Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2012

45-54, CHÍN NĂM KHÓI LỬA - BÀI 2


45 - 54, CHÍN NĂM KHÓI LỬA

  
tôvũ


Bài 2


Sau khi Việt Minh cướp chính quyền ờ Hà Nội, Khâm sai Phan Kế Toại điện tín vào Huế báo cáo với chính phủ Trần Trọng Kim tình hình ở Hà Nội và xin từ chức. Tiếp theo là điện tín của đoàn thể Thanh niên và Trí thức yêu cầu vua Bảo Ðại thoái vị để nhường quyền cho chính phủ cách mạng.
 Vua Bảo Ðại kể (bằng chữ Pháp) giai đoạn này trong sách  Le Dragon d'Annam, Ed Plon, 1980, trang 118 tới 121 như sau :
 " Tối 22-8-1945 ông chủ sự sở Giây thép Huế mang vào cung trao cho tôi một bức điện tín vừa nhận được, có nội dung như sau :
" Trước nguyẽn vọng của toàn dân sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh để giữ vững nền độc lập quốc gia, chúng tôi trân trọng yêu cầu Nhà Vua hãy làm một hành động lịch sử bằng cách trao lại quyền hành cho toàn dân "
Tôi gửi điện tín trả lời Uỷ ban những người ái quốc ở Hà nội như sau :
" Ðáp lời kêu gọi của Uỷ ban, tôi sẵn sàng thoái vị. Trong giờ phút quyết định này của lịch sử, đoàn kết là sống, chia rẽ là chết. Tôi sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh để thực hiện sự đoàn kết. Tôi yêu cầu những vị lãnh đạo của Uỷ ban đến Huế càng sờm càng tốt để chuyển giao quyền hành."
Sáng ngày 25-8-1945, hai người đại diện tới hoàng cung. Hai người này là đại diện đảng Ðộc Lập Ðồng Minh Hội ở Hà Nội cử vào Huế.  Trần Huy Liệu , trưởng phái đoàn cũng là Phó chủ tịch của Uỷ ban là một người nhỏ bé, ăn mặc xoàng xĩnh, đeo kính dâm để che cặp mắt lác xệch.
Cù Huy Cận, người đồng hành với THLiệu, cũng không có gì đặc biệt. Tôi hơi thất vọng.
THLiệu đưa ra một tờ giấy uỷ quyền không đọc rõ tên người ký, trịnh trọng nói :
Chúng tôi lấy làm vinh dự được chủ tịch Uỷ ban giải phóng Hồ chí Minh, nhân danh toàn thể dân Việt Nam, cử chúng tôi tới nhận quyền hành mà Nhà Vua trao lại cho Uỷ ban.
Lần đầu tiên tôi nghe thấy nói tới chủ tịch Hồ chí Minh, tôi đưa tờ chiếu thoái vị ra.
TH Liệu và Cù Huy Cận đọc, bàn riêng với nhau mấy câu, rồi quay về phía tôi, THLiệu nói :
- Thay mặt toàn dân Việt Nam, chúng tôi chấp nhận tờ chiếu thoái vị này. Chúng tôi đề nghị với Nhà Vua tổ chức một buổi lễ ngắn để Nhà Vua tuyên đọc bản chiếu thoái vị.
Buổi chiều hôm đó, khoảng vài ngàn người được huy động gấp đến cửa Ngọ Môn, tôi mặc triều phục đọc tờ chiếu cuối cùng đề ngày 25 tháng 8-1945. tuyên bố thoái vị.
Trong bầu không khí không thoải mái, tôi vội đưa chiếc quốc ấn,  biểu hiệu vương quyền, cho Trần huy Liệu, mà tôi có cảm tưởng ông ta đang sống trong một cảnh tượng vượt thời gian.
Tôi lui vào nội cung.
Dân chúng yên lặng tản mác (...) 

Nguyên văn viết bằng chữ Ph" Devant la volonté unanime du peuple vietnamien prêt à tous les sacrifices pour sauve-garder l'indépendance nationale, nous prions respectueusement Votre Majesté de bien vouloir accomplir un geste historique en remettant ses pouvoirs."
Vua Bảo Ðại trả lời bằng điện tín gửi cho Comité des Patriotes à Hanoi. :
"Répondant à votre appel, je suis prêt à m'effacer. A cette heure décisive de l'Histoire nationale, l'union signifie la vie et la division la mort. Je suis prêt à tous les sacrifices pour que cette union puisse se réaliser et demande aux chefs de votre Comité de venir le plus tôt possible à Hué pour le transfert des pouvoirs "
Au matin du 25 Aoủt, deux émissaires se présentent au palais. Ce sont les représentants du "Việtnam Ðộc Lập Ðồng Minh" qui me sont dépêchés par Hanoi. Tran Huy Lieu, le chef de la délégation, est vice président du Comité. C'est un gringalet d'aspect assez minable qui cache sous des lunettes noires un strabisme prononcé. Son compagnon Cù Huy Cận est tout aussi insignifiant. Je suis un peu déçu.
Tran huy Liêu me présente un pouvoir revêtu d'une signature illisible et déclare avec une certaine solennité :
 - Au nom du peuple vietnamien, le vénérable Hô Chi Minh, président du Comité de Libération, nous a honorés en nous envoyant auprès de Votre Majesté pour recevoir Ses pouvoirs.
C'est la première fois que j'entends prononcer le nom du président Ho chi Minh. Je tends l'acte d'abdication. Tran Huy Lieu en prend connaissance avec son compagnon, échange quelques mots en aparté avec lui, puis se retournant vers moi :
- Sire, au nom du peuple vietnamien nous acceptons ce document sans aucune réserve. Cependant nous proposons à Votre Majesté d'organiser une brève cérémonie au cours de laquelle Elle en donnera publiquement lecture.
Dans l'après midi, devant quelques milliers de personnes rassemblées hâtivement, en costume de Cour, debout sur la terrasse précédant le Ngo Môn, je donne lecture du dernier rescrit impérial daté du 25 aoủt 1945 (....).Dans une atmos-phère de gêne, je remets rapidement le sceau impérial, signe du pouvoir à Tran Huy Lieu qui lui même donne l'impression de vivre une scène hors du temps. Pendant que je me retire, la petite foule s'écoule sans un cri (.........)
 Ngày 23 tháng 8-1945, Việt Minh biểu tình tại Huế, chiếm các công sở.
Nội các Trần Trọng Kim họp bàn liên miên, người bàn rút lui, người bàn chống cự. Cố vấn Nhật liên lạc với cụ TTKim, nói với cụ rằng Nhật vẫn còn trách nhiệm giữ trật tự, nếu chính phủ yêu cầu Nhật giúp thì quân đội Nhật có thể tái lập trật tự. Cụ TTKim từ chối.
Ngày 25-8-45, vua Bảo Ðại tuyên bố thoái vị.
Vua Bảo Ðại viết hai tờ chiếu thoái vị, một gửi cho quốc dân, một gửi cho hoàng tộc.
Trong tờ Chiếu gửi quốc dân vua Bảo Ðại tuyên bố :
Việt Nam Hoàng đế ban chiếu :
Hạnh phúc của dân Việt Nam
Ðộc lập của nước Việt Nam.
Tuyên bố : Trẫm sẵn sàng hy sinh  hết cả mọi phương diện và cũng vì phương diện ấy nên Trẫm muốn sự hy sinh của Trẫm phải có bổ ích cho Tổ quốc.
Xét thấy điều bổ ích cho Tổ quốc lúc này là sự đoàn kết toàn thể quốc dân, Trẫm đã tuyên bố ngày 22 tháng 8 vừa rồi rằng : Trong giờ nghiêm trọng này đoàn kết là sống, chia rẽ là chết.
 Nay thấy nhiệt vọng dân chủ của quốc dân Bắc bộ lên quá cao, nếu Trẫm cứ ngồi yên mà đợi quốc hội thì không thể nào tránh khỏi nạn Nam Bắc phân tranh, đã thống khổ cho quốc dân lại thuận tiện cho người lợi dụng.


Cho nên mặc dầu Trẫm hết sức đau đớn nghĩ đến công lao liệt thánh vào sinh ra tử trong gần 400 năm để mở mang giang sơn đất nước từ Thuận Hoá tới Hà Tiên.
 Mặc dầu Trẫm hết sức bùi ngùi cho nỗi làm vua trong 20 năm, mới gần gũi quốc dân được mấy tháng chưa làm được gì ích lợi cho quốc dân như lòng Trẫm muốn, Trẫm cũng quả quyết thoái vị để nhường quyền điều khiển quốc dân lại cho một Chính phủ dân chủ cộng hoà.
Trong khi trao quyền cho chính phủ mới, Trẫm chỉ mong ước có ba điều này :
1) Ðối với Tông Miếu và Lăng Tẩm, chính phủ mới nên xử trí thế nào cho có sự thể
2) Ðối với các đảng phái đã từng tranh đấu cho nền độc lập quốc gia nhưng không đi theo sát phong trào dân chúng, Trẫm mong chính phủ mới sẽ lấy sự ôn hoà xử trí để những phần tử ấy cũng có thể giúp vào việc kiến thiết quốc gia và tỏ rằng chính phủ Dân chù cộng hoà nước ta xây đắp ở trên sự đoàn kết của toàn thể quốc dân.
3) Ðối với quốc dân, Trẫm khuyên hết cả các giai cấp, các đảng phái cho đến cả người Hoàng phái cũng vậy, đều nên hợp nhất mà ủng hộ triệt để chính phủ dân chủ, giữ vững nền độc lập của nước, chứ đừng vì lòng quyến luyến Trẫm  và Hoàng gia mà sinh chia rẽ.
Còn về phần Trẫm, sau 20 năm ngai vàng bệ ngọc, đã biết bao ngậm đắng nuốt cay, từ nay Trẫm lấy làm vui được làm dân tự do của một nước độc lập, chứ Trẫm nhất quyết không để cho ai lợi dụng danh nghĩa của Trẫm hay của Hoàng gia  mà lung lạc quốc dân nữa.
Việt  Nam độc lập muôn năm !
Dân chủ cộng hoà muôn năm !
*
Chiếu thứ hai gửi bà con trong Hoàng tộc :

Việt Nam Hoàng đế ban chiếu cho bà con trong Hoàng tộc :
Kề từ ngày Ðức Thái Tổ Gia Dũ Hoàng đế vào trấn ở Thuận Hoá đến nay là 388 năm.
 Trong non 4 thế kỷ, Liệt Thánh chúng ta trước đã trải qua biết bao nhiêu sự gian lao nguy hiểm vì nước vì dân mới truyền ngôi lại cho Trẫm được đến ngày nay.
Cái gia tài quý báu di truyền đã gần 400 năm ấy, nay trong giây phút Trẫm bỏ hết cá. Bà con trong Hoàng tộc ai mới nghe cũng phải đau dón ngậm ngùi.
 Song Trẫm biết rằng, đó chỉ là một cái cảm tình thoáng qua trong chốc lát mà thôi chớ bà con ai cũng sẵn tính bình tĩnh, sẵn trí sáng suốt để xét gần thấy xa, cho nên sau khi đã chuẩn định lấy ba chữ " Dân Vi Quý "  làm một khẩu hiệu của chính thể mới, sau khi đã tuyên bố :
 " Ðể hạnh phúc dân lên trên ngai vàng"
" Làm dân một nước độc lập  hơn làm vua một nước nô lệ "
nay Trẫm quyết định thoái vị để giao vận mệnh quốc gia lại cho một chính phủ có đủ điều kiện huy động hết thẩy lực lượng của toàn quốc mà giữ vững nền độc lập của nước, hạnh phúc cho dân.
"Ðộc Lập Của Nước, Hạnh Phúc Của Dân " vì tám chữ đó mà trong 80 năm qua biết mấy mươi ngàn vạn đồng bào đã rơi đầu bỏ xác nơi nước thẳm non xa, trong lao đen ngục tối.
Ðối với sự hy sinh của những kẻ anh hùng liệt sĩ ấy, của muôn ngàn chiến sĩ vô danh ấy, Trẫm cho sự thoái vị của Trẫm là thường.
Vậy Trẫm chắc rằng, bà con trong Hoàng tộc sau khi nghe lời Chiếu thoái vị, ai ai cũng vui lòng để nợ nước lên trên tình nhà mà đoàn kết chặt chẽ với toàn thể quốc dân để ủng hộ chính phủ dân chủ, giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc. Thế mới là mõt cách chân chính cao thượng giữ chữ Trung với Trẩm và chự Hiếu với Liệt Thánh.
Việt Nam độc lập muôn năm !
Dân chủ cộng hoà muôn năm !
*
Sau khi thoái vị, Việt Minh đưa vua Bảo Ðại ra Hà Nội, phong cho chức Cố vấn tối cao của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Cụ Trần Trọng Kim thuê nhà ở Vĩ  Dạ, Huế, mấy tháng sau cũng cùng gia đình ra ở Hà Nội.

Thế là chấm dứt một giai đoạn lịch sử.
CụTrầnTrọng Kim tuy là một học giả uyên bác, tác phong đạo đức, nhưng cụ không phải là một chính trị gia, làm việc thật thà, không có tinh toán mưu mô chính trị, nên trong thời gian bị đưa đẩy về cầm quyền chính, cụ bị mang tiếng là thân Nhật. Thực ra thì cụ vô tình làm một lá bài của Nhật Bổn, dự bị từ lâu dùng cụ trong một giai đoạn. Nếu Nhật Bãn không bị thất trận ngay, cụ Kim có thì giờ nhiều, chắc cũng có thể làm được một vài cải cách sâu rộng ích quốc lợi dân, nhưng dầu sao cụ Kim cũng được nhiều ngưòi mến phục vì tài học uyên thâm của cụ chứ không phải vì tài chính trị, điều khiển quốc gia trong một giai đoạn ngắn ngủi nhỏ nhoi.
*
Tại cả hai miền giải giới quân đội Nhật, miền Bắc và miền Nam vĩ tuyến 16, quân đội Pháp không được Ðồng Minh giao trách nhiệm gì, nhưng chính phủ Pháp cho rằng toàn thể lãnh thổ Ðông Dương vẫn là đất thuộc địa và bảo hộ của Pháp như trước ngày 9-3-45. vì vậy, ngày 8-12-1943, tướng De Gaulle đã lên tiếng tại Alger về sự cần thiết tái lập chù quyền của Pháp tại Ðông Dương.
Từ trước, tại Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam của Trung quốc, quân đội Ðồng minh đã đặt những cơ quan quân sự và ngoại giao.
- Mỹ đặt tại đó các cơ quan đầu não chiến tranh như CCC  (Chinese Combat Command), AGAS (Air Ground Aid Services), OSS (Office of Strategic Services, cơ quan tình báo) và Tư lệnh không quân Sư đoàn 14 của Mỹ.
Vì  vậy, nhân một cuộc giúp đỡ Trung uý phi công Mỹ tên là Shaw hỏng máy bay phải nhảy dù xuống khu vục Cao Bằng hồi cuối năm 1944, Việt Minh đã chính thức liên lạc được với quân đội Mỹ ờ Côn Minh. Khoảng tháng 2-1945, Hồ Chí Minh tới Côn Minh và Quảng Tây gặp đại tá Helliwell, Giám đốc sở tỉnh báo OSS của Mỹ ở Hoa Nam. HCMinh nhận giúp đỡ những phi công bị nạn, nhảy dù xuống vùng Việt bắc, ngược lại Mỹ nhận thả dù thuốc men và khí giới nhẹ để giúp Việt Minh chống Nhật.
- Quân đội Trung Hoa đặt tại đó Bộ Tham Mưu tối cao.
- Anh quốc đặt một lãnh sự quán và một phái đoàn quân sự.
- Pháp quốc đặt một lãnh sự quán và một phái đoàn quân sự do Trung tá Jean Roger Sainteny cầm đầu từ 1943. Phái đoàn này là một trong hai phái đoàn quân sự của Pháp ở Á châu, phái đoàn thứ hai đặt ờ Calcutta, Ấn độ. Cả hai phái đoàn có nhiệm vụ liên lạc giữa Pháp và Ðồng minh.
Phái đoàn Sainteny cũng được gọi là phái đoàn số 3, có nhiệm vụ quan trọng là :
- liên lạc với người Pháp ở Ðông Dương,
- thâu thập các tin tức và chuyển đến các cơ sở tình báo của đồng minh,
- đưa sang Trung quốc những người Pháp trốn tránh Nhật, hay những người Pháp không chịu hợp tác vói chính phủ Vichy (là chính phủ thân Ðức quốc xã ở Pháp)
- tổ chức những sự cứu giúp những phi công Hoa Kỳ bị nạn trên không phận Ðông Dương
- liên lạc với những phần tử bản xứ Ðông Dương kháng Nhật.

Ngày 15-8-1945 khi quân đội Nhật đầu hàng thì ông Sainteny quyết định trở về Hà Nội ngay để tỏ sự hiện diện của Pháp, nhưng khi ông yêu cầu Mỹ giúp cho phương tiện chuyển vận thì ông không được đáp ứng thoả mãn. Dịp may mắn đến cho ông ta là ngày 17-8-45, một máy bay DC3 của Pháp đến Côn Minh. Sainteny điều đình với viên phi công tên là Fulachier chở ông về Hà nội. Fulachier đồng ý nhưng máy bay không được quân đội Trung Hoa ở Côn Minh cho phép cất cánh. Mãi đến ngày 22-8-45 máy bay mới được phép rời khỏi Côn Minh trực chỉ phi trường Gia Lâm. 13giờ 30 máy bay bay thấp, lượn vòng quanh Hà Nội. Sainteny  thấy toàn thể thành phố đỏ rực với cờ, chung quanh thành phố thì trắng xoá với làn nước bạc của sông Hồng tràn vào vì vỡ đê. Sainteny tính nếu phi trường Gia Lâm không xử dụng được, máy bay không đáp xuống phi đạo được, thì ông ta sẽ nhảy dù xuống, nhưng phi cơ đã đáp xuống an toàn vô sự. Từ máy bay xuống, Sainteny bị quân Nhật thẩm vấn, lúc đó quân Nhật còn có  bổn phận canh gác phi trường.  Sau đó Sainteny và ba người tuỳ tùng được đưa về Hà nội bằng xe hơi. Theo lời yêu cầu của ông, họ đưa tới khách san Métropole là nơi có nhiều người Pháp trú ngụ. Dọc đường vào Hà Nội, Sainteny gặp thiếu tá Patti, trưởng phái đoàn Mỹ. Patti lên cùng xe hơi vào Hà Nội. Trên xe, Patti báo cho Sainteny biết là người Pháp sẽ gặp nhiều khó khăn trong sự giao thiệp với Việt Minh.
Tại Hà Nội, cờ đỏ sao vàng treo khắp nơi cùng với các biểu ngữ bằng các tiếng Việt, Anh, Pháp, Trung Hoa. Dân chúng thấy lính Nhật đưa người Pháp vào Hà Nội cho là một sự khiêu khích, liền tụ họp càng lúc càng đông đảo trước khách sạn Métropole để phản đối. Lính Nhật thấy vậy liền khuyên ông Sainteny tìm nơi khác vắng vẻ để trú ngụ vì quân đội Nhật không có trách nhiệm bảo vệ ông ta. Sainteny yêu cầu dẫn ông ta tới Phủ Toàn Quyền. Tại nơi đây, Sainteny liên lạc với kiều dân Pháp qua trung gian của tướng Chamagne lúc bấy giờ Chamagne được tự do đi lại để tiếp tế cho Pháp kiều vì ông ta trông phụ trách  sở Quân nhu.Về sau Sainteny tổ chức lại những cơ sở nền móng cho các cơ quan hành chính sau này.
Lúc bấy giờ, tại nước Pháp, chính phủ lâm thời do tướng De Gaulle lãnh đạo dự tính đặt lại chủ quyền Pháp ở Ðông Dương. De Gaulle cử đại tướng Leclerc, một trong số những danh tướng Pháp đã chiến đấu thắng Ðức quốc, cầm đầu một đạo quân viễn chinh sang Ðông Dương để tái chiếm lại thuộc địa này. Ðô đốc Thierry d'Argenlieu,  một thầy tu dòng Carmes, cựu sĩ quan Hải quân thời đệ nhất thế chiến (1914-1918), và là sĩ quan kháng chiến chống quân Ðức cạnh tướng De Gaulle trong thời đệ nhị thế chiến (1939-1945), được cử làm Cao Uỷ Ðông Dương thay thế toàn quyền Decoux, có trách nhiệm thực hiện chương trình tái chiếm. Ông Messmer được cử làm Uỷ viên chính phủ Pháp tại miền Bắc Việt Nam, ông Cédile làm Uỷ viên chính phủ Pháp tại miền NamVN. Ngày 22-8-1945 hai ông được thả dù xuống, Cédile vào được tới Sài Gòn bình an vô sư, trái lại Messmer nhảy dù lạc xuống vùng Thái Nguyên bị Việt minh bắt cầmtù. Ðến ngày 18-10-1945, nhân ngày Tết Trung Thu, sự canh phòng lỏng lẻo,  Messmer cùng với một nhân viên vô tuyến cùng nhảy dù xuống với ông tên là Marmont, trốn thoát được, chạy bộ về Bắc Ninh nhờ quân đội Tàu đưa về Hà Nội. Tới Hà Nội Messmer gặp Sainteny, nhưng chính phủ Pháp đã cử Sainteny làm Uỷ viên thay thế trong khi ông Messmer bị cầm tù. Messmer vào Sàigòn rồi về Pháp, bẩy tháng sau ông trở lại Ðông Dương cầm đầu phái đoàn điều đình với Việt Minh ở Ðà Lạt.
Về sau ông Messsmer làm Tổng trưởng Quốc phòng, năm1972 làm Thủ Tướng Chính phủ Pháp.
Trở lại việc Sainteny vào Hà nội ngày 22-8-1945.
Lúc bấy giờ Sainteny là Chỉ huy trưởng Phái đoàn quân sự số 5 đóng ở Côn Minh. Phái đoàn này thuộc cơ quan DGER (Tổng nha nghiên cứu và Diếu tra) do Ðại Tá Roos làm giám đốc. Sainteny có nhiệm vụ liên lạc giữa chính phủ Pháp và các cơ quan quân sự Ðồng minh khu Thái Bình dương, liên lạc với Pháp kiều cư ngụ ở Ðông Dương  và giúp đỡ các phần tử kháng chiến chống Nhật. Khi vào Hà Nội Sainteny gặp thiếu tá Patti, trên đường từ Gia Lâm sang Hà Nội. Patti là nhân viên phái bộ quân sự Mỹ vào Việt Nam cùng với quân đội Trung Hoa  để liên lạc với chính phủ Việt Minh và cũng để xem xét tình hình chính trị. Nguyên lúc Việt Minh còn ở trong chiến khu Việt Bắc, cơ quan OSS của Mỹ đã thả dù khí giới nhẹ tiếp tế cho Việt Minh để chống Nhật, ngược lại Việt Minh cho Mỹ những tin tức về quân đội Nhật và giúp đỡ những phi công Mỹ mà máy bay bị hạ phải nhảy dù xuống vùng Việt Bắc. Hồ chí Minh và Võ nguyên Giáp đã tới trụ sở OSS ở Côn Minh gặp đại tá Helliwell yêu cầu trợ giúp khí giới, nhiều hình chụp cuộc gặp gỡ này đã được VM phổ biến.
Phái bộ quân sự Mỹ đến Bắc việt gồm có :
- Thiếu tá Patti, chỉ huy ban Gián điệp OSS,
- Ðại tá Nordlinger chỉ huy ban G5, phụ trách việc tìm kiếm những tù binh Mỹ và cơ quan Airground Service điều tra về tội ác chiến tranh.
- Ðại tá Farris phụ trách tìm xác những phi công mất tích.
Phái bộ Mỹ, nhất là Patti và Farris đều có thiện cảm với phong trào tranh thủ độc lập của Việt Minh, phái bộ chống đối việc Pháp trở lại Ðông Ðương. Về sau phái bộ Mỹ thấy Việt Minh càng ngày càng tỏ khuynh hướng cộng sãn,  không thân Tây phương, nên phái bộ Mỹ thôi không tham dự những buổi họp công khai với VM và thôi không tham gia  những buổi mít tinh do VM tổ chức, dần dần phái bộ rút hết nhân viên về Mỹ.
Như trong một đoạn trên đã nói, chính phủ De Gaulle dự định tái chiếm thuộc địa Ðông Dương, nên ngày 24-3-1945 chính phủ Pháp tuyên bố, đại ý như sau (10) (nguyên văn bản tuyên bố đăng trong tờ Công báo Pháp quốc ngày 25-03-45) :
" (...) Chính phủ Pháp cho rằng các nước Ðông Dương sẽ giữ một vai trò đặc biệt trong cộng đồng Pháp quốc và sẽ được hưởng một nền tự đo tương đối, tuỳ theo khả năng và trình độ phát triển của họ, như đã hứa trong bản Tuyên ngôn ngày 8-12-43 của Uỷ ban Giải phóng Quốc gia Pháp.
" (...) Chính phủ Pháp nghĩ cần phải định rõ ngay từ giờ thể chế của Ðông Dương để áp dụng liền ngay sau khi Ðông Dương thoát khỏi sự chiếm đóng của quân địch.
"(...) Liên bang Ðông Dương hợp với Pháp và các phần tử khác (11) (tức là các thuộc địa khác) trong cộng đồng, thành Liên Hiệp Pháp mà quyền lợi đối ngoại sẽ do Pháp đảm nhiệm. Ðông Dương sẽ được tự do trong khuôn khổ Liên Hiệp này.
" (...) Người dân Liên bang Ðông Dương sẽ mang quốc tịch của Liên bang  và đồng thời mang quốc tịch Liên hiệp Pháp. Với danh nghĩa đó, họ có thể làm bất cứ công việc gì trong phạm vi Liên Hiệp không phân biệt hay hạn chế gì cả. Những điều kiện tham dự vào các cơ quan Liên hiệp Pháp và thể chế quốc tịch Liên hiệp Pháp sẽ được định rõ trong Hiến pháp của Liên Hiệp.
" (...) Ðông Dương sẽ có một chính phủ Liên bang do Toàn quyền Ðông Dương làm chủ tịch, các bộ trưởng sẽ do chủ tịch chọn trong số người bản xứ hay người Pháp cư ngụ tại Ðông Dương. Bên cạnh vị Toàn quyền sẽ có một Hội đồng quốc gia gồm các nhân sĩ của Liên bang, có phận sự soạn thảo luật lệ và pháp luật chung cho Liên bang. Một quốc hội chung cho Liên bang được bầu do sự đầu phiếu thích hợp tuỳ nghi mỗi nước. Quốc hội đặt những thứ thuế, dự thảo ngân sách và các luật lệ mà nền tảng là sự tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tín ngưỡng, nói chung là các tự do dân chủ. Mỗi nước trong Liên bang đều có chính phủ riêng biệt, có quân đội hải lục không quân riêng biệt trong đó người bản xứ được đảm nhiệm những trọng trách ngang hàng với  người Pháp hoặc người của Liên hiệp Pháp.
 Những cải cách xã hội và văn hoá cũng đưôc xúc tiến.
- Nền giáo dục cưỡng bách tới bực tiểu học và sẽ khuyếch trương mạnh cho bực trung học và bực đại học (...)
- Công nhân sẽ được săn sóc để cải tạo đời sống (...)
- Kinh tế được tự trị để phát triển mạnh mẽ hầu tiến tới kỹ nghệ hoá và ngoại thương với các nước lân bang, nhất là với nước Trung Hoa.
" (...) Như vậy Liên bang Ðông Dương, trong chính sách Hoà bình cuả Liên Hiệp Pháp, được hưởng một nền tự đo và một tổ chức cần thiết để phát triển tất cả các tài nguyên, có thể đảm nhiệm vai trò của mình trong vùng Thái bình Dương (...) "

Bản tuyên bố này có lẽ đối với chính phủ De Gaulle là một sự cởi mở rộng lớn cho các dân tộc Ðông Dương là những dân tộc bị thống trị với những luật lệ kìm hãm hạn chế khắt khe, từ lâu không được dự phần nhỏ vào việc định đoạt số phận của mình. Nay theo bản tuyên ngôn này, được tự do hơn, cởi mở hơn, tuy rằng tự do cởi mở trong cái lồng Liên Bang và nếu lọt ra khỏi lồng thì được tự do trong cái nơm Liên Hiệp úp trên cái lồng. Những người thảo ra bản tuyên ngôn đó, - những người "Pháp mớỉ hay là "Pháp dân chủ (theo danh từ của Việt Minh hồi đó đặt hy vọng vào chính phủ và dântộc Pháp có một sự hiểu biết sâu xa về nguyện vọng của dân tộc Việt Nam), - những người thảo ra bản Tuyên ngôn đó mặc dầu vừa có kinh nghiệm bản thân về một sự chiếm đóng của một dân tộc khác ngay trên lãnh thổ nước mình, những người đó lúc bấy giờ đã làm thất vọng dân tộc Việt Nam vô cùng. Những ý kiến của họ lạc hậu hàng chục năm, giá họ đề nghị như vậy trong khoảng thời gian trước 1939 thì có thể được hoan nghênh và chấp nhận dễ dàng.
Nhưng sự thực thì chính phủ và quốc hội Pháp bấy giờ có ý tuởng tốt đẹp cởi mở thật sự cho Ðông Dương và các thuộc địa khác của Pháp không ?
Sự thực thì quốc hội Pháp bấy giờ chẳng tử tế gì với các dân tộc thuộc địa, họ phải thay đổi chiều hướng trong việc cai trị các thuộc địa vì trong thời kỳ thế chiến các dân tộc thế giới đều nguyền rủa sự xâm lăng của Ðức , Ý và Nhật,  nên phong trào giải phóng thuộc địa được các nước đồng minh Mỹ, Anh khởi xướng. Hơn nữa các dân tộc bị thống trị không còn muốn chịu cảnh gông cùm nô lệ đều vùng dậy giành tự do độc lập. Trong bản thông điệp ngày 4 tháng 7-1945, Tổng thống Mỹ Truman  khi đề cập đến Phi Luật Tân là một thuộc địa của Mỹ, đã tuyên bố : " Hoa Ký đã tự rời bỏ chủ quyèn của mình về mọi phương diện trên lãnh thổ Phi Luật Tân, ngoại trừ một vài căn cứ quân sự mà đôi bên sẽ thoả thuận sau.Tôi công nhận dân tộc Phi là một dân tộc tự do có chính phủ riêng và tôi công nhận uy quyền chính phủ đó trên dân tộc Phi theo hiến pháp hiện hành. "
Với một tinh thần tương tự, Anh quốc giải phóng các thuộc địa để họ trở thành những nước độc lập tự ý giao hảo với Anh quốc trong phạm vi kinh tế, ngoại giao của nền Thịnh Vượng Chung. (The British Commonwealth of Nations)
Một tài liệu về Miến Ðiện, cựu thuộc địa của Anh quốc, chứng minh tinh thần đó :
"Chính sách của Hoàng gia Anh vẫn là trả lại nền độc lập hoàn toàncho dân tộc Miến. Chính sách này đã bị gián đoạn vì sự xâm nhập và sự chiếm đóng của quân đội Nhật Bản.
"Ðến nay sự chiếm đóng chấm dứt nhưng nước Miến Ðiện bị tàn phá nhiều vì chiến tranh.  Chính phủ Hoàng gia Anh sẽ hết sức giúp Miến Ðiện xây dựng lại đất nước và phát triển hiến pháp để nước Miến trở thành một quốc gia tự trị trong khối Thịnh Vượng Chung..."

Có lẽ chinh phủ và quốc hội Pháp muốn theo kiểu Thịnh vượng Chung  của Anh quốc cho các thuộc địa tự trị trong Liên Hiệp Phàp, nhưng Anh quốc lại không đặt một hạn chế nào về lãnh thổ hay chính trị, hay ngoại giao của các cựu thuộc địa mà chỉ có những liên lạc về kinh tế có lợi cho cả đôi bên, mà cả đôi bên đều được tự do thoả thuận không bị ép buộc, các cựu thuộc địa một khi được tự trị, sẽ trở thành một nước độc lập hoàn toàn có chủ quyển và có quyền rút khỏi khối Thinh Vượng Chung bất cứ lúc nào. Trái lại quốc hội Pháp còn hạn chế nhiều quá, hoặc là cũng vì nhu cầu tái thiết của Pháp, sau chiến tranh tài nguyên bị kiệt quệ, phải trông mong vào các thuộc địa để kiến thiết, nên chính phủ và quốc hội  Pháp chỉ muốn cởi mở một chút, cho tay này lại đòi tay kia, cho nên chính sách Liên Bang Ðông Dương và Liên Hiệp Pháp không đáp ứng với nguyện vọng của dân tộc Việt Nam hồi bấy giờ.
 (Còn tiếp)
Tô Vũ

________________________________________________
Chú thích
[10] Nguyên văn bản tuyên bố đăng trong tờ Công báo Pháp quốc ngày 25-03-45.
[11] tức là các thuộc địa khác







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét