Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

45-54, CHÍN NĂM KHÓI LƯẢ - Bài 1


45 - 54, CHÍN NĂM KHÓI LỬA
tôvũ

Bài 1
ất dậu 1945
                                                  
Cứ mỗi lần năm Dậu trở lại là Tô Vũ tôi lại bùi ngùi, xót xa, tim se lại, nhớ tới năm Ất dậu 1945, với những biến cố xảy ra chỉ trong vài tháng mà làm thay đổi dòng lịch sử của đất nước, thay đổi vận mệnh của dân tộc, ảnh hưởng đến tương lai toàn thể mấy chục triệu người dân Việt Nam.
Từ năm 1939, thế giới lâm vào cảnh đại chiến khủng khiếp do nhà độc tài Adolf Hitler cầm đầu chế độ Ðức Quốc Xã gây ra. Hitler mang quân xâm chiếm nước Ba Lan ngày mùng 1 tháng 9 năm 1939, mở màn cho đệ nhị thế chiến 1939-1945. Anh, Pháp tuyên chiến với Ðức. Tháng 6 năm 1940, nước Ý do độc tài Mussolini điều khiển tuyên chiến với Pháp và Anh. Ðức xua quân chiếm Ðan Mạch, Na Uy, Lục Xâm Bảo, Hoà Lan, Bỉ và tháng 6-1940, quân Ðức tiến vào nước Pháp, ngày 14-6-40 chiếm Ba Lê. Thống chế Pétain ký hoà ước với Ðức và với Ý Ðại Lợi.
Tại Á Châu, từ 1937, Nhật Bản xua quân xâm nhập Trung Hoa, chiếm đóng nhiều vùng trên toàn thể lãnh thổ.
Thống chế Tưởng Giới Thạch phải lui về Trùng Khánh, phía tây nam nước Tàu, gần biên giới Miến Ðiện để đặt đại bản doanh kháng chiến chống Nhật.
Trung Hoa là đồng minh của phe Tây phương tự do. Pháp cho Trung Hoa sử dụng hải cảng Hải Phòng và đường xe lửa Hà Nội - Vân Nam để chuyển vận lương thực và đạn dược khí giới của Tây phương viện trợ tiếp tế cho quân đội Trùng Khánh,
 Nhật Bản phản đối, yêu cầu Pháp chấm dứt việc chuyển đồ tiếp tế cho Trùng Khánh qua lãnh thổ Bắc Việt.
Ngày 30-8-1940, Pháp (toàn quyền Decoux) thoả thuận chấm dứt việc chuyển vận đồ tiếp tế cho Trùng Khánh qua địa phận Bắc Việt, ngược lại Nhật bản công nhận chủ quyền cai trị của Pháp ở Ðông Dương. Quân đội Nhật vào đóng ở Hải Phòng và ở các trọng điểm biên giới Hoa Việt để kiểm soát việc thi hành thoả thuận 30-8-40.
Tình hình Ðông Dương vẫn yên ổn, bom đạn trời Âu không lan rộng tới. Nhưng vì chiến tranh ở Âu Châu nên hàng hoá và nguyên liệu kỹ nghệ dùng để sản xuất không nhập cảng vào được nên nhiều hàng hoá trở thành khan hiếm,
Nông dân bị hạn chế sản xuất lúa gạo, ruộng đất trồng lúa bắt phải trồng cây kỹ nghệ như cây đay, cây gai, cây bông, cây thầu dầu để cung ứng cho Nhật dùng trong chiến tranh, nên ở miền Bắc, lúa gạo trở nên thiếu hụt trầm trọng. Chính phủ Ðông Dương lại thâu mua lúa gạo của nông dân để tiếp tế cho dân thành thị và cho quân đội Nhật bản, và cũng để lập kho dự trữ cho quân đội Nhật và quân đội Pháp. Hồi đó dân thành thị được phát phiếu tiếp tế để mua những thứ cần thiết như gạo, muối, đường, sữa, sà bông, diêm quẹt, dầu hôi, vải sợi, v.v... Khổ sở nhất là dân nghèo vùng quê, thiếu ăn thiếu mặc, không được tiếp tế, không có gì để ăn, có nhiều nơi bị chết đói cả nhà, cả làng.
Chính quyền Pháp Ðông Dương sống chung hoà bình với quân đội Nhật một thời gian được gần một năm. Ðến ngày 29-7-1941 thì, sau một bức tối hậu thư gửi cho Toàn quyền Ðông Dương (Jean Decoux), quân đội Nhật tràn vào chiếm đóng toàn thể lãnh thổ.
Tuy vậy, sau ngày đó và từ 1941 đến 1944, cuộc sống chung gượng ép vẫn tiếp tục. Nhật Bản vẫn công nhận chính quyền Pháp Ðông Dương trong các việc cai trị, hành chánh, kinh tế, tài chánh, an ninh, cảnh sát, và vẫn duy trì quân đội Pháp. Ngược lại chính quyền Pháp Ðông Dương phải tiếp tế lương thực và đóng góp chi phí cho quân đội Nhật chiếm đóng.
Ngoại trừ việc máy bay Ðồng minh của Mỹ thỉnh thoảng ném bom những mục tiêu quân sự Nhật, những trục giao thông quan trọng, hải cảng, hải thuyền, đường hoả xa hay các cầu quan trọng, hay các căn cứ quân sự Nhật, thì dân chúng vẫn sống yên ổn. Mỗi khi có máy bay Mỹ đến gần địa phận thì còi báo động nổi lên, dân chúng vào các hầm trú ẩn tránh bom, khi hết báo động thì lại tiếp tục công việc bỏ dở.
Người dân Hà nội gần như sống ngoài lề chiến sự. Hồi bấy giờ những phương tiện truyền thông còn ít ỏi, không tân tiến như bây giờ, dân chúng theo dõi tin tức chiến sự qua Radio Hanoi của Pháp, hay radio BBC của Anh, mà cũng hiếm người có được đài radio để nghe tin. Ða số theo dõi chiến sự qua những tờ báo địa phương không đầy đủ và tin tức chậm chạp, cho nên những tin đồn thường được phổ biến truyền tai rộng rãi. Trong những lúc trà dư tửu hậu, câu chuyện thường xoay quanh những câu sấm Trạng Trình để tiên đoán thời cuộc.
Một quyển Sấm Trạng Trình dầy khoảng mười trang đánh máy được sao chép truyền tay nhau.
Bốn câu sấm được nhiều người bình luận và tin tưởng hợp vào thời cuộc hồi đó là :
Long vĩ sà đầu khởi chiến tranh,
Can qua xứ xứ khổ đao binh.
Mã đề dương cước anh hùng tận,
Thân dậu niên lai kiến thái bình.
Cuối năm Rồng (thìn, 1940) đầu năm Rắn (tỵ, 1941) khởi sự chiến tranh.
Chiến tranh lan tràn, nhiều nước khổ vì binh đao.
Cuối năm Ngựa (ngọ, 1942), cuối năm Dê (mùi, 1943), thì anh hùng tận.
(Vì anh hùng tận, nên) Năm Khỉ (thân, 1944), năm Gà (dậu, 1945) thấy thái bình.

Cái lô-gích này cũng có phần hợp lý : kẻ gây chiến chết thì chiến tranh chấm dứt.
Anh hùng đây phải luận là những người gây chiến mà người gây chiến đứng hàng đầu là Hitler.
Hitler tự tử chết ngày 30 tháng 4-1945 khi Bá linh bị thất thủ. Một tuần lễ sau, mùng 8 tháng 5-1945,  Ðức Quốc Xã đầu hàng.
Chỉ có một điều là câu sấm đã đoán sai năm chết của Hít Le, chắc vì khó đoán nên mới nói lưỡng lự: mã đề, dương cước (1942, 1943) anh hùng tận, tức là không tiên đoán chính xác được cái năm chết của Hít Le, nhưng cũng không quan trọng lắm, quan trọng là chiến tranh chấm dứt,câu sấm đó đã đoán đúng năm chiến tranh chấm dứt, năm thấy thái bình là năm Dậu, 1945.
Ở Á đông, tháng 8-1945 hai quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki, ngày 6 và ngày 9-8-1945, Nhật Bản đầu hàng ngày 15 tháng 8 -1945.
 Câu sấm đã có từ thời nào ?
Theo truyền thuyết thì câu sấm đó của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585). Cụ Trạng tiên đoán chiến tranh 400 năm trước khi xảy ra Ðệ nhị Thế chiến. Tiên đoán sự việc xẩy ra 400 năm sau, có sai một hai năm cũng đã là giỏi quá rồi !
*
Trở lại tình hình Việt Nam năm Ất dậu 1945.
Sự giao thiệp giữa quân đội Nhật và nhà cầm quyền Pháp Ðông Dương hồi cuối năm 1944 trở nên căng thẳng. Thái độ của Nhật trở nên cứng rắn. Nguyên do vì những sự thất trận của Nhật ở Thái Bình Dương, những sự phản công thắng lợi của Ðồng Minh ở mặt trận Âu Châu, những cuộc oanh tạc của máy bay Mỹ càng ngày càng chính xác làm cho Nhật thiệt hại nhiều, Nhật cho rằng Pháp đã hướng dẫn Mỹ trong những vụ oanh tạc và nghi ngờ Pháp sửa soạn đón Mac Arthur đổ bộ vào Ðông Dương để ngả theo Mỹ chống lại Nhật.
Cuối năm 1944, Nhật tăng cường quân số ở khắp nơi và yêu cầu Pháp phải trao cho Nhật những phi công đồng minh nhảy dù xuống sau khi máy bay bị hạ. Ðô đốc Decoux, Toàn quyền Ðông Dương, tuy do chính phủ Vichy thân Ðức là đồng minh của Nhật cử sang Ðông Dương thay tướng Catroux, nhưng Decoux vẫn liên lạc với kháng chiến của De Gaulle, nên trước đòi hỏi của Nhật ông đã từ chối.
Những sự xô xát giữa lính Pháp và lính Nhật ở ngoài đường phố càng ngày càng nhiều, lính Nhật cố tình khiêu khích làm cho chính quyền Pháp Ðông Dương lo ngại xảy ra những vụ đụng độ lớn lao.
Tại soái phủ Sàigòn, hồi 20 giờ 30 đêm 9 tháng 3-1945, Ðô đốc Toàn quyền Decoux tiếp Ðại sứ Nhật Bản, ông Matsumoto, trong phòng khách danh dự ở từng dưới điện Norodom. Sau những lời chào hỏi xã giao lịch sự thông thường, đại sứ Matsumoto yêu cầu Pháp tăng tiếp tế thực phẩm cho quân đội Nhật. Hai bên đàm luận về thông điệp truyền thanh của tướng De Gaulle và đề cập đến trường hợp quân đội Ðồng Minh đổ bộ vào Ðông Dương.
Ðột nhiên đại sứ Matsumoto nghiêm giọng yêu cầu Ðô Ðốc Decoux phải đặt toàn thể quân đội Pháp dưới quyền chỉ huy Nhật nghĩa là sáp nhập quân đội Pháp vào quân đội Nhật để chống Anh Mỹ và Ðồng Minh. Ðô đốc Decoux được nửa giờ để suy nghĩ câu trả lời, nếu từ chối thì quân đội Nhật sẽ tức khắc tấn công khắp nơi, Decoux phải chịu trách nhiệm về những hậu quả.
Decoux biết rằng từ chối là tự sát, nhưng vì danh dự ông đã khẳng khái trả lời ngay là không thể chấp nhận được.
Ðúng 21 giờ ngày 9-3-1945, Ðô đốc Decoux bị một tiểu đội lính Nhật dẫn ra khỏi soái phủ cùng với tướng Delsuc, tư lệnh sư đoàn Nam Kỳ-Căm bốt, đưa lên giam giữ tại vùng rừng cao su Lộc Ninh, giữa những tiếng súng nổ liên hồi của quân Nhật
Cùng lúc đó khắp nơi trên lãnh thổ Việt Nam quân Nhật tấn công vào các đồn lính Pháp.
Tại Hà Nội, 20 giờ tối ngày 9-3-45, các doanh trại Nhật mở lớn cổng, xe cam-nhông chở đầy binh lính với những vải xanh đỏ buộc ở cánh tay hay quàng cổ, đổ ra các ngả đường bao chung quanh thành Hà Nội. Súng liên thanh dàn tại các ngã ba, ngã tư, đồng loạt nổ liên hồi. Kèn báo động trong thành nổi lên, dân chúng chạy vội về nhà đóng chặt cửa.
Tại cửa Bắc, cửa Ðông và cửa Nam, lính Nhật trèo lên gác nhà dân, bắn vào trong thành.
20 giờ 20 một loạt đại bác bắn vào trong thành làm một số lính Pháp đầu tiên chết hay bị thương.
20 giờ 40 Nhật xung phong nhiều đợt vào Cửa Ðông nhưng bị đẩy lui.
24 giờ. Một mảng tường thành bị đại bác Nhật bắn sập. Quân Nhật xung phong vào, nhưng bị liên thanh và đại bác làm chết nhiều không lọt vào trong thành được.
2giờ 30 sáng 10-3 một nhóm quân Nhật lọt được vào thành nhưng lại bị đánh bật ra.
Tới 5 giờ sáng (10-3-45), sau đợt pháo kích dữ dội, Nhật chiếm được bót gác Cửa Ðông, là căn cứ chỉ huy Tiểu đoàn 9 Bộ binh thuộc địa.
7giờ 30, Thủy quân lục chiến và Tiểu đoàn 4 pháo binh thuộc địa sử dụng 3 thiết giáp và 3 thiết xa có gắn đại liên phản công nhưng bị chận lại, 3 thiết giáp bị phá hủy.
13giờ30, đạn dược bắt đầu cạn, đạn trái phá còn một ít. Lính Pháp kéo mấy khẩu đại bác nạp đạn bắn thẳng vào quân Nhật, nhưng họ đã bị bắn ngã gục.
15giờ45 ngày 10-3-45, tướng Tư Lệnh Pháp ở Bắc Kỳ ra lệnh cho binh sĩ hạ khí giới, tướng Massimi đầu hàng với điều kiện tiếp nhận theo quân cách.
Sau 19 giờ chiến đấu, quân Pháp chết 250 người trong có 10 sĩ quan, 261 người bị thương. Tổn thất Nhật cũng xấp xỉ số đó.

Sau ngày 9-3-45, ba nước Việt, Căm-bốt, Lào đều tuyên bố độc lập gia nhập Khối Thịnh Vượng Chung Ðại Ðông Á của Nhật Bổn. [1]
Ngày 11-3-45, Hoàng đế Bảo Ðại tuyên bố tại Huế :" Những hiệp ước Việt Nam ký kết với Pháp hồi cuối thế kỷ 19 đã trở nên vô hiệu, Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập gồm ba kỳ Bắc, Trung, Nam "
  Nạn đói hoành hành ở miền bắc Việt Nam làm một triệu người chết. Mặc dầu những sự cố gắng của các tư nhân và các cơ quan từ thiện, của chính phủ TT Kim, sự cứu trợ như muối bỏ bể.
Dân thành thị không bị thiếu thốn nhờ chính sách thẻ tiếp tế, nhưng dân miền quê thì khổ sở, thiếu ăn, thiếu mặc. Nhiều nhà chết đói cả nhà, nhiều làng chết đói cả làng. Dân đói kéo lên các thị thành để hành khất, xin ăn, hình ảnh những người đói, chân tay gầy guộc, không còn thịt, chỉ còn da bọc xương như những que củi, như những bộ xương người lưu động, chậm chạp lang thang vô định để xin ăn, trẻ con bơ vơ, số người chết đói hàng ngày lên rất nhiều. Cơ quan Vệ sinh thành phố mỗi ngày kéo xe bò đi nhặt xác, chất đầy lên xe đổ xuống những hố lớn đã đào sẵn ở ngoài thành phố, rắc vôi bột lên rồi lấp đất. Trong khi đó gạo tiếp tế cho quân đội Nhật, bao lớn bao nhỏ chồng chất trên các xe bò, nối đuôi trên đường phố. Thỉnh thoảng cũng có người liều chết xông ra lấy dao rạch bao cho gạo chảy xuống đường rồi xúm nhau vào quét.
Trong khi đó, ở miền Nam luá gạo thừa thãi, việc chuyển vận lúa gạo từ Nam ra Bắc không thể thực hiện được. Tàu thủy từ Sàigòn ra Hải Phòng đều bị máy bay đánh đắm, xe lửa từ Sàigòn ra Hà Nội đều bị máy bay oanh tạc, hơn nữa nhiều cầu trúng bom bị sập, xe lửa chỉ chạy được từng khúc. Lúa miền Nam thừa thãi phải dùng lúa đốt lò nhà máy điện Chợ Quán thay thế than Hòn Gai không thể chở vào Sài gòn được.

Ngày 17 tháng 4-1945 cụ Trần Trọng Kim trình diện nội các gồm 11 vị :
Trần Trọng Kim, Thủ tướng
Trần Ðình Nam, y sĩ, bộ Nội vụ
Trần Văn Chương, luật sư, Bộ Ngoại giao
Trịnh ÐìnhThảo, luật sư, bộ Tư pháp
Hoàng Xuân Hãn, giáo  sư, bộ Giáo dục
Vũ Văn Hiền, luật sư, bộ Tài chánh
Phan Anh, luật sư, bộ Thanh niên
Lưu Văn Lang, kỹ sư, bộ Công chính
Vũ Ngọc Anh, bác sĩ, bộ  Y tế
Hồ Bá Khanh, bác sĩ, bộ Kinh tế
Nguyễn Hữu Thi, y sĩ, bộ Tiếp tế

Mở đầu bài tuyên cáo với quốc dân cụ TTKim nói : " Ngày 25 tháng 2 năm Ất dậu tức là ngày mùng 9 tháng 3 năm 1945, quân đội Ðại Nhật Bản đã đánh đổ chủ quyền người Pháp trong toàn hạt Ðông Dương. Sau đó đức Kim Thượng đã tuyên bố nước Việt Nam độc lập. Ðồng thời Thủ tướng Koiso báo cáo rằng nước Nhật không tham vọng nước ta " (...)
Chính phủ chọn bài Ðăng Ðàn làm quốc thiều, cờ Quẻ Ly làm quốc kỳ, Việt Nam là quốc hiệu và chủ trương chính sách " Dân vi quý ".
Ông Phan Kế Toại, một vị quan lại cũ, được cử làm Khâm sai Bắc bộ.
Ðầu tháng 8, cụ TT Kim ra Hà Nội để điều đình với Tổng Tư lệnh Nhật là ông Tsuchi Hashi Yuitsi để thâu hồi lại ba nhượng địa Hà Nội, Hải Phòng, Ðà Nẵng và toàn thể Nam Bộ vẫn còn do Nhật chiếm giữ. Cuộc điều đình tốt đẹp, Nhật trao trả ba thành phố và toàn thể Nam Bộ, ngoại trừ sở Công an và sở Hoả xa. Nhật nhận giúp tổ chức Bảo an Ðoàn và viện trợ 2.000 súng trường và đạn dược.
Khi cụ TT Kim ra Hà nội thì tình hình ở Bắc Bộ không được yên ổn. Sự hoạt động của Việt Minh làm ông Phan Kế Toại sợ hãi xin từ chức.Cụ Kim mời ông Nguyễn Tường Long thay thế, nhưng ông Long đang bị bệnh. Cụ mời  bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ, ông Chữ nhận lời rồi hôm sau lại từ chối. Lúc bấy giờ cụ Kim chưa hiểu rõ phong trào Việt Minh ra sao nên cụ nhờ con trai ông Phan kế Toại là một thanh niên đang hoạt động trong Mặt trận Việt Minh dàn xếp cho cụ gặp gỡ với một đại diện của Mặt trận. Trong cuộc gặp gỡ với một cán bộ trẻ, cụ mời phong trào VM hợp tác để tranh đấu giành độc lập một cách ôn hoà, nhưng cán bộ Việt Minh từ chối, nói là Việt Minh có thể làm lấy được việc đó một cách mạnh mẽ và chắc chắn thành công không cần phải hợp tác với ai.
Trở về Huế, cụ TT Kim đệ đơn xin từ chức, Bảo Ðại chấp thuận nhưng giữ cụ lại để xử lý cho đến khi thành lập được nội các mới.
Ngày 15 tháng 8-1945 Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
Ngày 17-8-45 , vua Bảo Ðại kêu gọi các cường quốc Mỹ Anh Pháp bảo đảm nền độc lập của Việt Nam.
Tại Hà Nội, một cuộc biểu tình được tổ chức ở công trường Nhà Hát Lớn lúc 15 giờ ngày 17-8-45 để hoan hô chính phủ thâu hồi được chủ quyền lãnh thổ.  Ðoàn người đi biểu tình thật đông đảo, kéo dài khắp đường Paul Bert, đường Hàng Khay, đường Hàng Trống. Dân chúng tới xem đứng nghẹt hai bên lề đường. Trên ban-công Nhà Hát Lớn và chung quanh công trường, cờ Quẻ Ly bay phấp phới, quốc thiều Ðăng Ðàn trổi dậy. Ban nhạc Bảo An cử bài Tiếng gọi Thanh Niên tức là bài Tiếng gọi Sinh Viên của Lưu Hữu Phước, (về sau dùng làm Quốc ca ở Miền Nam VN). Rừng  người  ồn ào,  những  tiếng  hoan hô "Việt Nam độc lập muôn năm" rầm rộ trong loa phóng thanh mắc dài chung quanh công trường.
Một đại diện ban tổ chức đọc diễn văn khai mạc. Bỗng nhiên một người chạy tới giật mi-crô lên tiếng hô hào " Ðả đảo phát xít Nhật ! " Ðả đảo đế quốc !", "Hoan hô Mặt trận giải phóng ! " Hoan hô Việt Nam Ðộc lập Ðồng minh hội !(tức là Việt Minh) " Hoan hô Việt Nam Ðộc Lập !" . Cùng lúc ấy có một người trèo lên nóc nhà Hát Lớn, buông xuống một lá cờ lớn, màu đỏ giữa có ngôi sao năm cánh màu vàng, lá cờ của đảng Việt Minh lần đầu tiên công chúng nhìn thấy. Các công chức và công chúng dự cuộc biểu tình xôn xao nhớn nhác trước sự thay đổi bất ngờ, một vài tiếng súng lục đì đẹt nổ thị uy, tiếp theo những tiếng hoan hô hưởng ứng của các cán bộ tuyên truyền võ trang đứng xen lẫn rải rác giữa đám người biểu tình, vừa hoan hô vừa giơ nắm tay lên cao. Một vài xấp truyền đơn được tung ra và những lá cờ đỏ sao vàng nhỏ được vài người phất giữa đám biểu tình.
Tiếng mi-crô hô hào đoàn người đi tuần hành theo sự hướng dẫn của các cán bộ, thỉnh thoảng lại hô lên những khẩu hiệu mới lạ.
Một đoàn biểu tình khác khoảng vài trăm người ồn ào kéo đến Bắc Bộ Phủ, xông vào phía trong, đập phá cửa kính và đồ đạc, lùng bắt ông Khâm sai Phan Kế Toại nhưng không bắt được, rồi họ rút ra khỏi Bắc Bộ Phủ. Lính Bảo An gác Bắc Bộ Phủ cũng như lính Nhật Bản gác Ngân Hàng Ðông Dương ở trước mặt không phản ứng. Bảo An và lính Nhật không nổ một phát súng nào.
Khâm sai Phan Kế Toại đánh điện vào Huế trình bầy tự sự và xin rút lui.
Bắc Bộ Phủ giao cho một Uỷ ban Nhân dân nắm quyền hành.
Thế là cuộc nổi dậy cướp chính quyền của Việt Minh xảy ra êm đẹp không một phát súng nổ, không một phản ứng của nhân dân cũng như của nhà cầm quyền hồi đó. Quân đội Nhật trong tình trạng bại trận khoanh tay đứng nhìn không can thiệp.
Việc cướp chính quyền lan rộng tới Toà Ðô Chính, tới các nha sở và các tỉnh. Ðốc lý Hà nội nhã nhặn trao quyền hành. Các quan phủ, huyện, các quan tỉnh im lặng rút lui, trốn tránh sự bắt bớ.

Trong khi đó, nước sông Hồng Hà lên cao xấp mí bờ đê. Sở Thủy Nông báo động số 3. Khắp dọc đê dân chúng được điều động để canh đê và lấp những lỗ thẩm hà. Ðêm đêm tiếng trống canh đê đánh liên hồi. Trong những ngày Việt Minh cướp chính quyền các nơi, thì đê Ðông Lao thuộc địa phận phủ Hoài Ðức, tỉnh Hà Ðông, bị vỡ. Ðông Lao là đê nhỏ, nước tràn ngập các cánh đồng phủ Hoài Ðức, huyện Hoàn Long, huyện Thanh Trì, con đường số 6 nối liền Hà nội - Hà Ðông bị ngập một khúc mấy cây số trước khi tới tỉnh lỵ, những con đường thấp phía bờ sông Hànội cũng bị ngập.
Tại Huế, tối 22-8-45, vua Bảo Ðại nhận được điện tín của các Ðoàn thể Thanh niên và Trí thức yêu cầu vua thoái vị nhường cho chính phủ cách mạng Việt Minh lên cầm quyền.[2]
Ngày 23-8-45, Việt Minh biểu tình tại Huế, chiếm các công sở.
Nội các họp bàn liên miên, người bàn rút lui, kẻ bàn chống cự.
Cố vấn Nhật nói với Thủ tướng TT Kim rằng Nhật vẫn còn trách nhiệm giữ trật tự cho đến khi Ðồng Minh đến thay thế, nếu chính phủ VN có lời yêu cầu Nhật giúp thì quân đội Nhật có thể tái lập trật tự, nhưng cụ Kim từ chối.
Cụ Kim hỏi ý kiến Trung Uý Phan Tử Lăng trách nhiệm về Thanh niên và Bảo an ở Huế, thì Trung Úy Lăng nói không thể trông cậy ở các lực lượng đó được vì thanh niên và lính Bảo an, lính Hộ thành nhiều người đã ngả theo Việt Minh cả rồi. Trong tình thế đó, trong tay không có một lực lượng nào, nhân dân cũng rời bỏ, cụ Kim trình bầy lẽ hơn thiệt với nhà Vua.
Ngày 25 tháng 8-1945, vua Bảo Ðại tuyên bố thoái vị và, trước phái đoàn Việt Minh từ Hà Nội vào [3] gồm Trần Huy Liệu, và Cù Huy Cận, tại lầu Kiến Trung, vua Bảo Ðại đọc chiếu thoái vị, trao quốc ấn cho phái đoàn tiếp nhận, để trở thành công dân Vĩnh Thụy.
Về sau, khi cụ Kim gặp ông Bảo Ðại ở Hương Cảng, ngày mùng 3 tháng 8 năm 1946, cụ kể rằng:" Hôm sau, tôi gặp ông Bảo Ðại, lời đầu tiên ông nói với tôi là: Chúng mình già trẻ mắc lừa bọn du côn."  [4]
Ngày 28-8-1945, danh sách chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà (Việt Minh) được công bố, gồm 15 người :
- Hồ chí Minh chủ tịch, Bộ trưởng Ngoại giao,
-Võ nguyên Giáp,  Nội vụ, phó Bộ Quốc phòng, 
- Chu văn Tấn, bộ trưởng Quốc phòng,
- Trần huy Liệu, bộ truởng Thông tin Tuyên truyền,             
-  Pham văn Ðồng, bộ trưởng Tài chánh,
- Cù huy Cận Uỷ viên không giữ Bộ nào,
ngoài ra có những bộ giao cho những người không trong đảng Việt Minh.[5]
Ngày 2 tháng 9-1945, tại vườn hoa Ba Ðình cờ đỏ sao vàng và biểu ngữ tiếng Anh, Việt, Pháp, treo khắp nơi, Hồ chí Minh ra mắt dân chúng, đọc bản Tuyên ngôn độc lập :
"Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng. Trời cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. (...)
Bản tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách Mạng Pháp năm 1791 cũng nói :
Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi  và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi.
Ðó là những lẽ phải không ai chối cãi được." (......)
Sau bản Tuyên ngôn Ðộc Lập là lễ giới thiệu các Bộ trưởng trong chính phủ và kết thúc bằng những lời thề :
"Chúng tôi toàn thể nhân dân Việt Nam xin thề : Ủng hộ chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Ủng hộ Hồ chủ tịch.
Xin thề cùng chính phủ giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc, dù phải chết cũng cam lòng.
Chúng tôi xin thề, nếu Pháp xâm lược trở lại thì : không đi lính cho Pháp, không làm việc cho Pháp, không bán lương thực cho Pháp, không đưa đường cho Pháp." [6]

Hội nghị Postdam từ ngày 17-7-1945 đến 2-8-45 quyết định cắt Ðông Dương ra làm hai khu vực giải giới quân Nhật, lấy vĩ tuyến 16 làm ranhgiới. Sở dĩ như vậy là vì Ðông Dương ở vào hai khu vực hành quân chống Nhật dưới quyền Tổng tư lệnh Mac Arthur. Phía bắc vĩ tuyến 16 thuộc khu vực hành quân của Chỉ Huy Tây Nam Thái Bình Dương (South West Pacific Command hay là China Theater) do quân đội Tàu đảm nhiệm có cố vấn Mỹ, mới đầu  là tướng Stilwell, về sau là tướng Wedemeyer. Phía nam vĩ tuyến 16 thuộc khu vực hành quân của Chỉ huy Ðông Nam Á (South East Asia Command) gồm Ấn Ðộ, Mã Lai, Nam Dương, Miến Ðiện, Tích Lan và nam Ðông Dương, do quân đội Anh đảm nhiệm dưới quyền chỉ huy của Ðô đốc Mountbatten. Vì vậy khi Nhật đầu hàng, việc giải giới Nhật đương nhiên do quân đội Tàu đảm nhiệm ở phía bắc vĩ tuyến 16 và quân đội Anh ở phía nam vĩ tuyến 16.
Quân đội Trung hoa kéo vào Bắc Kỳ do hai ngả Vân Nam và Quảng Tây dưới quyền thống lĩnh của Thượng tướng Lư Hán. Tám sư đoàn thuộc các quân đoàn 53, 93 và 60 tổng số 80 ngàn quân, một phần là quân đội chính quy trung ương, một phần là quân đội địa phương Quảng Ðông, Quảng Tây. Ngoài số lính, còn có 50 ngàn mã-phu và cu-li đi theo để phục dịch quân đội. Tất cả ùn ùn kéo vào Bắc Việt. Tướng tá và lính chánh quy đi quân xa của Mỹ, lính chánh quy thì quân trang theo Mỹ, mũ sắt, giầy da. Lính địa phương thì quân trang áo nhồi bông, chân quấn sà cạp, đi bộ hoặc cưỡi lừa ngựa. 50 ngàn mã-phu và cu-li gồng gánh nồi niêu xoong chảo, người thì đi chân đất, kẻ thì đi dép, đầu đội nón mây đan, nhiều người ốm đau, chân phù thủng, kéo lê lết trên đường, mặt bủng da chì, thiếu ăn, bệnh hoạn.
Ngày 12-9-45, số quân Tàu đầu tiên vào Hà Nội, đặt bộ Tổng Tham mưu Ðệ nhất Phương diện Quân của Thượng tướng Lư Hán tại Hà Nội.
Ngày 28-9-45, tướng Lư Hán ra thông cáo như sau :
" Theo lệnh của Chỉ huy tối cao quân lực Ðồng Minh, Thượng Tướng Chỉ huy trưởng Ðệ nhất Phương diện Quân Trung Hoa nhập Việt để giải giới và hồi hương quân Nhật Bản tại miền bắc 16 độ vĩ tuyến.
Quân Trung Hoa không có mục đích xâm chiếm Việt Nam mà chỉ đến với tư cách bạn để giữ trật tự và tái lập hoà bình.
Quân đội Trung Hoa tạm kiểm soát các công sở dân sự và quân sự. Tất cả các công chức phải tiếp tục công việc như cũ.(......)
Ký tên : Thượng Tướng Lư Hán, Chỉ huy trưởng các lực lượng Trung Hoa chiếm đóng.
Hà Nội ngày 28 tháng 9 năm 1945.
Nhập Việt cùng với quân đội Tàu là các nhà cách mạng Việt Nam đã hoạt động từ lâu ở bên Tàu như cụ Nguyễn Hải Thần, ông Vũ Hồng Khanh, ông Nguyễn Tường Tam thuộc các đảng Việt Nam Cách mệnh đảng (gọi tắt là Việt Cách) và Việt Nam Quốc dân đảng (gọi tắt là Việt quốc)[7]. Tháp tùng các ông có những đảng viên võ trang.
Về phương diện chính trị và an ninh chung thì quân đội Trung Hoa không công nhận chính phủ Việt Minh, nhưng họ vẫn phải liên lạc với chính phủ VM để giải quyết những vấn đề tiếp tế và trật tự hàng ngày.
Các tướng Tàu vào Việt Nam thuộc nhiều phe khác nhau. Lư Hán thuộc phe Vân Nam, Chu Phúc Thảnh, phe Trủng Khánh, Tiêu Văn, một phó tướng, thuộc phe Quảng Tây của tướng Trương Phát Khuê. Tiêu Văn nắm vai trò quan trọng trong việc chính trị Việt Nam. Ông ta là chỉ huy cơ quan "Việt Nam Cách mạng Chỉ đạo thất" của tướng Trương, nên ông ta được giao nhiệm vụ giải quyết những vấn đề chính trị nội bộ Việt Nam. Tiêu Văn được chỉ thị thành lập một chính phủ thân Trung Hoa do các đảng viên Việt Nam Cách mệnh đồng minh Hội và Việt Nam Quốc dân Ðảng tham gia điều khiển.
Khi tới Hà Nội, Tiêu Văn rất bực mình thấy Việt Minh đã nhanh tay nắm chính quyền, nên Tiêu Văn từ chối không nhận căn biệt thự lớn gần hồ Bẩy Mẫu do chính phủ Việt Minh mời đến ở. Tiêu Văn đến ngụ tại nhà một Bang trưởng ở phố Cửa Ðông. Hồ chí Minh biết Tiêu Văn giữ một vai trò quan trọng nên tìm cách mua chuộc. Vài hôm sau Hồ chí Minh thân hành đến nhà vị Bang trưởng ở Cửa Ðông để ra mắt Tiêu Văn trình bầy lẽ hơn thiệt.
Trong khi đó các ông Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam hàng ngày phát truyền đơn và phát các tờ báo Việt Nam, Thiết Thực, Liên Hiệp, mà các ông xuất bản và hàng ngày phát thanh ở một biệt thự góc đường Quan Thánh - Hàng Bún đả kích mạnh mẽ chính phủ Việt Minh, kể tội Hồ Chí Minh phản bội thoả hiệp Liễu Châu [8], đòi chính phủ VM phải từ chức nếu không sẽ lật đổ bằng võ lực v.v...
Trong tình hình đó, quân đội Tàu lại gây ra một nguy cơ kinh tế khốc hại. Hồi đó Tàu có hai loại tiền giấy, một là tiền Quốc Tệ, mất hết giá không còn giá trị gì, hai là tiền Quan Kim, cũng đang mất giá. Quân đội Tàu mang những mớ tiền giấy đó sang Việt Nam bắt phải chấp nhận với hối suất ép buộc là một đồng bạc Việt Nam ăn 30 đồng tiền Quốc Tệ và một đồng rưỡi Việt Nam ăn một đồng Quan Kim. Thực tế, trên thị trường thì một đồng VN ăn 5 đồng Quan Kim, hay một đồng VN ăn 100 đồng Quốc tệ. Quân đội Tàu vung tiền mất giá ra đổi, mua thực phẩm, ăn xài thoả thích và mua các châu báu, quý kim mang về Tàu. Giới buôn bán khuynh gia bại sản vì tiền Tàu mỗi ngày mỗi mất giá, đến khi quân Tàu rút về nước, họ chỉ còn giữ được một mớ giấy lộn không biết kêu vào đâu.
Mặt khác, vì chưa in được giấy bạc để chi tiêu, chính phủ Việt Minh kêu gọi dân đóng góp. Chính phủ VM tổ chức khắp nơi một Tuần Lễ Vàng để lập Quỹ Ðộc Lập. Trong một tuần lễ từ ngày 11-9-45, thâu được 20 triệu đồng bạc và 370 ki lô vàng.
Nhiều tin đồn về số phận 370 ký vàng này. Người ta đồn có những khay vàng, tẩu hút thuốc phiện, tiêm, móc, đèn hút thuốc phiện, đúc bằng vàng để tặng cho các tướng Tàu, nhất là Tiêu Văn mà cụ Nguyễn Hải Thần đã lên tiếng trong một buổi mít-tinh, công khai tố giác Tiêu Văn ăn hối lộ để bênh vực chính phủ Việt Minh và bỏ rơi các đảng phái cách mạng.
Dân chúng còn bị một đòn kinh tế nữa. Số là, mặc dầu vật đổi sao rời, hết Pháp, đến Nhật, đến chinh phủ TT Kim, đến Việt Minh, đến Tàu, nhà Băng Ðông Dương (Banque d'Indochine) vẫn đứng vững như bàn thạch vì lẽ ngân hàng này là một ngân hàng phát hành tiền tệ cho khắp Ðông Dương. Thời Nhật Bản nắm quyền, từ 9-3-45 đến 15-9-45, ngày Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng, quân đội Nhật ra lệnh cho Ngân hàng Ðông Dương phát hành loại giấy 500 đồng in hình Rồng Vàng và  Rồng Xanh. Giấy bạc in tại nhà in Ideo của Pháp tại Hà Nội nên thô sơ không được tinh vi như giấy bạc in ở Pháp hay ở Mỹ, cho nên đã có nhiều giấy giả được tung ra. Khi quân đội Tàu mang tiền Quốc Tệ và tiền Quan Kim đến nhà băng đổi tiền, họ bắt nhà băng phải theo hối suất do họ đặt ra, nghĩa là một quan kim ăn một đồng rưỡi VN, 1 đồng VN ăn 30 quốc tệ. Lẽ tất nhiên tiền Rồng Vàng, Rồng Xanh được mang ra đổi cho họ, cả hai bên, Tàu và Tây, đều có lợi vì tiền giấy lộn nọ đổi cho giấy lộn kia để mua đồ, chỉ có nhân dân VN là bị thiệt thòi.
Ngày 6-9-1945 tướng Gracey của Anh quốc vào Sàigòn chỉ huy sư đoàn 20 của Anh, gồm các lính Gourkha, đầu cuốn khăn, gốc Katmandou xứ Népal (bắc Ấn độ), tiến vào tước khí giới quân Nhật. Pháp điều đình để thay thế Anh sau khi Anh hết nhiệm vụ giải giới quân Nhật nên bấy giờ Pháp đã thắng thế ở miền nam Ðông Dương. Tướng Leclerc trở lại Sài gòn ngày 5-10-45,
Pháp biết rằng các tướng Tàu đã cất giữ nhiều tiền 500 Rồng Vàng, Rồng Xanh, nên Ngân hàng Ðông Dương ra lệnh đổi tiền giấy 500 trong một thời hạn rất ngắn, lấy cớ là phải thâu hồi gấp vì có quá nhiều tiền giả, quá hạn không đổi thì loại tiền đó không còn giá trị.
Quân đội Tàu phản đối.
Dân chúng xếp hàng trước cửa nhà băng để đổi tiền.
Ngày 26-11-45, nhiều tiếng súng nổ, nhiều người dân đứng xếp hàng đổi tiền bị thiệt mạng. Ngân hàng vội vã đóng cửa. Chính phủ Việt Minh phản đối, dân chúng sôi sục đòi biểu tình để phản đối Pháp. Tướng Pháp Salan [9] sợ to chuyện, vội vàng nhờ tướng Mỹ Gallagher là cố vấn quân sự của chính phủ Tàu can thiệp. Quân Tàu cho là Pháp có lỗi. Lư Hán ra thông cáo đóng cửa Ngân hàng, ngưng việc đổi tiền và cho quân lính đến canh giữ ngân hàng.
Phong trào tẩy chay Pháp nổi lên và những cuộc biểu tỉnh lớn chống Pháp được dự định vào ngày chôn cất các nạn nhân. Ðài phát thanh Bạch Mai của chính phủ VM phát nhiều bài chống Pháp.
Tướng Salan chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc Việt lo ngại không thể bảo vệ được an ninh cho Pháp kiều ở Hà Nội, nên phải nhờ đến Lư Hán và tướng Gallagher can thiệp với chính phủ VM để chấm dứt những vụ biểu tình và những bài phát thanh chống Pháp. Ngày 7-12-45, Pháp điều đình với Tàu về vụ tiền 500, các tướng Tàu đều hả dạ vì không bị thua thiệt gì cả, Ngân hàng Ðông Dương lại mở cửa để tiếp tục đổi tiền cho dân chúng. Dân chúng bị thiệt hại rất nhiều, giấy bạc 500 Con Rồng càng ngày càng mất giá, nhiều người không thể xếp hàng được phải bán cho những người buôn tiền với giá còn một nửa. Dân chúng ở vùng xa không biết tin tức lúc biết thì đã quá hạn, tiền không tiêu được, đành ngậm đắng nuốt cay.
Trong tình trạng lộn sộn đó, Việt Minh dùng chính sách mềm dẻo với quân Tàu, mua chuộc các sĩ quan từ cấp cao như Lư Hán, Tiêu Văn đến các cấp nhỏ, nhượng bộ quân Tàu và nhượng bộ các đảng phái quốc gia thân Tàu. Việt Minh cho rằng Tàu không là địch thủ đáng sợ, chỉ phải chịu đựng trong thời gian ngắn Tàu giải giới quân Nhật mà thôi. Pháp mới là địch thủ đáng lo ngại hơn. Hơn nữa VM phải cố nhường nhịn để củng cố lực lượng, nếu có sự đụng chạm lớn xẩy ra thì phần thiệt về VM, phần lợi về các đảng phái. Việt Minh lo ngại một cuộc đảo chính, nên Hồ chí Minh không dám ngủ ở Bắc Bộ phủ mà mỗi đêm đều thay đổi chỗ ngủ, khi thì ngủ ở làng Bưởi, khi thì ngủ ở số 8 phố Bờ Hồ, khi thì ngủ ở Ngã tư Sở.
Quân đội Tàu thì không dám dùng sức mạnh lật đổ chính phủ VM vì sợ mang tiếng với thế giới là mang danh Ðồng Minh đi xâm lăng, hơn nữa Lư Hán và Tiêu Văn đã nhận được hối lộ nhiều nên không muốn gây rắc rối, hờ hững việc lật VM ra ngoài chính quyền để đưa các đảng phái chính trị quốc gia vào thay thế.
Vì vậy mà Tiêu Văn nghĩ cách hoà giải cả đôi bên VM và quốc gia. Tiêu Văn đề nghị thành lập một chính phủ liên hiệp gồm hai phe, Việt Minh, và các đảng phái. Việt Minh hoan hỉ nhận giải pháp. Các đảng quốc gia được thoả mãn một phần nào nên cũng chấp nhận. Cuối tháng 11-1945, VM và các đảng phái quốc gia thoả thuận chấm dứt đả kích lẫn nhau để thành lập một chính phủ Liên hiệp Lâm thời, tổ chức cuộc Tổng tuyển cử và tổ chức Thống nhất quân đội.
Ngày mùng một tháng giêng 1946 (1-1-46) Chính phủ Lâm thời ra mắt tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, gồm 12 vị :
- Hồ chí Minh (VM), Chủ tịch.
- Nguyễn hải Thần (VNCMÐMH), Phó Chủ tịch.
- Huỳnh thúc Kháng (Trung lập), Bộ Nội Vụ.
- Phan Anh (Trung lập), Bộ Quốc phòng.
- Lê văn Hiến (VM), Bộ trưởng Tài chánh.
- Ðặng thái Mai (VM), Bộ trưởng Giáo dục.
- Vũ đình Hoè (Dân chủ), Bộ trưởng Tư pháp.
- Trần đăng Khoa, Bộ  Giao thông (Dân chủ).
- Nguyễn Tường Tam (Ðại Việt Dân chính, VNCM ÐMH), Bộ Ngoại giao.
- Chu bá Phượng (VNQÐD), Bộ Kinh tế.
- Trương đình Chi (VNCMÐMH), Bộ Xã hội.
- Bồ xuân Luật (VNCMÐMH), Bộ Canh nông.

Ngày 6 tháng 1-1946 tiến hành cuộc Tổng tuyển cử toàn quốc. Một cuộc tổng tuyển cử toàn quốc mà sự tổ chức, ứng cử, tranh cử, bỏ phiếu chỉ có 5 ngày, thật là một phép lạ ??!!!
Theo tuyên bố của chính phủ VM thì cuộc Tổng tuyển cử được tổ chức khắp nơi Trung Nam Bắc, ngay cả tại các nơi đang có chiến sự với Pháp ở Nam Bộ và Trung bộ. 
Có 333 đại biểu được bầu vào Quốc Hội. Các đảng phái không ra ứng cử nên không có đại biểu dân cử.
8 giờ sáng ngày 2 tháng 3-1946, 300 đại biểu đã có mặt tại nhà Hát Lớn Hà Nội. 33 đại biểu Nam Bộ không ra họp kịp. Hồ chí Minh và các Bộ trưởng trong chính phủ Liên hiệp Lâm Thời đều tham dự, Phó Chủ tịch Nguyễn hải Thần cáo bịnh không tới.
Ðại biểu cao niên nhất là Ngô Tử Hạ và đại biểu trẻ tuổi nhất là Nguyễn đình Thi chào đón chính phủ. Hồ chí Minh tuyên bố khai mạc Quốc hội và đề nghị mở rộng thêm 70 ghế dành cho đại biểu các đảng phái. Các đại biểu vỗ tay hoan nghênh. Bấy giờ 70 vị đại biểu của các đảng phái mới tiến vào những ghế trống dành riêng cho họ.
Hồ chí Minh tường trình những kết quả mà Chính phủ Lâm thời đã đạt được trong mấy tháng qua, rồi tuyên bố Chính phủ Lâm thời từ chức, giao quyền cho Quốc hội cử một chính phủ mới.
Ðại diện Quốc hội tuyên bố chấp thuận việc từ chức của Chính phủ Lâm thời và đề cử Hồ Chí Minh và Nguyển hải Thần làm Chủ tịch và Phó Chủ tịch, thành lập chính phủ Liên hiệp Kháng chiến. Liền sau đó Hồ chí Minh giới thiệu thành phần Chính phủ mới, cũng vẫn là những phần của Chính phủ Lâm thời ra mắt ngày 1-1-46.
Sau đó Hồ chí Minh giới thiệu Uỷ ban Kháng chiến toàn quốc do Võ nguyên Giáp cầm đầu, và Cố vấn đoàn do Vĩnh Thụy cầm đầu.
Quốc hội thành lập một Ban Thường trực do Nguyễn văn Tố làm Trưởng ban và đề cử một Uỷ ban Dự thảo Hiến pháp.
Ðến 1 giờ trưa thì chấm dứt buổi họp.

* Ất dậu 1945 kết thúc bằng một Liên minh giả tạo giữa Việt Minh (VM) và các đảng phái quốc gia, chẳng bao lâu thì Liên minh tan rã.
* Ất dậu 1945, đất nước bị ngoại bang giày xéo, nào Tây, nào Tàu, nào Nhật, nào Ăng-lê,
* Ất dậu 1945, một triệu người dân chết đói, chết chẳng được một lời thương xót, một lời cầu nguyện, chết trong lãng quên, chết giữa những cuộc tranh chấp quyền hành. Một triệu dân nghèo bỏ mình, có khi cả gia đình, có khi cả làng, vì những lệnh ác độc của những kẻ cầm quyền, một triệu người Việt chết uất ức, tức tưởi, căm hờn, chết không biết vì sao mà chết.
*Ất dậu 1945 chấm dứt vương quyền nhà Nguyễn, 143 năm kể từ 1802 vua Gia Long lên ngôi, hay 387 năm kể từ năm 1558 chúa Nguyễn Hoàng (chúa Tiên) vào trấn thủ Thuận Hoá.
* Ất dậu 1945 vô hiệu hoá những Hiệp ước 1862, 1874, 1884 mà VN buộc phải ký nhượng thực dân Pháp lãnh thổ miền Nam làm thuộc địa và đặt Bắc kỳ làm xứ bảo hộ. Ðiều 15 Hiệp ước 1884 có nói :" Nước Pháp cam kết bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ của Ðức Vua An Nam và bảo vệ Ðức Vua An Nam chống ngoại xâm hay chống các cuộc nổi loạn". Pháp đã không giữ được điều cam kết đó trước cuộc đảo chính 9-3-45 của Nhật bổn nên ngày 11-3-45 Bảo Ðại mới có lý do pháp lý tuyên bố huỷ bỏ các Hiệp ước ký cuối thế kỷ 19 giữa VN và Pháp.
* Ất dậu 1945 khởi thủy cho sự áp đặt một chủ nghĩa ngoại lai, chủ nghĩa cộng sản phong kiến, lỗi thời, lạc hậu, cổ hủ như thời trung cổ
* Ất dậu 1945 khởi thủy cho cuộc chiến Việt Pháp 1946-1954, kết cục bằng Hiệp định Genève chia đôi đất nước

Ất dậu 2005
60 năm, từ 1945 tới 2005.
Ngày nay thế giới đã tiến bộ trong nhiều lãnh vực, khoa học, tư tưởng, tự do, nhân quyền. Mục tiêu tranh đấu không còn là tranh đấu giai cấp của thế kỷ 19, thế kỷ 20. Chiến tranh chiếm đất đai làm thuộc địa đã lỗi thời không còn là chiến tranh chiếm thuộc địa của thực dân thế kỷ 18, 19.  Cai trị bằng áp bức, nô lệ hóa dân của độc tài, phát xít, cộng sản Sô viết cũng đã lỗi thời.
Thế giới ngày nay đã tiến tới một nền văn minh mới, một nền kinh tế toàn cầu với những phát minh tân tiến tối tân, những phương tiện truyền thông nhanh chóng, chớp nhoáng, của internet, email. Dân trí đã tiến bộ khắp nơi, ngay cả dưới chế độ độc tài cộng sản. Chính sách sở trường của chế độ cộng sản là bưng bít những hành động đòi tự do nhân quyền,  cấm đoán, bắt bớ, giam cầm, đàn áp. Bây giờ chính sách đó không còn có thể che đậy thế giới bên ngoài được nữa. Chế độ cộng sản lỗi thời đang đi đến cáo chung. Chờ đợi gì nữa mà cộng sản VN vẫn còn cấm đoán giam cầm những người đòi sử dụng quyền tự do tín ngưỡng, quyền tự do thông tin, quyền tự do tư tưởng, quyền tự do phát biểu ý kiến, những quyền mà Hồ chí Minh đã công nhận và đọc trong Bản Tuyên ngôn Ðộc Lập ngày 2-9-1945 tại vườn hoa Ba Ðình Hà Nội : "Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng. Trời cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được...."

Tô Vũ
Tháng Hai 2005



___________________________________________________
Chú thích cho Mục 1

[1] Khôi Thịnh vượng chung Ðại Ðông Á của Nhật thành lập ngày 1-8-1940
[2] Coi  bài số 2, do Bảo Ðại viết trong sách Le Dragon d’Annam

[3] Theo Võ nguyên Giáp (sách Những chặng Ðường Lîch sử, trang 237)., thì Việt Minh cử 3 người vào Huế là Nguyễn Lương Bắng, Trần Huy Liệu, và Cù Huy Cận.  Bảo Ðại  chỉ nói có 2 người : Cù Huy Cận và Trần Huy Liệu  (sách Le Dragon d’Annam)
[4]  Trích sách "Một cơn gió bụì " của TTKim, trang 146, nhà xb Vĩnh Sơn ấn hành năm 1969
[5]  Dương Ðức Hiền,  Nguyễn Mạnh Hà,  Nguyễn Văn Tố, Ðào Trọng KIm, Vũ Trọng Khánh
[6] Lời thề ngày 2-9-45  còn vang dội trong tai mọi người thì ngày 6-3-1946 Việt Minh ký Thoả ước sơ bộ với Pháp do Sainteny đại diện : Ðiều 2 thoả ước nói : "Việt Nam sẵn sàng đón tiếp thân hữu quân đội Pháp thi hành những thoả hiệp quốc tế đến thay thế quân đội Trung Hoa (...) "
[7]  Việt Minh là tên gọi tắt của Việt Nam Ðộc lập Ðồng minh Hội
[8] Ngày 1-10-1942, VN Cách Mệnh Ðồng minh Hội được thành lập ở Liễu Châu. Hồ chí Minh gia nhập, tuyên thệ  trung thành với VN Cách Mệnh Ðồng minh Hội để hoạt động.
[9] Tướng Raoul Salan tới Hà Nội ngày 1- 9- 45 theo lệnh của Tướng Leclerc, Tổng Tư lệnh quân đội Pháp ở Viễn đông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét