Thứ Tư, 9 tháng 5, 2012

45-54, CHÍN NĂM KHÓI LỬA - Bài 3



 45 - 54, CHÍN NĂM KHÓI LỬA
                                                                tôvũ
Bài số 3



Sau khi quân đội Nhật đầu hàng, Ðồng Minh chia Ðông Dương ra làm hai phần, phía bắc vĩ tuyến 16 giao cho quân đội Trung Hoa nhiệm vụ giải giới quân Nhật, phía nam vĩ tuyến 16, giao cho quân đội Anh quốc đảm nhiệm. Nước Pháp không được Ðồng Minh giao cho nhiệm vụ gì ở Ðông Dương. Chính phủ Pháp điều đình với Anh quốc trả lại Pháp miền nam Ðông Dương sau khi quân đội Anh chấm dứt nhiệm vụ giải giới. Anh quốc đồng ý. Pháp cử một danh tướng đã từng chiến thắng quân đội Ðức thời Ðệ nhị thế chiến cầm đầu một đoàn quân viễn chinh sang Ðông Dương để tái chiếm thuộc địa này.
Tướng đó là tướng Leclerc, nổi tiếng với Sư đoàn 2 Thiết giáp (2è Division blindée) của ông.
Người trách nhiệm thực hiện chính sách trở lại Ðông Dương là một vị văn quan. Thierry d'Argenlieu, cựu đô đốc hải quân, cựu sĩ quan kháng chiến chống Ðức quốc xã cạnh tướng De Gaulle, được cử làm Cao Uỷ Pháp tại Ðông Dương từ ngày 17-8-45 (tướng De Gaulle bao giờ cũng đặt quan văn trên quan võ). Ðô đốc Thierry d'Argenlieu, 56 tuổi, người nhỏ bé, là một thầy tu dòng Carmes, tên gọi là cha Louis de Trinité. Ông là một người nói năng quả quyết, cẩn thận, chọn lọc từng câu nói, mỗi khi ông quyết định việc gì thì khó mà lay chuyển. Tuy được cử giữ những trách nhiệm cao cấp dân sự nhưng ông ta vẫn chủ lễ cầu Chúa ngay cả khi tới Ðông Dương làm Cao uỷ ; người ta vẫn thấy ông hành lễ tại nhà nguyện trong dinh Cao uỷ.
Thời đệ nhất thế chiến, d'Argenlieu là một sĩ quan hải quân. Khi chiến tranh chấm dứt, ông trút bỏ nhung y đi tu ở dòng Carmes, đến năm 1939 khi đệ nhị thế chiến xảy ra thì ông đang là cha bề trên của giáo phận Paris. Ông được gọi tái ngũ với chức vụ đại uý hải quân. Sau khi tái ngũ được ít lâu, ông bị quân Ðức bắt làm tù binh tại Cherbourg. Ông trốn thoát trại giam và nhờ những người thuyền chài đưa ông sang Londres để gia nhập kháng chiến sát cạnh tướng De Gaulle. Trong Lực lượng Kháng chiến của Pháp Tự do, ông được giao nhiều trọng trách, nhất là trách nhiệm điều khiển Lực lượng Hải quân.
Năm 1945, khi chính phủ Pháp chấm dứt nhiệm vụ của Toàn quyền Ðông Dương Decoux thì chính phủ Pháp cử ông sang thay thế. Ông được lệnh tái lập chủ quyền theo tinh thần  "Bản tuyên ngôn ngày 25-3-45".

Ðiều cần thiết tiên khởi là ông phải tìm cách để quân Tàu rút khỏi miền Bắc. Ông được chỉ thị thành lập Chính phủ Nam Kỳ tự trị trong Liên bang Ðông Dương, gồm những thành phần không quá khích, không chống đối Pháp. Chính phủ Pháp quan niệm rằng Nam Kỳ Tự trị sẽ là một kiểu mẫu điển hình cho sự cởi mở của Pháp. Nhìn vào đó, dân tộc Ðông Dương có thể tín nhiệm nước Pháp trong chính sách mới để Pháp có thể tái lập chủ quyền một cách ôn hoà, không đổ máu.
Năm 1947, khi d'Argenlieu hết nhiệm chức ở Ðông Dương, ông rút lui về nhà tu Avon gần Fontainebleau và ở đó đến khi ông mất. Tất cả những việc ông làm trong thời kỳ nhậm chức Cao ủy Ðông Dương đã bị người đời khen chê không ít, nhưng ông không trả lời, không giải thích, mặc dầu ông có viết hồi ký nhưng không in ra sách, ông chỉ nói với những người bạn của ông là : " Tôi làm việc theo bổn phận, còn tùy Trời phán xét ".
Tướng Leclerc, tên thật là Philippe de Haute-cloque, là một vị đại tướng trẻ tuổi. Ông đã gây nên binh nghiệp tiếng tăm lẫy lừng trong cuộc kháng chiến chống Ðức tại Tchad, Libye và Tunisie trong những năm 1940-1945. Năm 1944, ông đổ bộ vào đất Pháp ở Normandie và khi quân Ðức thất trận, ông dẫn đầu Sư đoàn thiết giáp số 2 vào tiếp thu thành phố Paris. Năm 1945, lúc ông 43 tuổi, ông được tướng De Gaulle phái sang Ðông Dương, cầm đầu đạo quân viễn chinh. Thực ra thì đạo quân này chưa có. Khi chính phủ Pháp dự định tái chiếm Ðông Dương, đoàn quân này được vội vàng thành lập, vá víu nhặt ở mỗi nơi một ít quân, để đặt dưới quyền Leclerc :
- Một số xe half track, một số chiến xa nhẹ với những binh lính của đệ nhị Sư đoàn Thiết giáp tách rời ra do Massu cầm đầu tự ý xin gia nhập,
- Sư đoàn Bộ binh Thuộc địa số 9 (9è DIC) do tướng Valluy cầm đầu đang đóng ở Ðức,
- Sư đoàn Bộ binh Thuộc địa số 3 (3è DIC) do tướng Nyo cầm đầu,
Những đoàn quân ấy được chuyển vận dần dần sang Ðông Dương, vì tàu bè chuyên chở đang bị thiếu thốn, để lập thành đạo quân viễn chinh.
Ngày 18-8-45, tướng Leclerc đáp máy bay quân sự từ phi trường Bourget (gần Ba Lê) trực chỉ thành phố Kandy ở Tích Lan. Ngày 22-8-45, ông tới Kandy và đặt bản doanh tiền đồn tại đó. Tại nơi đây, ông sáp nhập vào đạo quân viễn chinh, Tiểu đoàn 5 Bộ binh Thuộc địa đóng ở đó, thiết giáp hạm Richelieu, một số tiểu đỉnh nhỏ và ra lệnh chuyển gấp sang Nam Kỳ.
Tại Sàigòn, ngày 2-9-45, một cuộc biểu tình lớn được tổ chức để mừng ngày chính phủ Việt Minh ra mắt, tuyên ngôn Ðộc Lập ở Hà Nội. Nhiều tiếng súng nổ vào đám biểu tình làm một số người bị thương và thiệt mạng. Dân chúng sôi sục lùng tìm những người chủ mưu.
Ngày 6-9-45, tướng Gracey của Anh quốc đáp máy bay đến Sàigòn cùng với Sư đoàn 20, gồm những lính cuốn khăn Gourkha, gốc ở Katmandou, xứ Népal [12]. Gracey giao cho quân đội Nhật nhiệm vụ cảnh sát trong thành phố và ra lệnh cho dân chúng phải nộp võ khí. Theo bản Thông cáo số 1 thì tướng Gracey xác nhận quyền duy trì trật tự của quân đội Anh quốc đã được Ðồng Minh cử đến Nam Ðông Dương để giải giới và hồi hương quân đội Nhật. Dân chúng không được mang võ khí, những người làm rối loạn trật tự có thể bị xử bắn.
Tướng Gracey phóng thích khoảng 1.500 lính Pháp thuộc Trung đoàn 11 Bộ binh Thuộc địa và tái trang bị khí giới cho họ.
Ngày 12-9-45, trước sự hiện diện của đại biểu các nước Ðồng Minh và Pháp [13], một buổi lễ tiếp nhận sự đầu hàng của 70.000 lính Nhật được cử hành long trọng tại Sàigòn. Ðô đốc Anh, Lord Mounbatten, tiếp nhận tận tay Ðô đốc Nhật bản Terauchi, vị Chỉ huy tối cao quân đội Nhật ở Ðông Dương, hai thanh bảo kiếm biểu hiệu sự quy hàng. Một trong hai thanh kiếm đó được rèn đúc từ năm 1280 do tổ tiên của ông Terauchi truyền lại. Về sau đô đốc Mounbatten tặng Nữ hoàng Anh quốc thanh bảo kiếm này.
Ngày 22-9-45, Trung đoàn 11 Bộ binh Thuộc địa của Pháp đổ xô ra khắp nơi trong thành phố Sàigòn, tái chiếm các cơ quan, các công sở và các đồn cảnh sát do Việt minh giữ, càn quét, bắt bớ, bắn chết một số người dân.
 Kiều dân Pháp đã được tái võ trang cũng phụ lực với lính Pháp để sửa soạn đặt lại  nền cai trị của Pháp trên Sàigòn và toàn thể Nam kỳ.
Ngày 23-9-45, lệnh kháng chiến, do Nguyễn Bình chỉ huy, được ban bố trên toàn thể lãnh thổ Nam bộ. Nhân dân Sàigòn tổng đình công, bất hợp tác với Pháp. Chợ búa, tiệm buôn, xưởng máy đều đóng cửa. Khắp nơi các chướng ngại vật được kéo ra chặn đường, dân chúng tổ chức tự vệ với những võ khí thô sơ sẵn có như gậy tầm vông, mã tấu, súng trường của Nhật. Các đoàn thể Thanh niên Tiền phong được thành lập để mọi người gia nhập, thôn quê vùng dậy cương quyết chiến đấu chống Pháp.
Cùng ngày đó, tại Sàigòn, khu gia cư Hérault Tân Ðịnh, nơi tập trung của những gia đình Pháp kiều, một cuộc tàn sát đã xảy ra, nhiều Pháp kiều, lớn bé già trẻ, bị giết chết, trong số có một đại tá Mỹ tên là Devey và một kiều dân người Anh.
Theo thoả hiệp Anh Pháp ký ngày 8-10-45, quân đội Anh được lệnh bất can thiệp vào nội bộ, nên quân Anh không có phản ứng gì.
 Sau đây là một đoạn trích thoả hiệp đó :

Thoả hiệp về việc giao thiệp Anh Pháp
 tại Ðông Dương :
Chương 1. - Thoả hiệp này liên quan đến việc cai trị và pháp chế tại Ðông Dương và chỉ có giá trị trong một thời gian ngắn. Mục đích Thoả hiệp là điều hành những sự liên lạc giữa quân đội Anh và các nhà chức trách Pháp tại Ðông Dương trong thời gian quân đội Anh trú đóng tại nơi đó.
Ðiều 1 - Quân đội Anh đóng tại Ðông Dương, phía nam vĩ tuyến 16, để cùng với người Pháp kiểm soát việc quân đội Nhật đầu hàng, giải giới quân đội Nhật và giải phóng những tù binh chiến tranh bị Nhật cầm tù.
Ðiều 2 - Quân đội Anh đóng tại những yếu điểm cần thiết để thi hành nhiệm vụ ấy. Trong những khu vực đó, bộ Chỉ huy quân đội Anh ban bố những biện pháp thích nghi cần thiết, nhưng những sự giao thiệp giữa quân đội Anh và dân chúng thì phải qua trung gian của nền hành chính Pháp. Sự hiện diện của quân đội Anh chỉ là tạm thời, sẽ chấm dứt khi hết nhiệm vụ. Việc rút quân Anh khỏi Ðông Dương sẽ do Chỉ huy tối cao quân đội Ðồng minh định đoạt với sự đồng ý của Chỉ huy Lực lượng Pháp ở Ðông Dương.
Ðiều 3 - Trên lãnh thổ Liên bang Ðông Dương chỉ nhà chức trách Pháp mới có trách nhiệm về việc cai trị và có tất cả các quyền hạn kể cả quyền hạn khi có thiết quân luật. Chức sự Pháp sẽ thoả mãn tất cả những nhu cầu của quân đội Anh.
Ðiều  4- 
Khoản 4-1 - Một nhân viên quân sự Pháp sẽ đại diện bộ Chỉ huy Pháp bên cạnh bộ Chỉ huy Anh.
Khoản  4-2 - Bộ Chỉ huy quân đội Anh sẽ hỏi ý kiến vị đại diện Pháp khi thực hành nhiệm vụ nói ở điều 1. Quân đội Anh sẽ trách nhiệm một mình về việc hoàn tất nhiệm vụ ấy.
Khoản 4-3 - Bộ Chỉ huy Anh sẽ chỉ thị các đơn vị đồn trú tại Ðông Dương phải tôn trọng phong tục và tập quán bản xứ, phải tôn trọng các hiệp ước ký kết giữa Pháp và các xứ bảo hộ và phải tỏ thái độ lịch sự thích nghi đối với các nhà chức trách Pháp và chủ quyền Pháp.

Ðiều 5 -
Khoản 5-1 - Cao ủy Pháp, Toàn quyền xứ Ðông Dương, hay vị đại diện khi Cao ủy vắng mặt, là Chỉ huy tối cao Quân lực Pháp ở Viển Ðông, sẽ điều hành chủ quyền dân sự trên toàn cõi Ðông Dương
Khoản 5-2 - Tổ chức hành chánh nói ở điều 5 sẽ đảm bảo sự liên lạc giữa quân đội Anh và các nhà chức trách dân sự Pháp vă sẽ tức khắc tiếp thâu những phần lãnh thổ thâu hồi (...)

*

Theo thoả hiệp này, quân đội Anh được đồn trú tại khu tam giác Sàigòn - Thủdầumột - Biênhoà. Quân đội Pháp không được gia nhập khu vực này. Việt minh lợi dụng điều đó, mỗi khi cần thiết lại lẩn tránh vào khu vực đó. .
Quân đội Anh tiếp tục giải giới và hồi hương quân Nhật, đến trung tuần tháng 5-1946 thì hoàn tất nhiệm vụ. Quân Anh rút xuống Vũng Tầu để hồi hương bằng đường thủy.

Ngày 5-10-1945, đại tướng Leclerc cùng bộ Tham mưu thu hẹp đáp máy bay xuống phi trường Tân sơn Nhất với tư cách là Tổng tư lệnh Ðoàn quân Viễn chinh Pháp ở Viễn đông, và tạm quyền Cao uỷ Pháp ở Ðông Dương [14].
Leclerc đi thẳng tới dinh Norodom [15]. Ở đó hàng ngàn Pháp kiều đã tụ họp để đón. Leclerc xuống xe, đi bộ vào giữa đám đông, mọi người đổ xô lại để hoan hô ông ta. Leclerc bắt tay vài người, nói mấy lời an ủi và khích lệ, rồi vào tư dinh.
Trên bàn giấy trong văn phòng, một bản thống kê quân số Pháp hiện có mặt tại Nam Kỳ được đệ trình. Thống kê cho biết có thể sử dụng ngay được :
1- Trung đoàn Bộ binh Thuộc địa số 11 vừa được quân Anh giải thoát khỏi các trại giam của Nhật.
2- Trung đoàn Bộ binh Thuộc địa số 5 do Trung tá Rivier chỉ huy.
3- Một số biệt kích dù của đại úy Hải quân Ponchardier vừa được chuyển từ Tích Lan tới.
Tổng cộng vài ngàn quân, con số thật ít ỏi, nhưng Leclerc trông chờ quân tiếp viện đang trên đường từ Pháp tới.
Ngày 12-10-46, Leclerc mở những cuộc hành quân nhỏ chung quanh Sàigòn - Chợlớn để nới rộng kìm kẹp của Việt minh. Tuy nhiên sự an ninh vẫn chưa được vãn hồi trong thành phố, nhất là ban đêm những sự bắt cóc và ám sát vẫn thường xảy ra.
Leclerc cho phổ biến khắp nơi lời kêu gọi dân chúng, công chức, thanh niên và phụ nữ hợp tác với quân đội Pháp, nguyên văn bản hiệu triệu như sau :
Hỡi người An nam !
Quân đội Pháp đến nơi đây để đánh đuổi quân khủng bố đạo tặc.
Dân chúng hãy hiểu rằng quân đội Pháp không phải là kẻ thù và hãy nói cho mọi người chung quanh biết vậy. Quân đội Pháp sẽ giúp tái lập trật tự và hoà bình, sẽ che chở các gia đình và tài sản để dân chúng có thể làm ăn trong trật tự và an ninh. Không ai nghĩ là đám dân lành phải trách nhiệm những hành động sách nhiễu của một nhóm người gian ác đã lợi dụng dân chúng một cách tàn bạo.
 Vì dân chúng An nam, nước Pháp trở lại gần họ để tiếp tục và mở mang công cuộc khởi sự từ 80 năm về trước, để tăng gia nguồn lợi của dân chúng, xây đắp đường mới, tân tạo các bệnh viện và học đường.
Vì quyền lợi của dân chúng mà quân Pháp hành động.
Các vị thân hào, công chức ! Các vị là đại diện của đám dân lành. Vì quyền lợi chung, khi quân đội Pháp tới, các vị hãy đọc những bản cáo thị, giải thích và bắt dân chúng hãy tuân theo.
Các thanh niên nam nữ !
Những kẻ nào đã bị bắt buộc hay bị lừa dối lôi kéo hãy dứt bỏ những sự giết chóc mà nạn nhân đa số là đồng bào mình nhiều hơn là người Pháp. Hãy rời bỏ bọn cầm đầu, trở về với gia đình, với làng mạc, với công việc. Những sự phá rối trật tự chỉ đưa đến cảnh đói kém. Hãy trở về nuôi sống gia đình.
Các bà mẹ, các bà chị, các phụ nữ !
Các bà là những người giữ vững gia đình. Hãy giữ những người trách nhiệm bảo vệ con cái của các bà, hãy gọi trở về những người đàn ông bị lôi kéo, bị lường gạt. Hãy cứu họ sống vì tính mạng họ rất quý giá với các bà. Cuộc chiến sẽ rất ngắn. Hãy giữ họ đứng ngoài lề cuộc chiến và sự yên ổn sẽ trở lại với khắp mọi người.
Lệnh của chúng tôi là : không trả thù những người thành thực, không thương hại những kẻ sát nhân.
Ký tên : Tướng Leclerc.

Giữa tháng 10, Sư đoàn 2 Thiết giáp tới Sàigòn và ngày 25-10 thì một cuộc hành quân do đại tá Massu chỉ huy được tổ chức đại quy mô để tái chiếm các thành phố Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ và Gò Công, tức là khu vực phía nam và đông nam Sàigòn.
Một toán quân đi bằng đường bộ từ Sàigòn xuống Mỹ Tho, nhưng vì đường sá và cầu cống bị phá huỷ nhiều nơi nên toán quân đó đi hai ngày, đến chiều ngày 26 mới tới. Khi đoàn quân tới nơi thì Mỹ Tho đã do quân biệt kích dù của đại uý hải quân Ponchardier cùng với một đại đội hải quân tiến chiếm bất ngờ sáng ngày 25. Ðoàn quân này của Ponchardier rời Mỹ Tho xuống chiếm Vĩnh Long ngày 28-10 và Cần Thơ ngày 30-10. Tại khắp nơi quân Pháp không gặp sức chiến đấu kháng cự nào của Việt minh. Ðến đầu tháng 11 thì Pháp chiếm trọn vẹn khu vực nam và đông nam Sàigòn.
Khu vực được chia ra làm ba tiểu khu để bình định. Pháp xây các đồn bót tại các nơi trọng yếu, tuyển dụng những người Việt Nam làm lính pạc-ti-dăng (partisans) để phụ lực và lập những Hội đồng xã tại những làng mà Pháp chiếm đóng. Cuộc sống các làng được vãn hồi dần dần, nhưng sự an ninh chỉ có ban ngày ở chung quanh những nơi có quân Pháp đóng bót đồn trú, còn ban đêm thì Việt minh vẫn làm chủ tình thế, quân du kích phá đồn, bắt những người thân Pháp và phá hủy đường sá cầu cống.
Ngày 8-11-45, một cuộc hành quân về phía Tây Ninh để mở đường Sàigòn - Namvang đã gặp sức kháng cự mãnh liệt của quân kháng chiến.
Khoảng trung tuần tháng 12, Pháp hành quân càn quét vùng Ðức Hoà  là một vùng sát nách với Sàigòn, cửa ngõ Ðồng Tháp Mười, nơi Nguyễn Bình chỉ huy cuộc kháng chiến.
Dần dần các đô thị khác và các trục giao thông quan trọng bị Pháp chiếm để tái lập cuộc bình định, nhưng địa thế Nam Bộ với nhiều kinh rạch, những làng mạc với nhà cửa ở rải rác, sự kháng chiến với chiến thuật du kích, đã làm cho công cuộc bình định rất là khó khăn và chậm chạp.
Tại miền Trung, với chiến dịch Gaur, tướng Leclerc mang quân lên Ðàlạt liên lạc được với số 1.300 kiều dân Pháp sống ở đó. Sư đoàn Thuộc địa số 9 xuất quân từ Sàigòn, tiến chiếm Di Linh,  chiếm Ðàlạt, xuống chiếm Phan Rang, rồi ra Nha Trang.
Trung đoàn Thuộc địa số 5 do Trung tá Rivier chỉ huy cùng với đoàn quân thiết giáp của Massu tiến chiếm Biên Hoà, Ban mê Thuột.
Ngày 20-1-46, quân đội Anh rút quân khỏi khu tam giác Sàigòn - Biênhoà - Thủdầumột. Quân Pháp tới thay thế. Một cuộc hành quân rộng lớn để càn quét khu vực đó đã vấp phải sức kháng cự mãnh liệt của lực lượng kháng chiến, nhất là tại Tân Uyên chiến tranh hết sức khốc liệt, giành nhau từng căn nhà một.

Tới tháng 2-1946 thì Nam Bộ và miền nam Trung Bộ bị Pháp tái chiếm hết nhưng chiến tranh du kích vẫn tiếp diễn khắp nơi, mạnh yếu tùy theo từng vùng.
Tuy vậy Leclerc cũng cho là tạm yên, hướng hành động về phía Bắc. Leclerc biết rằng không thể dùng sức mạnh để tái chiếm miền bắc Việt Nam được vì quân số dưới quyền ông lúc bấy giờ ít ỏi quá mà dùng sức mạnh thì ngoài quân Việt minh lại còn có quân đội Tàu không thể tránh đụng chạm được, nên ông nghĩ đến giải pháp hoà bình là điều đình cả với quân Tàu chiếm đóng và cả với Việt minh để họ cho quân Pháp trở lại Bắc kỳ một cách êm thắm.
Tướng Salan được giao trách nhiệm thực hiện hai nhiệm vụ đó.
Salan ở Pháp sang Việt Nam ngày 23-10-45. Chính phủ Pháp đặt Salan dưới quyền sử dụng của đô đốc Cao ủy d'Argenlieu và đại tướng Leclerc.
Salan là một sĩ quan có nhiều kinh nghiệm ở Ðông Dương vì lúc trẻ ông đã phục vụ nhiều nơi ở các đồn trại miền thượng du và trung du Bắc kỳ, đặc biệt đồn Ðình Lập và cũng ở tại miền bắc xứ Lào.
Tới Sàigòn, Salan được tướng Leclerc cử làm Chỉ huy trưởng các Lực lượng Pháp ở Bắc Kỳ và ở Trung Hoa và làm đại diện chính thức của tướng Leclerc bên cạnh tướng Lư Hán là vị Chỉ huy trưởng các lực lượng Trung Hoa chiếm đóng miền bắc Ðông Dương.
Nhiệm vụ chính của tướng Salan là sửa soạn cho Pháp trở lại Bắc Kỳ với sự đồng ý của quân Tàu để tránh sự đụng chạm.
Nhiệm vụ thứ hai là đưa số quân đội Pháp lưu vong ở bên Tàu về Bắc Kỳ và sửa soạn cho số quân mới ở Sàigòn nhập vào Bắc Kỳ bằng đường biển, giữ an ninh cho kiều dân Pháp sống ở Hànội.
Tóm lại Pháp muốn thương lượng để Tàu rút quân về nước, cho Pháp vào thay thế. Mặt khác, Pháp điều đình với Việt minh trên một căn bản rộng rãi để Việt minh không ngăn cản việc Pháp trở lại Bắc Kỳ.
 Ngày 1-11-45, tướng Salan đáp máy bay quân sự từ Sàigòn ra Hànội. Quân đội Tàu gác phi trường Gia Lâm đã được thông báo trước nên cho phép phi cơ đáp xuống sân bay, Salan rời khỏi phi cơ mà không bị khám xét hay bị gây khó khăn gì.
Mấy sĩ quan Pháp đón Salan bằng xe hơi, đưa về trụ sở Ngân hàng Ðông Dương là nơi trú ngụ của Sainteny, Uỷ viên Pháp quốc tại Bắc Kỳ. Sainteny cho người dẫn Salan đến ở một biệt thự đường Carnot (phố Cửa Bắc, Hànội).
Ngày hôm sau, trung tá Le Porz là người được Leclerc cử ra Hà nội tạm quyền, dẫn Salan bằng xe hơi vào trong thành Hànội để tiếp nhận nhiệm vụ.
Thành Hànội là nơi mà từ trước đến giờ Pháp đã đặt các cơ quan quân sự và cũng là nơi đồn trú của quân đội Pháp. Hiện có một số quân lính Pháp đang đóng tại trong thành Hànội sau khi Nhật Bản đầu hàng, số quân này không có khí giới. Khi quân đội Trung Hoa nhập Hànội thì họ cũng đặt bộ Chỉ huy ỡ trong thành. Một số lính Tàu vào đóng ở đó chung địa điểm với Pháp, hai bên ngăn bằng con đường từ cổng chính vào, một bên là quân Pháp đóng, một bên là quân Tàu. Quân Tàu trang bị khí giới đầy đủ, cổng thành có lính Tàu đứng gác khám xét người ra vào.
Khi Salan tới cổng thành thì lính Tàu gác cổng giơ súng chặn xe lại không cho vào. Salan cũng chẳng biết nói thế nào đành cứ ngồi ỳ trên xe hơi với trung tá Le Porz. Chú lính Tàu xí xố một hồi, nghe trả lời bằng tiếng Pháp chẳng hiểu ra sao, ngăn cản một lúc chẳng thấy công hiệu gì, chú đành phải đứng dẹp sang một bên cho xe của Salan vào.
Công việc đầu tiên của tướng Salan là kiểm tra dân số Pháp kiều hiện cư ngụ ở Bắc Kỳ lúc bấy giờ, lo việc tiếp tế và lo giữ gìn an ninh cho họ.
Theo thống kê kiểm tra thì lúc bấy giờ tại Bắc kỳ có cả thẩy 17.611 Pháp kiều, già trẻ lớn bé, gồm cả những người ngoại quốc mang quốc tịch Pháp, sống rải rác ở các thành phố như sau :
Hànội 13.100 người, Hải Phòng 1.160 người, Nam Ðịnh 160 người, CẩmPhả - HònGay 186 người, Thanh Hóa 76 người, Vinh 1.037 người, Huế 1.892 người.
Salan yêu cầu Leclerc tức tốc gửi ngay 100 tấn gạo từ Sàigòn ra Hànội để tiếp tế cho Pháp kiều và cho quân đội Tàu mà Pháp có nhiệm vụ phải tiếp tế.
Vấn đề giữ gìn an ninh thì Pháp vấp phải lệnh của quân đội Tàu cấm người Pháp không được mang khí giới. Tuy vậy Pháp kiều và lính Pháp cũng trang bị ngầm, dao, kiếm, chế tạo cốc-tay Môlôtốp và mua ngầm súng ống của lính Tàu bán lậu, để phân phối cho những người có trách nhiệm bảo vệ an ninh phòng khi cần dùng tới.
Việc kiểm tra các binh sĩ Pháp được trả tự do sau khi quân đội Nhật đầu hàng cho thấy những con số sau đây :
Tại Hànội, có tổng cộng khoảng 4.400 quân số kể cả sĩ quan, hạ sĩ quan và binh lính.
Tại Hảiphòng có tổng cộng 230 quân số.
Tại Huế có tổng cộng 70 người.
Khí giới thì chẳng có gì, ngoài một ít súng đạn lấy được của quân đội Nhật, chẳng đáng là bao.
Về vấn đề y tế thì trông mong vào ba bác sĩ Montagné, Rivoalen và Flottes là những bác sĩ dân sự ở Hànội từ lâu năm, làm giáo sư tại trường thuốc Hànội, đào tạo ra nhiều bác sĩ Việtnam.

Việc Hànội tạm yên, tướng Salan yêu cầu thượng tướng Lư Hán cho ông ta sang Tàu để gặp các binh sĩ Pháp đóng ở Vân Nam. Các binh sĩ này đã rút từ Bắc Kỳ sang Tàu hồi Nhật đảo chính ngày 9-3-45. do tướng Sabattier và tướng Alessandri chỉ huy,
Ngày 7-11-45, được phép của Lư Hán, máy bay chở Salan rời Hànội đáp xuống phi trường Mông Tự. Cùng đi với Salan  có thượng sĩ Vi văn Toàn làm thông ngôn. Vi vănToàn là người Thổ, con cháu của cựu Tổng đốc Vi văn Ðịnh.
Thăm trại Mông Tự xong, Salan đi xe hơi thăm trại Chao Pa và ngày hôm sau thăm trại Chí Bình. Rời Chí Bình, Salan đáp máy bay đi Côn Minh nơi bộ Chỉ huy của Pháp đóng. Salan tổ chức lại bộ Chỉ huy, cho hồi hương những sĩ quan bất lực hay bệnh hoạn, và ra lệnh trang bị khí giới quân trang mua tại chỗ, chuẩn bị cho số quân này, khoảng 5.000 người, sẵn sàng trở về Bắc Kỳ vào đầu năm sau.
Ngày 10-11-45, Salan được Thượng tướng Lư Hán, Tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam, tiếp kiến tại tư dinh. Lư Hán hứa giúp quân Pháp hiện đóng ở Hà Nội và hứa sẽ cho phép quân lính Pháp hiện ở bên Tàu, được rời khỏi Trung quốc về Bắc Việt khi nào nhận được lệnh của Trung ương.
Ngày 12-11-45, Salan đáp máy bay về Hànội và ngày 13-11- 45 tới Sàigòn. Salan tường trình với Leclerc kết quả công việc làm. Leclerc đưa Salan vào Cao ủy phủ gặp Cao uỷ d'Argenlieu để nhận chỉ thị mới. D'Argenlieu căn dặn Salan phải hết sức tránh những đụng chạm ở miền Bắc, vì Pháp không đủ sức để trở lại Bắc kỳ bằng võ lực, Salan phải cố giải quyết các vấn đề với số lượng quân kém cỏi hiện có.
Ngày 19-11-45, Salan trở lại Hànội cùng với bà vợ để làm yên lòng các kiều dân Pháp đang sống ở miền Bắc lúc bấy giờ.
Những cuộc điều đình với quân Tàu tiến triển khả quan. Một mặt Salan o bế Lư Hán và các tướng tá Tàu đóng ở Bắc Việt, một mặt chính phủ Pháp điều đình với chính phủ Trung ương Tưởng giới Thạch hứa hẹn những quyền lợi cho Tàu nếu Tàu rút quân để Pháp tiến vào Bắc Việt thay thế.
Ngày 14-12-45, tướng Lư Hán cùng với phụ tá là tướng Mã Anh thết tiệc Salan tại tư thất ở Hànội, nơi này trước là biệt thự của cựu Tổng đốc Hà Ðông Hoàng trọng Phu. Trong bữa tiệc hai bên tặng quà nhau, Lư Hán tặng Salan một thanh kiếm cổ, Salan đọc thơ Lý Thái Bạch cho Lư Hán nghe, ngoài mặt hai bên thật là tương đắc.

Pháp điều đình với Trung quốc
để mang quân vào Bắc Kỳ thay thế quân Tàu.
Ngày 22-12-45, Salan được lệnh của d'Argenlieu cử sang Trùng Khánh để điều đình với chính phủ Trung ương Trung quốc cho quân Pháp đến Bắc Việt thay thế quân đội Tàu. Theo sự vụ lệnh số 96 RMP/1 ngày 19-12-45, Salan được cử sang Trùng Khánh để cùng với Ðại sứ Pháp và Tùy viên quân sự Pháp ở đó, thương thuyết với chính phủ Trung Hoa về những mục tiêu tham mưu liên quan đến việc quân đội Trung Hoa rút khỏi Ðông Dương và quân đội Pháp tiến vào thay thế. Phụ tá tướng Salan là đại tá Crespin trong bộ Tham mưu của Leclerc, đại úy Cartier Bresson và đại úy Kohler.
Theo những văn thư giữa Pháp và Trung hoa trao đổi trước ngày 5-1-46, là ngày Salan đáp máy bay sang Côn Minh, thì tình trạng điều đình như sau :
1) Văn thư ngày 17-8-45 của Ngoại kiều phủ, Chính phủ Trung Hoa đồng ý cho quân đội Pháp trú ngụ tại Trung Hoa được trở về Ðông Dương.
2) Văn thư ngày 14-8-45 của Trung tướng Mỹ Wedemeyer, Tham mưu trưởng cạnh Thống chế Tưởng giới Thạch cho biết là quân đội Pháp đồn trú trên lãnh thổ Trung hoa được phép rút về Ðông Dương.
3) Văn thư của tướng Pechkoff, đại diện Tướng De Gaulle bên cạnh chính phủ Tưởng giới Thạch cho biết, trong buổi diện kiến với Thống chế Tưởng Giới Thạch, Thống chế cho biết sẽ rút hết quân đội Trung Hoa  khỏi Ðông Dương.
4) Văn thư ngày 4-1-46 yêu cầu quân đội Pháp trở lại xứ Lào để giữ trật tự thay thế cho Sư đoàn Bộ binh Trung Hoa rút khỏi Lào vào cuối tháng 1-1946.
 Ngày 5-1-46, tại phi trường Côn Minh, Salan đuợc đại sứ Pháp Meyrier, đại tá Crépin, đại tá Legrand và trung tá Quillichini đón tiếp. Salan đi thăm các binh sĩ đồn trú tại Mông Tự và Chao Pa, ra lệnh cho các sĩ quan chuẩn bị sẵn sàng để trở về Bắc Việt và giao nhiệm vụ cho hai Pháp kiều dân sự là Boulet và Bordier liên lạc với các dân tộc Thái để giúp đỡ và tiếp tế quân đội Pháp khi họ vượt biên giới Hoa Việt. Hai người Pháp dân sự này đã sống ở Bắc Việt lâu năm, biết rõ xứ Thái, nhất là Bordier lại là con rể của Ðèo văn Long là tù trưởng dân Thái ở Lai Châu. Salan dự tính cho binh sĩ từ Vân Nam trở về Bắc Việt bằng đường Phong Thổ, Lai Châu và Ðiện biên Phủ, nghĩa là qua địa phận dân Thái Trắng mà Tù trưởng Ðèo văn Long và em là Ðèo văn Muôn là những người thân Pháp. Phía nam địa phận này là địa phận dân tộc Thái Ðen, Tù trưởng Bạc cầm Quy cũng là người thân Pháp
Ngày 7-1-46, Salan đáp máy bay quân sự Mỹ đi Trùng Khánh. Tại đây, tướng Tăng Khải Minh, Giám đốc Cơ quan tình báo của Bộ Tư lệnh hành quân tiếp Salan tại trụ sở của Uỷ ban Quân sự Trung Hoa.
 Salan đưa ra những đề nghị sau đây :
 1) Sư đoàn 93 Bộ binh Trung Hoa có thể khởi sự rút tức khắc khỏi xứ Lào. Những sự hạn chế và những cấm đoán, những sự khiêu khích đối với quân đội Pháp đều phải chấm dứt. Phải trả lại khí giới tước đoạt của binh sĩ Pháp dưới quyền đại tá Infeld.
2) Quân đội Pháp tạm trú ở Trung hoa sẽ trở về Bắc Kỳ theo hành trình Mường La, Phong Thổ, Lai Châu. Chính phủ Trung ương chỉ thị cho các chức trách Vân Nam để quân đội Pháp đi đường không bị khó dễ.
3) Tại Hànội, trước sự khiêu khích gia tăng càng ngày càng nhiều của quân cộng sản Việt minh, 5.000 quân Pháp phải được trang bị võ khí. Nếu Trung Hoa đồng ý thì Pháp sẽ giữ kín việc võ trang này không cho Việt minh biết.
4) Quân đội Trung Hoa tạm giữ tù binh Nhật đến khi nào quân đội Pháp có thể thay thế.
5) Quân đội Pháp được sử dụng vĩnh viễn các phi trường ở miền bắc Ðông Dương không cần phải xin phép mỗi khi sử dụng. Pháp sẽ báo cho Trung hoa biết số hiệu của máy bay, tên tuổi phi hành đoàn, và tên tuổi hành khách đáp trên máy bay đó.
Tướng Tăng Khải Minh hứa sẽ chuyển lên cấp trên những lời đề nghị của tướng Salan và sẽ cho biết kết quả.
Salan nhờ tướng Carton de Wiart, đại diện Thủ tướng Anh Winston Churchill cạnh chính phủ trung ương Trung hoa, vận động với Tưởng giới Thạch chấp thuận cho những lời đề nghị trên.
Mặt khác, đại sứ Meyrier cũng vận động với anh vợ Tưởng giới Thạch là nhà tỷ phú họ Tống để nói dùm với Thống chế Tưởng giới Thạch.
Ngày 16-1-46, Salan được trả lời là quân đội Pháp được sử dụng không hạn chế trong thời gian một tháng những phi trường ở miền bắc Ðông Dương nhưng phải báo trước số hiệu các phi cơ sử dụng và danh sách phi hành đoàn cho nhà chức trách quân sự Trung Hoa.
Ðồng thời tướng Cung là người thay thế tướng Tăng cũng báo cho biết là quân Pháp tạm trú tại Trung Hoa được phép trở lại Lào qua ngả Mường La, Phong Thổ, Lai Châu nhưng không được dừng lại đóng quân ở những nơi đó, nghĩa là quân đội Pháp chỉ được đi qua địa phận Bắc Việt để tiến vào xứ Ai Lao thôi chứ không được đóng quân ở Bắc Việt.
Việc võ trang quân Pháp và kiều dân Pháp ở Hànội thì không được chấp thuận.
Việc quân đội Tàu rút khỏi Ðông Dương để cho quân đội Pháp vào thay thế thì đang được xét tới. Sự thực thì Tưởng giới Thạch đã quyết định rút quân rồi vì đang gặp khó khăn nội bộ. Sau khi quân Nhật thất trận, Tưởng giới Thạch cần rất nhiều quân để tái chiếm những vùng quân Nhật rút lui và cũng để chống lại quân cộng sản của Mao trạch Ðông đang nổi lên chiếm ảnh hưởng trong mười một tỉnh. Quân trung ương đã nhiều lần chạm súng với cộng quân và bị thất bại, buộc lòng Tưởng giới Thạch phải ký hiệp ước đình chiến ngày 10-1-46, hai bên quốc cộng ngồi vào bàn hội nghị để hiệp thương về chính trị và kinh tế và cũng là để có thời gian củng cố lực lượng.
Do đó sự rút quân ở Ðông Dương về là một điều cần thiết. Tưởng giới Thạch đã quyết định mang số quân chiếm đóng Ðông Dương về nội địa Trung quốc trước sự yêu cầu của Pháp, nhưng lại vấp phải sự phản đối của các tướng địa phương muốn kéo dài sự chiếm đóng để trục lợi. Các tướng này khi nghe tin Trung ương dự định rút quân khỏi Việt Nam, đã ngày ngày gây những sự rắc rối bất an, đụng chạm giữa Việt minh và Tàu, hoặc giữa Pháp và Tàu để lấy cớ giữ gìn an ninh trật tự, kéo dài việc chiếm đóng. Ngày 10 và ngày 11-12-45, hơn 70 vụ đụng chạm giữa quân Tàu và quân Pháp, làm nhiều người bị thương. Báo chí Tàu ở Hà nội xé to chuyện, những người Tàu bị bắt bớ và đánh đập ở Chợ Lớn (Sàigòn) đòi quân Tàu trả đũa quân Pháp. Các truyền đơn in bằng 3 thứ tiếng Việt Pháp Hoa được tung ra ở Hànội kêu gọi sự trả thù. Ngày 5-1- 46 một kiều dân Pháp bị đả thương nặng. Ngày 9-1-46, ông Baylin làm tại Ngân hàng Ðông Dương bị ám sát. Tại Hảiphòng, trại lính Pháp Henri Rivière bị quân đội Tàu đến chiếm đóng, đuổi lính Pháp ra khỏi trại.
Một đại tá thuộc bộ Tham mưu Trùng Khánh đã thốt ra câu sau đây trong một cuộc gặp gỡ với Salan  : "Thật là khó chịu cho chúng tôi phải trả lại Ðông Dương cho các ông. Ðã từ lâu, trong bao nhiêu thế hệ, chúng tôi đã coi Ðông Dương như một thuộc quốc của Tàu, giống như Mông Cổ, Tây Tạng vậy !"

Ngày 26-1-46, Salan nhận được điện văn của tướng Hồ quý Trường, Tư lệnh quân Vân Nam chuyển đến :
"Tôi trân trọng kính chuyển đến Trung tướng điện văn sau đây của Thống chế Tưởng giới Thạch :
Quân lực Pháp đóng ở Vân Nam được phép rời khỏi Trung Hoa để di chuyển sang xứ Ai Lao qua đường Mường La. Các cấp quân dân chính phải tỏ thái độ hữu nghị và phải giúp đỡ quân đội Pháp khi di chuyển trong địa phận Trung quốc. Ký tên : Thống chế Tưởng giới Thạch.
Tôi đã ra lệnh cho quân đoàn 5 không được cản trở việc chuyển quân của Trung Tướng, xin Trung tướng cho biết rõ ngày chuyển quân và quân số là bao nhiêu ? "

Nhận được điện văn này, Salan liền báo cáo cho Leclerc biết và trả lời cho tướng Lư Hán biết quân số và ngày rút quân.
 Ngày 22-1-46, một đoàn quân do Lepage chỉ huy bắt đầu chuyển quân.
Ðoàn quân này gồm 178 người Pháp, 969 người Ðông Dương, thuộc Trung đoàn 16 Bộ binh Thuộc địa.
Ðoàn thứ hai do Droniou chỉ huy thuộc Trung đoàn 9 Bộ binh Thuộc địa chuyển quân ngày 4-2-46, gồm 448 người Pháp, 398 người bản xứ.
Ngày 7-3-46, đoàn thứ 3 do Gaucher chỉ huy gồm 655 người Pháp, 328 người Ðông Dương.
Bộ chỉ huy của Quillichini gồm 227 người Pháp, 358 người Ðông Dương là đoàn quân rút lui sau cùng.
Salan ra lệnh kỹ càng cho các đoàn quân  phải hết sức tránh đụng độ với quân Tàu thuộc Sư đoàn bộ binh 93 rút ở Ai Lao về, nếu cần thì phải dùng tiền hay thuốc phiện của nhà đoan mà mua chuộc.
Thế là chấm dứt cuộc điều đình rút quân Pháp khỏi Trung quốc.
*Ðến ngày 28-2-46, Pháp và Trung quốc ký hiệp ước tại Trùng Khánh, Trung quốc công nhận chủ quyền Pháp tại Ðông Dương, đồng ý rút quân về nước để Pháp tới thay thế trong khoảng thời gian từ ngày mùng 1 đến ngày 15 tháng 3-1946, chậm lắm là đến cuối tháng 3-1946. Ngược lại Pháp trả lại Trung quốc những tô giới Thượng Hải, Thiên Tân, Hán Khẩu, Quảng Châu Văn mà Pháp đã chiếm của Trung quốc theo hiệp ước 1860. Pháp nhượng lại đường hoả xa Vân Nam nằm trong địa phận Trung quốc thuộc hệ thống đường hoả xa Hànội - Vân nam. Pháp thoả thuận cho Trung quốc được sử dụng hải cảng Hải Phòng để chuyên chở hàng hoá miễn quan thuế xuyên qua lãnh thổ Bắc Kỳ vào Vân Nam.
Thế là trong hai giai đoạn để tiến đến mục tiêu là mang quân Pháp trở lại Bắc Kỳ, Pháp đã đi được một bước đường dài. Phần còn lại là điều đình với Việt Minh để quân Pháp đổ bộ lên Bắc Việt thay thế quân Tàu mà không có sự kháng cự của quân cộng sản Việt minh.






_______________________________

Chú thích Bài số 3
[12] Katmandou, thuộc Népal, là một xứ nhỏ ở phía bắc Ấn Ðộ.
[13] Nước Pháp do Cédile đại diện.
[14] Tạm quyền vì Cao uỷ d'Argenlieu chưa tới Sàigòn.
[15] Dinh Norodom bấy giờ còn gọi là phủ soái

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét