bắc. Trung đoàn 165 cũng thuộc sư đoàn 312 đã tiến tới Ca Vinh cách Nghĩa Lộ 40 cây số về phía đông.

Nghĩa Lộ có một tiểu đoàn người Thái trấn giữ, khoảng chừng 1.000 binh sĩ, trong số đó có 150 sĩ quan và hạ sĩ quan Pháp, cộng với 60 lính pạc-ti-dăng người Nùng. Ngày 2-10-51, khi Nghĩa Lộ bị uy hiếp mạnh, một tiểu đoàn dù, do đại úy Gauthier chỉ huy, được thả xuống Gia Hội cách Nghĩa Lộ 20 cây số về phia bắc để tiếp viện. Nhiệm vụ của tiểu đoàn này là phá rối trung đoàn 141 và 209 để cầm chân và làm giảm nhẹ áp lực của Việt minh vào Nghĩa Lộ. Bốn giờ sáng ngày 3-10-51, trung đoàn 141 Việt minh khởi sự tấn công vào đồn hạ, phía nam trung tâm Nghĩa Lộ. Thiếu tá Girardin, trưởng đồn, tử trận, nhưng đồn vẫn giữ vững không bị thất thủ sau nhiều đợt xung phong của Việt minh. Về phía bắc, tiểu đoàn dù của Gauthier, bị đánh gắt, phải rút về giữ thế thủ ở đèo Gia Hội. Sáng ngày 4-10, một tiểu đoàn dù do đại úy Raffali chỉ huy được thả xuống Gia Hội để phụ lực với Gauthier.

Suốt ngày 3 đến sáng ngày 4-10-51, Việt minh tấn công đồn Sơn Búc, cách Nghĩa Lộ khoảng 10 cây số phía đông nam, nhưng vấp phải sức kháng cự mãnh liệt của đại uý Bes de Berc và toán lính Nùng, với sự yểm trợ của không quân, nên 4 giờ sáng ngày 4-10 Việt minh rút lui.

Ngày 5-10-51, Việt minh lại tấn công vào Nghĩa Lộ, đồn nam. Sau 3 giờ tấn công vô hiệu, Việt minh rút lui để lại nhiều xác chết. Sáng 6-10, một tiểu đoàn viện binh nữa được thả dù xuống Nghĩa Lộ. Sau khi tấn công Sơn Búc vô hiệu một lần nữa, tới ngày 8-10, Việt minh bỏ cuộc, rút hẳn ra khỏi Nghĩa Lộ.

Sự thiệt hại, theo con số của Pháp đưa ra, thì Việt minh thiệt hại khoảng 1.000 người chết, 2.500 người bị thương, phía Pháp khoảng 300 người chết, bị thương và mất tích, trong số có 11 sĩ quan.

23-10-1951, De Lattre trở lại Ðông Dương sau 3 tháng vắng mặt. Tuy thắng lợi trong những trận Vĩnh Yên, sông Ðáy, Nghĩa Lộ, nhưng tại Pháp các nghị sĩ đã sầm sì chê trách De Lattre thụ động, không có thế công mà chỉ có thế thủ, chờ Việt minh tấn công rồi chống đỡ. Mặt khác cuộc bàn cãi sắp tới tại Quốc hội Pháp về dự chi ngân sách chiến tranh Ðông Dương làm chính phủ Pháp cần phải có một thắng lợi quân sự để hỗ trợ việc chấp thuận nguyên vẹn, không xén bớt, ngân sách do chính phủ đưa ra.

Những chi phí về chiến tranh Ðông Dương càng ngày càng nặng và càng đào sâu túi tiền của dân Pháp, hơn nữa, những chi phí đó còn vượt qua những chi phí kiến thiết mà nước Pháp đang cần.

Chi phí về chiến tranh Ðông Dương

1945 : 3 tỷ 2 phật lăng Pháp

1846 : 27 tỷ

1947 : 53, 3 tỷ

1948 : 89,7 tỷ

1949 : 130, 4 tỷ

1950 : 201 tỷ

1951 : 308 tỷ


Chi phí về kiến thiết xứ sở Pháp

1945 : 11,2  tỷ phật lăng Pháp

1946 :  37,5 tỷ

1947 : 73,6 tỷ

1948 : 84,4 tỷ

1949 : 114 tỷ

1950 : 117,5 tỷ

1951 : 137,9 t

Do đó, De Lattre phải cần một hành động hiệu quả và một thắng lợi để có tiếng vang gây thiện cảm ở Quốc hội Pháp.

                       Pháp tấn công Hoà Bình ngày 9-11-51
De Lattre ra lệnh cho De Linarès và Salan tấn công vào Chợ Bến và Hoà Bình.

Sáng sớm ngày 9-11-51, dưới quyền chỉ huy của tướng De Linarès, đoàn quân thiết giáp của đại tá De Castries, toán quân biệt kích của đại tá Dodelier cùng với đoàn Lưu động Mường của đại tá Vanuxem và một tiểu đoàn dù nhẩy thẳng xuống trận địa, ba bốn mặt cùng tiến quân vào Chợ Bến.

Việt minh bị tấn công bất ngờ nên thiệt hại nhiều, bỏ chạy không giao chiến. Ðến 5 giờ chiều cùng ngày 9-11 thì Pháp kiểm soát được khắp vùng Chợ Bến, khoảng 100 cây số vuông

Bốn ngày sau, ngày 13-11-51, Salan đích thân điều khiển cuộc tiến chiếm Hoà Bình. Cũng nhảy dù, cũng biệt kích và quân Lưu động, như hôm tấn công vào Chợ Bến, Hoà Bình bị chiếm dễ dàng, không có sự kháng cự của Việt Minh.

Ðoàn xe thiết giáp và xe ủi đất do hai tiểu đoàn công binh điều khiển tiến theo đường số 6 từ Hà Ðông qua Xuân Mai tới Hoà Bình, dài khoảng 60 cây số, mở  đường cho bộ binh.

Ngày 15-11-51, Salan tuyên bố Pháp kiểm soát được Hoà Bình, khoá cửa ngõ tiếp tế và giao thông của Việt minh giữa đồng bằng và Việt Bắc.


                                              * * *
                                  Pháp tấn công Hoà Bình ngày 9-11-51

Ba tuần lễ sau, Việt minh kéo các sư đoàn thiện chiến 304, 312 và 308 tới. Hai sư đoàn 304 và 312 có nhiệm vụ đánh các đoàn tiếp tế từ Hà nội lên trên đường thuộc địa số 6, hoặc bằng đường thủy trên sông Hồng Hà. Sư đoàn 308 có nhiệm vụ đánh vào Hoà Bình.


                                   Ðồn Tu Vũ bị tấn công tối 10-12-51
Tối ngày 10-12, trung đoàn 88 Việt minh tấn công đồn Tu Vũ là một đồn phòng thủ vòng đai, cách phía bắc Hoà Bình khoảng 10 cây số, do đại úy Levreur chỉ huy một tiểu đoàn Ma-rốc trấn giữ.

Bốn khẩu trọng pháo 75 của Việt minh khởi sự lúc 21 giờ, bắn dữ dội vào đồn, tiếp theo là biển người tràn vào.

Những trận đánh xáp-lá-cà làm quân Pháp thiệt hại nhiều. Tới quá nửa đêm, khoảng 100 quân Ma-rốc cùng với hai chiến xa mở đường, bỏ đồn chạy ra ngoài, kêu trọng pháo ở Hoà Bình và ở các đồn lân cận bắn tới. Hơn 4.000 trái đạn ca-nông đủ loại dội vào đồn Tu Vũ. Quân Việt minh bị thiệt hại nhiều, phải rút lui, không chiếm được đồn. Sáng hôm sau khi quân Pháp trở lại Tu Vũ thì chung quanh đồn khoảng 200 xác chết nằm la liệt khắp nơi ngoài vòng rào kẽm gai.

Ngày 29-12-51, trên đường thuộc địa số 6, một đại đội lê-dương bị phục kích bất ngờ làm chết 130 người trong số 200 người. Tin thiệt hại đó báo về Pháp trong lúc Quốc hội đang bàn cãi về ngân khoản chiến phí ở Ðông Dương làm những nghị sĩ chống chiến tranh lên diển đàn đả kích tơi bời Tổng trưởng Letourneau. Trong số các nghị sĩ lên diễn đàn đả kích, cựu Thủ tướng Daladier đề nghị Quốc hội ngưng bàn cãi, rút hết quân Pháp ở Bắc vào Nam, rồi đưa vấn đề Ðông Dương ra Hội đồng Liên hiệp Quốc để điều đình một cuộc ngưng chiến với Việt minh.

Tuy có nhiều sự phản đối nhưng hai ngày sau ngân sách cũng được Quốc hội chuẩn y, chi phí chiến cuộc Ðông Dương được chấp thuận.


Tướng De Lattre qua đời ngày 12-12-51

Lúc bấy giờ bệnh tình của tướng De Lattre đã vô hy vọng cứu chữa. Từ nhiều tháng nay, De Lattre bị ung thư chân. Công việc điều khiển Ðông Dương, những hành trình qua Pháp và qua Mỹ để xin viện trợ, sự đau buồn vì con chết trận, đã làm De Lattre kiệt sức dần, bệnh tình càng ngày càng trầm trọng, đến ngày 19-11-51, De Lattre về Pháp để vào bệnh viện giải phẫu. Ngày 7-12-51 De Lattre bất tỉnh, đến ngày 12-12-51 thì từ trần. Chính phủ Pháp truy tặng chức Thống chế và làm lễ quốc táng.

Ngày 8-1-52, tướng Salan được chính thức cử giữ chức vụ Quyền Chỉ huy tối cao Quân đội viễn chinh thay tướng De Lattre. Tổng trưởng Letourneau được cử giữ chức vụ Cao uỷ, có cựu Thống sứ Gautier phụ tá.



Xóm Pheo bị tấn công ngày 8-1-52



Cũng ngày đó, trên đường thuộc địa số 6, Xóm Pheo, một tiền đồn cách 5 cây số về phía bắc Hoà Bình, do thiếu tá Roux và tiểu đoàn 2 Lê-dương trấn giữ, bị trung đoàn 102 Việt minh tấn công. 50 khẩu trọng pháo 75 và SKZ không giật của Việt minh nhả đạn vào đồn. Ðến 1 giờ sáng thì Việt minh ùa lên dùng lựu đạn và mìn, tràn vào các điểm phòng thủ.

Các đồn Pháp bắn yểm trợ 700 trái trọng pháo 105 vào chung quanh đồn trong thời gian 15 phút, từ lúc Việt minh xung phong cho đến lúc Việt minh tràn vào trong đồn và trận xáp-lá-cà xảy ra, đến sáng thì Việt minh rút lui bỏ lại nhiều xác chết và khí giới, Pháp thiệt hại nhiều.



Mặc dầu thất bại trong hai trận tấn công đồn Tu Vũ và Xóm Pheo, Việt minh cũng không rời bỏ khu vực Hoà Bình. Một mặt, Việt minh dùng chiến thuật công đồn đả viện và thường xuyên uy hiếp các đường tiếp tế thuỷ, bộ để cầm chân số lớn lính Pháp[6] , một mặt Việt minh mở một mặt trận khác về phía Phát Diệm, với các sư đoàn 320, 326, làm Pháp phải chia quân ra nhiều nơi, cạn hết số quân dự trữ, bộ Chỉ huy Pháp lúng túng lo ngại.





Pháp rút quân khỏi Hoà Bình

ngày 22-2-52

Vì vậy, tối ngày 1-1-52, bộ Chỉ huy Pháp quyết định rút hết quân khỏi Hoà Bình và khỏi đường số 6.

Trung tá Ducourneau và đại tá Gilles chỉ huy cuộc triệt thoái. Bẩy giờ tối ngày 22-2-52, cuộc rút quân khởi sự. Hơn 1.000 dân Mường và 20.000 binh sĩ cùng các chiến cụ, đạn dược khí giới, vượt qua sông Hoà Bình, rút về Hànội bằng đường số 6.

Sau hai ngày, ba đêm, đoàn quân về đến nơi yên ổn. Ðoàn quân hậu tập bảo vệ cuộc rút lui bị Việt minh chận đánh thiệt hại khoảng 300 người chết và bị thương, bộ Chỉ huy Pháp mừng vì sự tổn thất nhẹ nhàng như vậy.

Trận Hoà Bình kết thúc với kết quả như sau :

- Phía Pháp, 900 người chết và mất tích trong số có 33 sĩ quan, 2.300 bị thương trong số có 47 sĩ quan.

- Phía Việt minh, 3.400 chết, 300 bị bắt làm tù binh, khoảng 7.000 bị thương[7]



Sau cuộc rút lui khỏi Hoà Bình, Pháp mở nhiều cuộc hành quân trong vùng đồng bằng để càn quét. Chương trình của Salan và Letourneau là quét sạch quân Việt minh trong khu tam giác đồng bằng, xúc tiến việc tổ chức quân đội quốc gia Việt nam với sự viện trợ của Mỹ, thành lập đoàn Quân thứ Lưu động (GAMO) để phối hợp với quân đội việc tổ chức an ninh xã hội các vùng đã được càn quét, rồi trao trả cho Thủ hiến Bắc Việt Nguyễn văn Tâm để tổ chức việc hành chánh.

Tới cuối tháng giêng 1952, viện trợ Mỹ cặp bến Sàigòn đã lên tới 120.000 tấn chiến cụ, trong số có 178 máy bay, 170 tàu thuỷ đủ loại, xe thiết giáp, đạn dược và dụng cụ truyền tin.



Chiến sự từ 16-2-52 tới 12-4-52



Từ ngày 16-2-53-2 đến ngày 12-4-52, trong vùng tứ giác Tháibình, Nam Ðịnh, Phủ Lý, Hưng Yên, Ninh Giang, 15 tiểu đoàn bộ binh Pháp hợp lực với hải quân và không quân lùng đánh các trung đoàn 48, 52, 64 thuộc sư đoàn 320 của Việt minh trong các cuộc hành quân Cra-chin, Ouragan, Amphibie, Mercure, do tướng De Berchoux và tướng De Linarès chỉ huy. Theo thống kê của Pháp thì, - phía Việt minh bị thiệt hại hơn 2.000 người chết, hơn 5.000 bị bắt làm tù binh trong số có 50 sĩ quan, hơn 4.000 bị thương, - phía Pháp, 1.700 người chết, bị thương và mất tích.

Tiếp đó tướng Cogny với 15 tiểu đoàn trong các cuộc hành quân Porto, Polo, Turco ở vùng Bắc Ninh, Hải Dương, chạm súng với trung đoàn 98 của Việt minh, gây tổn thất thiệt hại nặng cho trung đoàn này.

Theo thống kê của Pháp : - phía Việt minh, 900 chết trong có 10 sĩ quan, 1.200 tù binh (trong có 68 sĩ quan), - phía Pháp : 60 chết, 260 bị thương và 30 mất tích.



Việt minh tấn công Nghĩa Lộ lần thứ hai,

Nghĩa Lộ bị thất thủ ngày 18-10-52

Sau vụ tấn công thất bại hồi tháng 10-1951,Việt minh vẫn không bỏ ý định chiếm Nghĩa Lộ là nút chặn quan trọng trên đường tiếp tế vùng tây bắc Bắc Việt, vì vậy tháng 10 năm 1952, Việt minh lại kéo các sư đoàn thiện chiến 308 và 312 về khu vực đó.

Thị trấn Nghĩa Lộ nằm giữa một thung lũng rộng lớn có đông đúc dân cư và có hai đại đội trấn giữ, chia ra đồn Thượng trên ngọn đồi cao nhòm xuống thị trấn và đồn Hạ, một đồn thấp nằm ngay trong thị trấn. Ngày 4-10-52, sau khi nhận thấy những dấu hiệu hoạt động gia tăng của Việt minh trong vùng, bộ Chỉ huy Pháp gửi một toán quân Ta-bo đến Nghĩa Lộ để tăng cường. Ngày 14 và 15 những đồn bót nhỏ về phía đông, ven sông Hồng Hà phải rút về Nghĩa lộ vì áp lực gia tăng của Việt minh. Ngày 16-10, đồn Gia Hội ở cách 20 cây số về phía bắc Nghĩa Lộ báo tin là bị cô lập. Ngày 16-10, De Linarès vội thả một tiểu đoàn dù do đại tá Bigeard chỉ huy xuống đồn Tu Lệ, cách Gia Hội 10 cây số về phía tây tức là cách Nghĩa lộ 30 cây số. Tu Lệ là một đồn nhỏ có một tiểu đội lính Thái trấn giữ nằm trên ngã ba đường, một đường xuống Nghĩa Lộ (đông nam), một đường về Sơn La (tây nam), một đường lên Thân Uyên, Quỳnh Nhai (tây bắc).

 5 giờ chiều ngày 17-10-52, tất cả hoả lực trọng pháo của sư đoàn 308 Việt minh đổ vào đồn Nghĩa Lộ, tiếp theo là đoàn xung phong với súng SKZ và mìn, băng-ga-lo phá hàng rào, phá tường đồn, sau cùng là biển người tràn vào những lỗ hổng đã phá được, rồi những trận giáp-lá-cà bằng dao găm, lưỡi lê cho đến lúc đại đội Pháp và Thái trấn giữ, đồn Thượng bị tiêu diệt hết. Ðến nửa đêm, đồn Hạ cũng bị tấn công theo chiến thuật đó. 9 giờ sáng ngày 18-10, Việt minh hoàn toàn chiếm được hai đồn bảo vệ. Nghĩa Lộ bị thất thủ.







Na San trở thành tiền đồn



Sau khi thất bại ở Nghĩa Lộ, Salan quyết định tăng cường Na San để chống trả với Việt Minh trong vùng tây bắc và cũng để bảo vệ lãnh thổ dân tộc Thái đã từ lâu có những liên lạc trung thành với Pháp mà Pháp không thể rời bỏ.

Na San là tên một làng Thái ở giữa một thung lũng dài 5 cây số, rộng 2 cây số, chung quanh có núi đồi cao bao bọc, cách Hà nội 190 cây số theo đường thẳng, khoảng 40 phút đi bằng máy bay. Dân cư thưa thớt, toàn người Thái sống về nghề ruộng rẫy. Giữa lòng chảo Na San có một phi đạo dài một cây số dùng cho máy bay hai động cơ Dakota lên xuống được. Na San nằm trên tỉnh lộ số 41 nối liền Lai Châu, Ðiện Biên qua Sơn La, Mộc Châu xuống Thanh Hóa hoặc sang Hoà Bình, vì vậy vị trí Na San quan trọng trong việc tiếp tế bằng đường bộ cho khu vực Thái và trấn giữ vùng Thượng Lào.

Ðầu tháng 11-1952, một cầu không vận ngày đêm hoạt động, chuyên chở các đồ tiếp tế đạn dược, lương thực, xe ủi đất, hàng ngàn tấn giây kẽm gai và lừa ngựa[8] từ Hà nội lên Na San. Hai đại đội công binh và hàng ngàn phu phen phục dịch gấp rút xây đắp các đường hầm giao thông và trú ẩn, xây cất 30 điểm tựa chung quanh lòng chảo, trên những ngọn đồi núi, để bảo vệ phi trường Na San. Ðại tá Gilles chỉ huy 8 tiểu đoàn và 4 giàn trọng pháo 105, có nhiệm vụ bảo vệ Na San.

Ngày 29-11-52, tiền quân Việt minh tiến gần đến Na San để thử sức những tiền đồn Pháp ngoài vòng đai. Không quân Pháp ném bom vào các điểm nghi ngờ có Việt minh trú ẩn. Salan lo ngại, gửi thêm hai tiểu đoàn dù và 2 giàn trọng pháo 105 ly lên tăng cường, ra lệnh cho Gilles cố thủ không để mất điểm tựa nào, cũng như không được để Việt minh tiến gần đến phi đạo dưới tầm trọng pháo.

Ðêm 31-11 rạng ngày 1-12-52, Việt minh ồ ạt tấn công vào các điểm tựa phía đông bắc, đợt nọ liên tiếp đợt kia xung phong chiếm được điểm tựa số 24 do trung úy Pipart phụ trách với một đại đội lính phụ lực Thái và lính Ma-rốc. Tới gần sáng nhờ trọng pháo và không quân yểm trợ, Gilles phản công với những đơn vị dự trữ, Việt minh rút lui, Gilles lấy lại được đồn.

Ðêm hôm sau, 11 tiểu đoàn Việt minh ồ ạt tấn công vào hai đồn chính bảo vệ Na San. Từ 9 giờ đêm đến 7 giờ sáng, nhờ thời tiết tốt nên máy bay Pháp thả hoả châu chiếu sáng khắp trận địa, liên tiếp ném bom và bắn liên thanh xuống vị trí Việt minh, đồng thời các giàn trọng pháo nhả đạn chung quanh đồn. Trong đồn thì lính cố sức cầm cự, Việt minh thiệt hại nhiều mà không chiếm được đồn, đến sáng rút lui bỏ lại nhiều khí giới và 500 xác chết chung quanh các hàng rào dây thép gai.

Những ngày sau,Việt minh biết là vấp phải sức kháng cự mạnh mẽ, nếu tiếp tục tấn công thì thất lợi, nên rút lui khỏi Na San không trở lại nữa.

Salan ăn mừng thắng trận, vui mừng với số quân ít ỏi (12 tiểuđoàn) mà đương đầu được với 3 sư đoàn địch và còn làm cho địch bị thiệt hại nặng nề.

Na San giữ vững đến tháng 8 năm 1953 thì tướng Navarre ra lệnh triệt thoái rút về Ðiện Biên Phủ. Navarre cho rằng với sự phòng thủ Ðiện Biên mạnh mẽ và hùng hậu, nếu Việt minh đụng vào thì sẽ bị thảm bại chua cay hơn nhiều.

Trong khi Salan tăng cường phòng thủ Na San đề phòng Việt minh kéo quân tới tấn công địa điểm đó, thì đêm hôm17-11-05 Mộc Châu bị thất thủ.

Mộc Châu là một thị trấn ở cách Na San 80 cây số về phía Nam, nằm trên đường hàng tỉnh số 41 từ Hoà Bình lên Sơn La, Lai Châu, trấn giữ con đường qua Xiêng Khoang vào xứ Lào. Mộc Châu có một tiểu đoàn Ma-rốc với số quân phụ lực người Thái. Ðêm 17 rạng ngày 18-11, đồn Mộc Châu bị tràn ngập sau nhiều đợt tấn công của Việt minh, quân Pháp bỏ đồn rút qua rừng về phía Sầm Nứa.

Ngày 30-11-52, đồn Ðiện Biên Phủ bị thất thủ. Ðiện Biên Phủ là một thị trấn thuộc Quân thổ 4, gần biên giới Lào, cách Lai Châu 90 cây số đường thẳng về phía tây nam và cách Sơn La cũng vào khoảng ấy về phía tây, cách Hànội khoảng 300 cây số. Ðiện Biên Phủ nằm giữa một thung lũng dài 15 cây số, rộng 6 cây số, có một phi đạo máy bay Dakota có thể lên xuống được. Ðiện Biên Phủ có chừng 300 lính Thái đặt dưới quyền một viên Tri châu người Mường, Ðèo văn Ban, và một tiểu đoàn lính Sê-nê-ga-le dưới quyền thiếu tá Durand. Tiểu đoàn sênê-ga-le này vừa bị thiệt hại lớn trong một cuộc chạm súng với Việt minh gần Lai châu.

Ngày 25-11-52, tiểu đoàn Lào do thiếu tá Sicard chỉ huy được gửi đến tăng cường. Ngày 29-11, Việt minh tấn công. Tiểu đoàn Lào và lính Thái bỏ chạy về phía Mường Khoa (Lào), Ðiện biên Phủ bị Việt minh chiếm trọn.

Ðứng trước hai thất bại, Mộc Châu và Ðiện Biên Phủ, bộ Chỉ huy Pháp lo ngại Việt minh tấn công vào xứ Lào. Một mặt mở những cuộc hành quân phát xuất từ Na San để đánh phá Việt minh trong việc tiếp tế của họ và tập kích  hậu quân của Việt minh, một mặt tăng cường Sầm Nứa là một thị trấn Lào gần Mộc châu và Ðiện Biên Phủ nhất.

Mặt khác, vì nhu cầu nhân sự, bộ Chỉ huy Pháp giao thêm nhiều trách nhiệm cho Quân lực Quốc gia  trong vùng đồng bằng. Pháp mở các cuộc hành quân vào căn cứ Việt minh trong vùng Quy Nhơn để bớt áp lực cho Pleiku và tổ chức đoàn Biệt kích Mèo để phá rối Việt minh trong vùng Thượng Lào.

Quân lực Quốc gia Việt Nam đầu năm 1953 lên tới 7 sư đoàn, khoảng 150.000 người cộng với 50.000 người phụ lực. Tại vùng đồng bằng, toàn tỉnh Hưng Yên đặt dưới trách nhiệm của Quân lực Quốc gia, từ lâu đã tỏ ra khả năng chiến đấu xứng đáng với trách nhiệm giao phó. Tại các vùng Bùi Chu - Phát Diệm,Việt minh đã bị thất bại nhiều trong những cuộc tấn công.Với sự tín nhiệm đó và trước nhu cầu cần phải tăng viện mặt Lào đang bị đe doạ, Salan rút quân Pháp ở đồng bằng Bắc Việt và Nam Việt chuyển sang Lào, nên đầu năm 1953, Uỷ ban Tối cao Quân sự Pháp nhóm họp dưới sự chủ toạ của Quốc trưởng Bảo Ðại và Tổng trưởng Letourneau, đồng thanh giao trách nhiệm cho bộ Chỉ huy Quân lực Quốc gia trong việc bình định các tỉnh đã thâu hồi được trong miền đồng bằng. Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Quốc gia được mời tham dự trực tiếp trong các Kế hoạch hành quân cho cácchương trình quân sự liên can đến Việt Nam.



Tại miền Trung, những cuộc chuyển quân của Việt minh trong vùng Quy Nhơn và áp lực của 8 tiểu đoàn Việt minh xuất phát từ Liên khu 5 vào An Khê, Pleiku, Kontum, làm bộ Chỉ huy Pháp phải lo ngại và tìm cách chống trả.  Hai tiểu đoàn dù gửi đến tiếp viện được tướng Delange cho đóng ở An Khê. Biệt kích dù GCMA[9] và 2.000 thuỷ quân lục chiến từ mẫu hạm Arromanches đổ bộ vào Quy Nhơn ngày 29-1-53, chiếm Quy Nhơn  rời từ đó xuất phát những cuộc hành quân phối hợp với hai tiểu đoàn dù ở An Khê.

Việt minh rút khỏi khu vực. Áp lực vào Pleiku và Kontum giảm xuống.

Ngày 6-2-53, quân đổ bộ Pháp rút xuống tàu, mang theo 2.500 dân chúng bỏ vùng Việt minh, tỵ nạn vào miền Nam.



Miền Thượng Lào -

Luang Prabang và Cánh Ðồng Chum.

Tại miền Thượng Lào, Sầm Nứa là cửa ngõ từ tây bắc Bắc Việt sang. Dân tộc Mèo tại đó chuyên trồng thuốc phiện sinh sống một cách sung túc. Sầm Nứa cũng là tiền đồn của Cánh Ðồng Chum và tiền đồn của thủ đô Lào Vạn Tượng (Luang Prabang).

Nếu thu phục được dân tộc Mèo để chống Việt minh trong khu vực đó, thì cũng là một lực lượng đáng kể, có thể gây rất nhiều khó khăn cho Việt minh. Ðại tá Trinquier chỉ huy đoàn biệt kích dù hỗn hợp GCMA thuộc cơ quan phản gián SDECE được giao trách nhiệm tổ chức Lực lượng Biệt kích Mèo tại khu vực đó. Cơ quan này liền đề nghị với bộ Chỉ huy Pháp giao thiệp với Tù trưởng Mèo tên là Lý Phụng (Pháp gọi là Toubi) để mua hết số thuốc phiện do dân Mèo sản xuất, chở vào Chợ Lớn bán lấy lời. Tiền lời dùng vào việc tổ chức một toán quân biệt kích Mèo. Trước kia, nhà đoan Ðông Dương vẫn mua tất cả sản lượng thuốc phiện của dân Mèo về lọc, nấu thành chất lỏng, rồi đóng hộp bán cho dân nghiền dùng. Bộ Chỉ huy Pháp thấy có lợi vì không phải bỏ tiền, mà mua chuộc được Tù trưởng và có cả ngàn tay súng phụ lực nên bộ Chỉ huy đồng ý cho Cơ quan GCMA thực hiện chương trình đó. Những chuyến bay Dakota chở hàng tấn thuốc phiện sống, đóng trong những thùng cũ đựng đạn dược, từ Cánh Ðồng Chum bay tới Vũng Tàu, chuyển bằng xe hơi lên Sàigòn giao cho người được Pháp uỷ nhiệm việc tiêu thụ. Sau đó nhờ những món tiền lời, hơn một ngàn quân biệt kích Mèo được tổ chức, dưới quyền chỉ huy của đại úy dù Desfarges và trung úy Brehier có các hạ sĩ quan quốc gia Việt Nam phụ trách việc Truyền tin. Ðoàn quân này được huấn luyện và tổ chức thành từng toán 50 người hoặc 100 người, len lỏi trong rừng rậm tây bắc Bắc Việt và Thượng Lào, dùng chiến thuật du kích, gây nhiều khó khăn cho Việt minh[10].

Tới ngày 12-4-1953, trước áp lực mạnh của 8 tiểu đoàn Việt minh, quân Pháp triệt thoái khỏi đồn Sầm Nứa rút về Cánh đồng Chum, cách 30 cây số về phía Nam.dài khoảng 100 cây số thuộc về địa phận tỉnh Xiêng Khoang, nằm trên cao độ 1200 mét, khí hậu mát mẻ, cây cỏ tươi tốt, có nhiều cây thông mọc, là xứ sở của những người Mèo chuyên nghề trồng thuốc phiện. Trên cánh đồng có 6 nơi tụ hợp những chum.  Cái chum lớn nhất cao khoang ba thước, đường kính khoảng trên hai thước, đã được đục, khoét, khắc từ nguyên khối đá tảng lớn ước lượng từ 2 tới 3 ngàn năm nay. Không ai biết lợi ích của những cái chum đó, có người nói dùng trong việc thờ phụng thần linh. Các nhà khảo cổ tây phương cũng chưa xác định được lợi ích của những cái chum đó.

Tiểu đoàn số 8 Lào trên đường rút lui khỏi Sầm Nứa bị Việt minh đuổi theo truy kích nên bị thiệt hại rất nhiều, phải len lỏi trong rừng, mãi đến 8 ngày sau nhờ có một đại đội dù nhảy xuống tiếp cứu, 300 người sống sót mới thoát được về Cánh Ðồng Chum. Một số khác được quân biệt kích Mèo giúp đỡ, cuối cùng phân nửa số quân trú phòng tại Sầm Nứa thoát được, còn thì bị tử trận, hoặc bị bắt, hay đầu hàng.

Ít tuần sau, trước sức tiến của hai sư đoàn Việt minh 304 và 325, Pháp rút khỏi Xiêng Khoang, lui về cố thủ ở Cánh đồng Chum và Vạn Tượng.



Bộ Chỉ huy Pháp cho rằng xứ Lào đang bị Việt minh đe doạ xâm chiếm, quân VM đang tiến vào xứ Lào, nên ngày 18-4 tướng Salan bay lên Vạn Tượng để trình bầy với Vua Lào tình trạng nguy ngập của Luang Prabang, trước sức tiến công của quânViệt Minh. Hơn nữa, những ngưòi Mỹ đang du lịch tại Vạn Tượng đã được di tản cấp tốc ngay khỏi thành phố bằng một máy bay nhỏ. Vua Lào nhất định không rời khỏi kinh đô. Tướng Salan khi tới hoàng cung thì thấy Nhà Vua vẫn bình thản, không chút lo ngại, mặc dầu các cận thần có trình bầy với nhà Vua phải cấp tốc di tản hoàng gia ngay khỏi kinh đô, nhất là phải rời bức tượng vàng đặc Prabang, là một quốc bảo. Nhà vua từ chối, nhất định không chịu rời khỏi kinh đô.

 Ngày 24-4-51,thành phố Luang Prabang vắng tanh, chợ không họp, các cửa tiệm Tàu đều đóng chặt. Ðài phát thanh Bắc Kinh (Trung cộng) loan báo Vạn Tượng sẽ bị chiếm, chậm lắm trong một tuần lễ nữa, ngày 1-5-53.

Thực sự thì quân số Pháp đóng ở Vạn Tượng để bảo vệ kinh đô rất ít ỏi, nếu có thể có thêm quân tiếp viện khoảng 1 ngàn người được đưa tới, thì chẳng là bao nhiêu so với hai sư đoàn của Việt minh.

Người ta kể một giai thoại được truyền tụng ở Lào thời bấy giờ :

Thái độ bình tĩnh của Nhà Vua và của tất cả mọi người trong hoàng gia, cũng như của đa số người Lào làm nhiều người ngoại quốc bàn tán, nhiều người  khâm phục lòng can đảm của nhà Vua vì ai cũng biết rằng Nhà Vua vẫn công khai tỏ thái độ thân Pháp. Nếu Việt minh tấn công Luang Prabang mà bắt được Nhà Vua thì tính mạng của Nhà Vua coi như không được bảo đảm. Tuy nhiên, lễ Rước tượng Phật Prabang và tượng Rắn thần Nâga bảo vệ Kinh đô cũng được tổ chức trong thành phố với các lời tụng niệm của các nhà sư và dân chúng đông đảo cầu xin phù hộ chống nạn xâm lăng Việt minh.

Mọi người đều bình tĩnh, tất cả đều tin vào lời tiên đoán của Hoà thượng Phou Sathou, một hoà thượng cao niên, mù mắt, sống trong rừng. Hoà thượng tiên đoán rằng : "Hoà thượng đã "nhìn" thấy bọn Phu keo (Việt minh) kéo quân tới sông Nam Hou, nhưng Hoà thượng không "nhìn" thấy bọn Phu keo (Việt minh) qua sông để tiến về  Luang Prabang".

 Cũng như những tin đồn Việt minh kéo từ phía Nam lên Luang Prabang "Hoà thượng không"nhìn" thấy toán quân Việt minh nào từ phía nam tiến lên Luang Prabang cả."

Về sau người ta biết tin Việt minh từ phía Nam lên chỉ là tin đồn chứ không có quân Việt minh nào kéo từ phiá nam lên thủ đô Vạn Tượng.

Lời tiên đoán của vị Hoà thượng mù đã đúng với sự thật.



Rồi một sự việc lạ lùng xảy ra.

Ngày 3-5-53, hai sư đoàn Việt minh đang chuyển quân bỗng ngừng lại không tiến nữa về phía Luang Prabang mà chuyển hướng tiến về phía Sầm Nứa, Việt minh rút hết quân khỏi khu vực Thượng Lào, thành ra không có một trận đánh nào xảy ra trên đất Lào. Cánh Ðồng Chum và thành phố Vạn Tượng thoát khỏi chiến sự.

Về sau, Pháp đưa ra một giải thích : Tù binh Việt minh bị bắt, khai là mưa nguồn lớn quá làm cản trở sự giao thông, không chuyển gạo muối kịp được, quân Việt minh bị gián đoạn tiếp tế nên phải chuyển hướng đi về hướng Sầm Nứa.


__________________________________________________



CHÚ THÍCH BÀI SỐ 7

[1]  Lệnh của tướng Carpentier

[2]  Tết Tân mão 1951

[3] Những con số thắng lợi hay tổn thất của đôi bên trong các trận chiến nói trong tài liệu ‘45-54 chín năm khói lửa’ này đều căn cứ vào các tài liệu của Pháp.

[4] Ðại úy Vi văn Toàn là người hồi tháng 11-45 làm thông ngôn cho Salan lúc Salan sang Tàu

[5] Chú thích : cố gắng giúp thành lập quân đội quốc gia Việt Nam.

[6]  Riêng tại đường số 6,  Pháp phải dùng tới 16 tiểu đoàn để bảo vệ sự lưu thông trên con đường đó.

[7] Theo tài liệu của Pháp

[8] Lừa ngựa để chuyên chở nước uống và tiếp tế lương thực đạn dược cho các đồn điểm tựa đóng trên núi.

[9] GCMA = groupement de commandos mixtes aéroportés

[10] Chú thích : Phần lớn toán quân này bị bỏ rơi khi Pháp rút quân khỏi Bắc việt năm 1954.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét