45 - 54, CHÍN NĂM KHÓI LỬA
tôvũ
Bài số 4
Việc điều đình với Việt minh vấp phải nhiều khó khăn.
De Gaulle, d'Argenlieu và phần đông các
quan cai trị cũ vẫn muốn duy trì đế quốc với những quyền lợi đặc biệt, điều
đình với dân thuộc địa là một điều bất đắc dĩ mà họ cho là làm giảm uy tín của
đế quốc Pháp.
Theo
đà tiến triển của thế giới sau đệ nhị thế chiến 1939-1945 và nhất là trước sự
phản đối chính sách đế quốc thuộc địa do nước Mỹ xướng xuất, chính phủ và quốc
hội Pháp cũng cởi mở chút đỉnh gọi là "che mắt thế gian" (coi Tuyên
ngôn 24-3-45 của De Gaulle trong Chương 2), tưởng như vậy cũng là cho quá nhiều
làm gì mà dân thuộc địa chẳng hả hê chấp thuận. Hơn nữa, đoàn quân viễn
chinh rầm rộ kéo đến, với những binh hùng tướng mạnh, khí giới tối tân, thì mấy
lúc mà chẳng chiếm lại được Ðông Dương là miếng đất béo bở nhất của đế quốc.
Nhưng
những người được cử sang tại chỗ như Sainteny, Salan, Pignon và tướng Leclerc
thì họ đã nhận thấy ngay chính sách của De Gaulle là lạc hậu không phù hợp với
tình thế ở Ðông Dương nữa, nhất là không phù hợp với tình thế ở Bắc Việt. Những
điều mắt thấy tai nghe đã làm cho Sainteny cũng như Leclerc nhận thấy không thể
dùng võ lực để tái chiếm Việt Nam với số quân ít ỏi mà chính phủ Pháp gửi sang,
ít ỏi vì tình trạng kiệt quệ của Pháp sau chiến tranh không cho phép Pháp mang
quân sang nhiều hơn nữa.
Ngay hồi tháng 8 năm 1945, Sainteny ở
Việt Nam về Pháp, Sainteny đã trình bầy cho thống chế Juin biết là muốn dùng võ
lực tái chiếm Ðông Dương thì ít nhất phải có 300.000 quân mà lực lượng đoàn
quân viễn chinh thì chỉ có 50.000, việc dùng võ lực không thể thành công được,
chính phủ Pháp phải điều đình thì mới có thể trở lại Ðông Dương một cách êm
thắm.
Leclerc cũng đồng ý như vậy.
Chiến thuật của Leclerc là chiếm đóng
những vị trí chiến lược then chốt vững chắc ở Bắc Việt làm hậu thuẫn cho một
giải pháp chính trị, loại quân Tàu ra khỏi Ðông Dương rồi điều đình với một
chính phủ Việt Nam nào đó thực sự mạnh, thay mặt cho toàn dân để giải quyết
quyền lợi của cả đôi bên. Song song với cuộc điều đình với Tàu, Leclerc hoạch
định chương trình đổ bộ vào Bắc Việt qua ngả sông Cửa Cấm, Hải Phòng, vào những
ngày 4, 5 hoặc 6 tháng 3-1946 hoặc chậm lắm là những ngày 16, 17, 18, là những
ngày mực nước thuỷ triều lên đủ cao để cho tàu chiến có thể tiến vào cảng Hải
Phòng được.
Những bất đồng ý giữa d'Argenlieu và
Leclerc, Sainteny, làm chậm cuộc điều đình với Việt minh. Cho đến ngày
20-1-1946, chính phủ De Gaulle từ chức, Félix Gouin lên làm Thủ tướng và Moutet
làm Bộ trưởng Thuộc địa, tân chính phủ nghiêng về phía lập trường Leclerc, làm
cho giải pháp điều đình có điều kiện tiến hành dễ dàng hơn trước .
Ngày
13-2-46, d'Argenlieu về Pháp để tường trình công việc với chính phủ mới (thủ
tướng Gouin) và để binh vực chủ trương của mình. Leclerc được cử tạm quyền Cao
ủy.
Một mặt Leclerc thúc giục Salan điều đình gấp để Trung quốc
rút quân ở Bắc Việt về nước, một mặt Leclerc điện về Pháp khuyến cáo chính phủ
cho phép dùng danh từ "Ðộc lập" để hứa hẹn với Việt minh thay vì dùng
danh từ "Tự do" trong những cuộc điều đình để Việt minh chấp nhận
cuộc đổ bộ của Pháp vào Bắc Việt mà không kháng cự, tránh đổ máu.
Về phía Việt minh thì lập trường từ
trước vẫn là Ðộc lập và Thống nhất lãnh thổ trái với lập trường Tự trị và Trưng
cầu dân ý để thống nhất do Pháp đề ra.
Cuộc điều đình giữa Pháp và Việt minh cò
cưa chẳng đi đến một kết quả nào cho đến ngày 6-3-46 là ngày Leclerc quyết định
đổ bộ vào Hải Phòng.
Tin Pháp đổ bộ vào Hải Phòng làm Việt
minh bất ngờ. Ðể tránh sự đổ vỡ và để kéo dài cho có thời giờ tổ chức lực lượng,
buổi chiều ngày 6-3-46 Hồ chí Minh ký vội một Thoả ước Sơ bộ.
(Convention préliminaire).
Ðấy là những nét đại cương về lập trường
của hai bên Pháp và Việt minh trước ngày 6-3-46 và trước cuộc đàm phán sau này
giữa Pháp và Việt minh.
*
Diễn tiến cuộc đàm phán.
Trước hết, chúng ta hãy đi ngược dòng
thời gian để xét thực lực của Việt minh từ lúc về Hànội cướp chính quyền đến
lúc Leclerc đổ bộ lên Hải Phòng và diễn tiến các cuộc đàm phán Pháp -Việt minh
ra sao.
Khi Việt minh kéo về Hà nội, tháng 8 năm
1945, thì lực lượng võ trang của Việt minh gồm có :
1) vài chi đội quân Giải phóng (sau đổi
tên là Vệ quốc đoàn) của Chu văn Tấn,
2)
một lực lượng Tuyên truyền Võ trang Xung phong của Võ nguyên Giáp,
3) một số cán bộ, một số tự vệ, một số
du kích Ba Tơ.
Thực lực chỉ có vậy, nhưng sau ngày cướp
chính quyền, Việt minh tổ chức thanh niên thành các đội tự vệ, dân quân, du
kích, thêm vào đó có số lính Bảo an gia nhập. Các làng mạc, các khu phố đều tổ
chức lực lượng tự vệ.
Lực lượng này được Việt minh huấn luyện
quân sự. Một trường dạy tự vệ được mở ở Hànội đặt tên là trường Tự vệ Hồ chí
Minh, do Trường Chinh và Võ nguyên Giáp huấn luyện, thỉnh thoảng Hồ chí
Minh cũng có đến giảng. Các tự vệ học viên đều phải tự túc về khí giới, giáo
mác, gậy, mã tấu, lưỡi lê, v.v...Tự vệ Hànội mua được nhiều súng của lính Nhật
và lính Tàu bán lậu như tiểu liên Tôm-sơn, súng Pạc-hoọc, bom ba-càng, đại
liên, súng săn, lưỡi lê, dao găm v.v... Chỉ riêng tự vệ chiến đấu thì được Việt
minh cung cấp cho võ khí và phải tập trung sống trong những trại lính như lính
chính quy. Võ khí cung cấp, thí dụ như võ khí trang bị Vệ quốc đoàn, là những
võ khí táp nham, súng trường cả chục loại khác nhau, mút-cơ-tông,
anh-đô-si-noa, mát, súng săn, tờ-rông-blông bắn lựu đạn, mô-de, rơ-manh-tông, thất-cửu,
của các nước Pháp, Nhật, Anh, Mỹ, Nga, Tàu, Ðức và cả những súng hoả mai, súng
kíp, súng trường kiểu súng Phan đình Phùng chế tạo thủ công tại các lò rèn, mỗi
súng dùng một cỡ đạn khác nhau.
Tóm lại, thực lực Việt minh lúc bấy giờ
chỉ có một số quân Vệ quốc, một số du kích, một số tuyên truyền võ trang và các
lực lượng tự vệ, dân quân du kích do dân chúng tự ý tổ chức. Tuy vậy Việt minh
gây rầm rộ phong trào, khí thế dân chúng lên cao độ, tự vệ thao diễn, đắp ụ
canh phòng khắp nơi, các khu phố các cổng làng, các ngã ba đường, các đầu cầu,
không khí sẵn sàng chiến đấu sôi sục, làm bọn lính Tàu có cả trăm ngàn quân và
Pháp với 50 ngàn quân cũng phải e dè, không dám làm mạnh, phải tính cách điều
đình.
Ngay từ những ngày đầu tháng 9-1945, sau
khi đến Hànội được hai tuần lễ, Sainteny đã cử một sĩ quan phụ tá đến Bắc bộ
Phủ để liên lạc với chính phủ Việt minh.
Hoàng minh Giám được Hồ chí Minh cử ra
để tiếp. Vị sĩ quan Pháp yêu cầu Việt minh cử một đại diện đến gặp Sainteny.
Tại Tổng hành dinh quân đội Nhật Bản là
nơi tổ chức cuộc gặp gỡ, Hoàng minh Giám được Sainteny cho biết ý định muốn
trình bầy lập trường của chính phủ Pháp với chính phủ Việt minh. Hoàng minh
Giám đồng ý, hẹn ngày cho Sainteny đến Bắc bộ Phủ. Võ nguyên Giáp được Hồ chí
Minh và ban Thường vụ đảngViệt minh chỉ định tiếp Sainteny. Với một thái độ mềm
mỏng, Sainteny trình bầy với Giáp lập trường của chính phủ Pháp, nội dung là
những lời tuyên bố ngày 24-3-45 của tướng De Gaulle (Tự do trong Liên bang Ðông
Dương và trong Liên hiệp Pháp v.v...) đã nói trong một chương trước (Chương 2).
Ngày 26-9-45, người phụ tá của Sainteny
là Pignon, được Hồ chí Minh tiếp tại Bắc bộ Phủ. Pignon trình bầy lập
trường của chính phủ Pháp muốn có một cuộc điều đình với chính phủ Việt minh.
Pignon nhắc đến thông điệp viết bằng tiếng Anh gồm 5 điểm mà đảng Việt minh
(The Vietminh League) đã gửi cho Sainteny đầu tháng 7-1945, nhưng Hồ chí Minh
giả bộ ngạc nhiên nói là đã quên hết những việc trong thời kỳ ở chiến khu. Lẽ
tất nhiên những yêu sách của một đảng khi còn chiến đấu ở rừng núi thì không
thể so sánh với những yêu sách của đảng ấy khi đã về thủ đô nắm quyền hành.
Ngày 15-10-45, Hồ chí Minh tiếp
Sainteny. Hai bên trao đổi lập trường, Hồ chí Minh yêu cầu Pháp phải công nhận
nền độc lập của Việt Nam và công nhận chính phủ Việt minh trước khi có cuộc đàm
phán chính thức, ngược lại Sainteny yêu cầu Việt minh phải công nhận chủ quyền
của Pháp tại Việt Nam trước khi nói đến thể chế chính trị. Hai bên giằng co
nhau về danh từ "Ðộc lập" mà Việt minh thì muốn hiểu là "Ðộc lập
thực sự " (indépendance), còn Pháp thì muốn hiểu là "Tự do"
(liberté) trong Liên bang Ðông Dương và trong Liên hiệp Pháp.
Ngày 8-2-1946, theo lời yêu cầu của Salan, do Louis Caput chuyển, Hồ chí
Minh mời Salan đến Bắc bộ phủ để hội kiến.
Salan : Tôi có trách nhiệm về quân
sự ở Bắc Việt. Cảm ơn ông ngày 2-2-46 đã đến bệnh viện Lanessan thăm binh sĩ
của tôi bị thương nằm điều trị ở đó
HồchíMinh : Tôi là một người bạn trung thành của nước
Pháp. Nhân dịp Tết Nguyên Ðán tôi rất sung sướng được biểu lộ lòng thiện cảm
của tôi đối với quý quốc.
Salan : Sau khi trở lại Hànội, tôi
được biết trong những ngày lộn xộn 10 và 11-1-46, nhiều người An-Nam đã che chở
kiều dân Pháp khỏi sự cuồng nhiệt của dân chúng, thật là một dấu hiệu tốt đẹp.
Hcm : Trung tướng nói đúng. Phần lớn
người Ðông Dương không bài Pháp, chúng tôi rất tiếc những sự việc xảy ra tại
miền Nam và thái độ của người Pháp hàng ngày đã đào sâu hố chia rẽ giữa đôi
bên.
Salan : Cái hố chia rẽ này có thể
lấp bằng rất nhanh chóng. Ông Chủ Tịch có nghĩ nên để cho chúng tôi lập lại
trật tự và hoà bình ở đây không ? Chúng tôi có những phương tiện quá đầy
đủ. Tôi tin rằng dân chúng quý quốc sẽ cảm ơn Chủ Tịch nếu để cho binh sĩ chúng
tôi đổ bộ mà không gặp cản trở gì đáng tiếc. Ðó cũng là một hành động tự nhiên của
vị Chủ Tịch một chánh phủ, chứng tỏ cho thế giới biết là có thể kiểm soát binh
sĩ của mình và đồng thời cũng tỏ cho thế giới biết uy quyền của một vị Chủ
Tịch.
Hcm : Nếu tôi hành động như vậy thì tôi
phản lại nước tôi.
Salan : Lập lại thịnh vượng cho dân
trong sự tự do mà chắc chắn quý quốc sẽ được hưởng thì chẳng phải là một hành
động phản quốc.
Hcm : (...) Tôi được nghe nói tới nước
"Pháp mới" mong rằng nước Pháp mới đó tỏ cho biết những cái mới
lạ.
Salan : Ðúng vậy ! Nước Pháp
mới sẵn sàng tỏ rõ. Thực sự thì ông muốn gì ?
Hcm : (...) Chúng tôi muốn trao đổi
nhiều về kinh tế, muốn giao thiệp rộng về văn hoá, chúng tôi cần những chuyên
viên, những người Pháp điều khiển trong mọi ngành, nhưng chúng tôi muốn làm chủ
chúng tôi.
Hcm : Tuyên ngôn đó đã lạc hậu từ
lâu rồi.
Salan : Tôi vẫn nghĩ rằng ông không cản trở
việc chúng tôi trở lại đây, chúng ta có thể thoả thuận với nhau dễ dàng được.
Quân đội chúng tôi sắp đổ bộ, chúng tôi rất mạnh, sao ông không muốn hiểu. (Hồ
chí Minh tỏ vẻ rất xúc động khi nghe nói quân Pháp sắp đổ bộ).
Hcm : Nếu quân đội Pháp đổ bộ thì tôi
không ngăn cản được, nhưng máu sẽ đổ, thật là bi thảm, tôi không mong muốn như
thế, đàn bà con trẻ Pháp sẽ bị giết chết. Tôi không thể ngăn cản dân chúng
được, thật là đáng tiếc.
Salan : Trung Quốc có những ràng buộc với
chúng tôi và với thế giới do Hiệp ước Postdam. Trung Quốc phải tôn trọng Hiệp
ước đó.
Hcm :Tôi cũng nghĩ như vậy, nhưng tôi
vẫn giữ vững lập trường là ngay cả thế giới chống đối chúng tôi, chúng tôi cũng
không thể chấp nhận trở thành nô lệ được. Nước Pháp là một nước tự do, nước
"Pháp mới" hãy dành sự tự do đó cho chúng tôi. (...) [2]
Sau buổi hội kiến, ngày 10-2-46,
Salan vào Sàigòn báo cáo với Leclerc và d'Argenlieu.
Mặc dầu nghe trình bầy lời lẽ hơn
thiệt của Salan, d'Argenlieu vẫn cố chấp không hiểu cái nguy cơ Việt minh. Ðối
với quân đội Tàu thì d'Argenlieu đồng ý dùng chính sách ngoại giao, nhưng đối
với Việt minh thì d'Argenlieu cho rằng Việt minh phải chấp nhận việc Pháp trở
lại Bắc Kỳ mà không có sự mặc cả nào.
Ngày 15-2-46 d'Argenlieu về Pháp để
trình bầy tình hình với chính phủ mới, chính phủ Félix Faure, thay thế chính
phủ De Gaulle từ chức ngày 20-1-46. Tướng Leclerc được tạm giữ quyền Cao uỷ
Ðông Dương.
Leclerc gửi về Pháp choThống chế
Juin bức điện văn sau đây :
"Những tin tức mới nhận được từ
Hànội xác nhận người Việt Nam càng ngày càng sẵn sàng nhượng bộ nếu họ được
thoả mãn về danh từ "Ðộc lập", nếu không thì một cuộc kháng chiến
kiểu "kháng chiến Pháp" sẽ bùng nổ, có thể kéo dài nhiều năm, làm cản
trở mọi thực hiện chính trị, hành chính và làm giảm uy thế của quân đội Pháp
mới vừa tái lập. Tôi nhận thấy tình trạng hiện tại rất thuận tiện cho một lời
tuyên bố theo chiều hướng đó. Thật thế, nếu bốn tháng trước mà ta nhượng bộ về
danh từ đó thì có thể coi như ta đầu hàng vì bất lực, nhưng hiện nay ta đã tái
lập chủ quyền ở Căm Bốt, ở Nam Kỳ và ở một phần Trung Kỳ và xứ Lào, và chúng ta
sắp mạnh mẽ kéo đến cửa ngõ xứ Bắc Kỳ, chúng ta có thể đường hoàng nói chuyện
và nhượng bộ.
Với danh từ "Ðộc lập"
(indépendance) người An-Nam chấp nhận những gì mà ta đề nghị dưới danh từ
"tự trị" (autonomie). Sự độc lập đó sẽ được nhượng bộ dần dần trong
Liên hiệp Pháp, không những cho Bắc Kỳ, Trung Kỳ mà cho cả Nam Kỳ, Lào và
Căm-bốt. Nếu danh từ đó được nói ra thì tôi chắc là phần lớn vấn đề sẽ được
giải quyết, người An-Nam được hãnh diện mà danh nghĩa và ảnh hưởng của chúng ta
không hề bị giảm bớt. Trên bình diện quốc tế, với sự thực hiện nhanh chóng cuộc
bình định, chúng ta chứng tỏ cho thế giới biết sự tiến bộ của chúng ta trong
chính sách thuộc địa và tránh được việc đưa vấn đề Ðông Dương ra trước Liên
Hiệp Quốc. Trái lại nếu người An-Nam từ chối thì địa vị quốc tế của chúng ta
không thể bị chê trách được.
Tóm lại trước khi đổ bộ tôi cho rằng
chính lúc này, tôi nhấn mạnh : chính lúc này, là lúc thuận tiện nhất để
có một tuyên bố rõ rệt của chính phủ trong đó có danh từ " Ðộc lập ".
*
Ngày 16-2-46, Hồ chí Minh cho biết
sẵn sàng điều đình trên căn bản Việt Nam Ðộc lập, Thống nhất và gia nhập Liên
hiệp Pháp, không nói đến Liên bang Ðông Dương. Chính phủ Pháp trả lời sẵn sàng
công nhận Việt Nam Tự trị với điều kiện là Việt Nam tiếp đón trong tình hữu
nghị quân đội Pháp đổ bộ lên Bắc Việt thay thế quân đội Tàu, vấn đề Nam Kỳ sẽ
định đoạt bằng một cuộc trưng cầu dân ý. Chính phủ Pháp không dùng danh từ
"Ðộc lập" mà Leclerc đã đề nghị.
Ngày 20-2-46, Tổng trưởng Thuộc địa
Moutet công bố tại Paris nội dung Thoả hiệp sắp ký kết giữa Pháp và Trung Hoa,
nhấn mạnh việc quân Pháp thay thế quân Trung Hoa ở miền bắc Ðông Dương. Hãng
thông tấn Reuters khi loan báo tin này đã bình luận là nếu Việt minh không chịu
thoả thuận với Pháp thì Pháp bắt buộc phải dùng đến võ lực.
Tại Hànội, tin Pháp và Việt minh
điều đình với nhau được tung ra thì VN Quốc dân Ðảng và VN Cách mệnh Ðồng minh
Hội phản đối dữ dội. Những cuộc biểu tình hô hào đình công bãi thị nổi lên khắp
nơi. Tại các cửa ô vào thành phố, những người buôn bán mang hàng vào Hànội đều
bị chặn lại, xe buýt, xe ca, xe điện đều bị ngăn cản. Các đoàn biểu tình xuất
phát từ trụ sở Việt Quốc và Việt Cách ở đường Quan Thánh và Ngũ Xã với những
biểu ngữ và khẩu hiệu "Ðả đảo việt gian thân Pháp", "Ðả
đảo chính phủ Hồ chí Minh", "Thành lập chính phủ mới dưới
quyền lãnh đạo của cố vấn Vĩnh Thụy", rầm rộ kéo nhau đi trên
những đường phố đông đúc, qua Bờ hồ, toà Thị chính, Bắc bộ Phủ rồi kéo đến
trước cửa nhà của cố vấn Vĩnh Thụy ở phố Trần hưng Ðạo yêu cầu gặp cố vấn Vĩnh
Thụy để mời ông ra lập chính phủ mới, Vĩnh Thụy tránh không ra gặp.
Ngày 22-2-46, trong một cuộc phỏng
vấn của báo chí, Hồ chí Minh lên án chính phủ Trung Hoa về việc ký kết hiệp ước
với Pháp. Hồ chí Minh đọc bản hiệu triệu hô hào dân chúng "chuẩn
bị chiến đấu trường kỳ, toàn dân, toàn diện, chống mọi kẻ thù ở trước mặt, sau
lưng và cạnh nách.(...). Quân địch sắp tới đâu thì dân vùng đó triệt để làm
vườn không nhà trống, khiến quân địch không có thức ăn, không có chỗ ở, không
có đường đi mà phải tiêu hao mòn mỏi. Còn một tấc đất, còn một người dân thì
còn chiến đấu, lúc nào cũng sẵn sàng mà không bao giờ do dự hoang mang (...)
Ðể giải thích việc Việt minh điều
đình với Pháp, Tổng bộ Việt minh đăng trên báo Cứu quốc một bản thông cáo chính
thức : (Trích :Chúng ta có được hoàn toàn độc lập hay không là do sức chiến
đấu của chúng ta ở mặt trận (....) Lúc Pháp đang muốn điều đình là lúc chúng ta
phải chiến đấu kịch liệt, càng phải chuẩn bị chiến đấu cho đầy đủ để đòi hoàn
toàn độc lập (...); chúng ta không từ chối một cuộc điều đình, nhưng chúng ta
quyết không nên để cho cuộc điều đình trở thành một kế hoãn binh có lợi cho
quân địch. Chúng ta quyết không để cho cuộc điều đình trở thành một bài hát ru
ngủ chí phấn đấu của dân tộc (...) Vận mệnh của dân tộc bao giờ cũng do sức
chiến đấu của ta định đoạt (...)
Cơ quan tuyên truyền, các tự vệ và
các thanh niên dùng loa đi đến các khu phố phổ biến và giải thích thông cáo đó.
Ðồng thời Uỷ ban Hành chính Hà Nội ra lệnh cho ngườì già và con trẻ tản cư ra
khỏi thành phố, các binh sĩ vệ quốc, tự vệ chiến đấu cũng được lệnh chuẩn bị
sẵn sàng.
Trong khi đó, tại Sàigòn, tướng
Leclerc quyết định chọn ngày 6-3-46 là ngày đổ bộ lên Bắc Kỳ. Leclerc ra
lệnh sửa soạn tàu bè cùng quân lính để chuyển quân ra Hải Phòng. Leclerc điện
về Pháp cho Thống chế Juin báo cáo quyết định đổ bộ, yêu cầu Juin can thiệp với
chính phủ xúc tiến gấp việc ký kết với Trùng Khánh cùng là ngoại giao với chính
phủ Trung Hoa để Trung Hoa chấp nhận ngày đổ bộ.
Leclerc báo cho Salan biết chương
trình đổ bộ như sau :
(...) Nếu thoả hiệp Trùng Khánh được
ký kết chiều ngày 27 hay chậm lắm sáng ngày 28-2-46 thì cuộc đổ bộ lên Hải
Phòng sẽ tiến hành ngày 6-3-46 để kịp con nước thủy triều. Nếu quá ngày đó thì
trễ lắm là ngày 10-3 phải ký kết để kịp con nước thủy triều sau (tức là ngày
15, 16, 17 tháng 3). Cuộc đổ bộ sẽ không ồ ạt, mà tiến hành dần dần, chậm chạp,
bằng sà-lan. Ngày 10 hay ngày 11-3 là ngày chót.
Ngoại trừ việc tôi bị Paris cấm đoán, nếu không
thì tôi sẽ tiến hành.
Ðiều đáng chú trọng là nếu đô đốc d'Argenlieu
ở Pháp sang ngay bây giờ thì ông ta sẽ ngăn cản tôi. Vậy trong khi ông ta
vắng mặt, tôi sẽ hành động và lãnh trách nhiệm một mình (...)
Nhận được tin này Salan thúc giục
Sainteny phải tiến hành gấp để đi đến thoả thuận với Hồ chí Minh vì ngày đổ bộ
đã định, thời gian trở nên cấp bách. Căn bản thoả thuận là quân Việt minh ở yên
trong trại, không nổ súng khi quân Pháp tới.
Ngày 25-2-46, Sainteny và Louis
Caput gặp Hồ chí Minh. Hai bên bàn cãi từng điểm một. Hồ chí Minh đồng ý nhiều
điểm và nhấn mạnh đến việc đại diện ngoại giao của Việt Nam ở ngoại quốc.
Ngày 26-2-46, Việt minh phổ biến một
thông cáo :
"Chủ tịch Hồ chí Minh đã hội
đàm với ông Sainteny, đại diện Pháp quốc về việc mở những cuộc đàm phán chính
thức giữa Việt Nam và Pháp. Lập trường chính trị củaViệt Nam là Ðộc Lập và Hợp
tác với Pháp. Lập trường của Pháp là công nhận quyền Việt Nam có một chính phủ,
một quân đội và một nền tài chính riêng biệt, trong Liên hiệp Pháp (...)
Ngày 27-2-46, Sainteny gặp lại Hồ
chí Minh. Lần này Hồ chí Minh thay đổi thái độ, tỏ vẻ yêu sách nhiều hơn lần trước.
Hồ chí Minh biết là quân Pháp sắp đổ bộ đến nơi lên Bắc Việt, nên muốn kéo dài
thời gian, Hồ chí Minh bác bỏ việc trưng cầu dân ý ở Nam Bộ lấy cớ rằng Nam Bộ
là lãnh thổ của Việt Nam, không phải bàn cãi gì về Nam Bộ, Hồ chí Minh bác bỏ
việc quân Pháp trở lại Hànội.
Ngày 27-2-46, Bộ Quốc phòng và Bộ
Ngoại giao Pháp đồng ý hoàn toàn về các điều khoản trong thoả hiệp Pháp Hoa.
Chính phủ Pháp ủy nhiệm Ðại sứ Jacques Meyrier ký kết thoả hiệp đó, và đến ngày
28-2-46 thì thoả hiệp được hai bên ký kết với những điều khoản là Trung Hoa
nhìn nhận chủ quyền Pháp ở Ðông Dương, đồng ý để quân đội Pháp đến thay thế
quân đội Trung Hoa ở phía bắc vĩ tuyến 16 trong thời gian từ ngày mùng 1 đến
ngày 15 tháng 3-46, trễ lắm là đến ngày 31-3-46. Ngược lại, Pháp trả Trung Hoa
những tô giới và nhượng những quyền lợi kinh tế tại Bắc Việt.
Tin Thoả hiệp Pháp - Hoa ký
kết được loan ra, tất cả các báo ở Hànội đều nhất loạt phản đối. Tờ Cứu quốc
(cơ quan của đảng cộng sản VN) bình luận về những quyền lợi kinh tế mà Pháp
dành cho Trung hoa như sau : (...) chỉ có chính phủ Việt Nam mới đủ tư
cách để định đoạt những quyền lợi này. (...)Từ chỗ ký hiệp ước đó đến chỗ thi
hành hiệp ước, còn có dân tộc Việt Nam đang chiến đấu (...) Không ai có quyền
mặc cả nền độc lập của Việt Nam (...)
Không khí Hà Nội sôi sục. Các lực
lượng quân sự gần những chỗ đóng quân của Tàu và những nơi mà quân Pháp có thể
tiến đến, đều được lệnh chuẩn bị chiến đấu. Cảnh sát được tăng cường ở các cửa
ô vào Hànội. Tự vệ đục lỗ để đặt mìn vào các thân cây lớn và sửa soạn
đánh đổ các cột đèn bê-tông, lật đổ các toa xe điện để làm chướng ngại vật cản
đường. Cầu Doumer, (về sau được gọi là cầu Long Biên), cũng bị gài mìn sẵn sàng
phá huỷ. Buổi tối ngày 27-2-46, súng nổ khắp nơi trong thành phố, nhất là tại
khu Cửa Nam, nhưng không có cuộc đụng chạm nào với Pháp hay với Tàu.
Sau khi thoả hiệp Pháp - Hoa được ký
kết, Salan báo cho Lư Hán biết quân Pháp sẽ đổ bộ vào những ngày đầu tháng
3-1946, Lư Hán trả lời phải chờ lệnh của chính phủ Trung ương.
Salan điện cho Leclerc yêu cầu căn
dặn lính đổ bộ vào Bắc Việt cần thiết phải tôn trọng những điều sau đây :
(...) phải hết sức tránh những sự
đụng chạm với Trung Hoa và với An-Nam. Không được làm mất mặt quân Trung Hoa
bằng những thái độ khinh bỉ quân lính của họ. Phải tôn trọng cờ Trung hoa và cờ
Việt minh, và ngay cả những lá cờ thờ Thần linh của dân chúng. Các vị chỉ huy
đơn vị phải nghe những lời khuyến cáo của các sĩ quan liên lạc khuyến cáo về
những thái độ đối với Việt minh và đối với dân chúng. Về phía Việt minh, nếu họ
ký kết thì quân lính của họ sẽ ở trong trại. Tại Hải phòng, thiếu tá Aubinière
sẽ túc trực để tiếp đón quân đổ bộ, trung uý hải quân Legendre điều khiển phòng
liên lạc Pháp Việt Hoa gồm có nhiều sĩ quan liên lạc và nhiều thông dịch viên
(...)
Ngày 1-3-1946 Salan gửi đến Hồ chí
Minh những đề nghị sau đây về quân sự :
(...) Lực lượng quân sự Pháp trở lại
bắc Ðông Dương gồm các phần tử trẻ tuổi thuộc mọi thành phần giai cấp Pháp, do
những sĩ quan và hạ sĩ quan có một tinh thần thượng võ chỉ huy. Họ đã dự phần
vào việc giải phóng đất Pháp và việc tiêu diệt quân đội Ðức quốc xã.
Họ trở lại đây với tâm trạng là sẽ
tìm thấy những người bạn trong các dân tộc Ðông Dương.
Lực lượng quân sự Pháp được tổ chức
và trang bị theo lối Mỹ, tổng số khoảng 25.000 người.
Nhiệm vụ của họ là trình bầy bộ mặt
thật của nước Pháp mới tại miền bắc Ðông Dương. Ngoài ra, do những hiệp ước
quốc tế, họ có trách nhiệm canh giữ những lính Nhật, duy trì sự tự do vận
chuyển và thông tin, canh giữ các hải phận quân cảng.
Hơn nữa họ sẽ góp phần vào
việc thành lập quân đội Việt Nam.
Chương trình đóng quân của họ chưa
thể xác định rõ rệt được vì còn tuỳ thuộc vào thời gian rút quân của quân đội
Trung Hoa.
Tuy nhiên các trại quân đã được dự
định ở những nơi sau đây : Hànội, Hải Phòng, Hòn Gay, Nam Ðịnh, Thanh Hoá,
Vinh, Huế, Tourane, Móng Cáy, Lạng Sơn , Cao Bằng, Hà Giang, Lào Kay, Lai Châu
Tại Hànội thì đóng quân tại một vài
công ốc.
Binh sĩ hiện đóng trong thành Hànội
sẽ được điều động tùy theo nhu cầu. Họ đã mãn hạn và đã ở quá thời gian bắt buộc,
họ sẽ được ưu tiên chuyển về Pháp, dần dần theo khả năng chuyên chở của chúng
tôi.
Một cơ quan liên lạc và kiểm soát sẽ
được thành lập.
Ký tên : Salan
Ngày 3-3-1946, Salan cho sĩ quan
liên lạc với bộ chỉ huy Lư Hán. Lư Hán nói chưa nhận được lệnh của Trung ương
đồng ý cho lính Pháp đổ bộ.
Ðột nhiên ngày 3-3-46, bộ Tổng Tham
mưu Trung Hoa trở giọng. Ðại tá Crépin đại diện của Leclerc ở Trùng Khánh được
thông báo là cuộc đổ bộ của Pháp lên Hải Phòng chỉ có thể thực hiện được nếu có
phép của tướng Mac Arthur hoặc phải có thoả thuận của Bộ Chỉ huy Tham mưu hỗn
hợp Ðồng minh mới được đổ bộ.
Salan một mặt điện cho Crépin
phải dàn xếp với Tàu, một mặt ra lệnh cho Trung úy Legendre ở Hải Phòng báo cho
bộ Tham mưu quân Tàu đóng ở Hải Phòng biết là quân đội Pháp thi hành Hiệp ước
Pháp Hoa sắp sửa đổ bộ.
Ngày 4-3-46, Crépin điện cho Salan
biết là đã dàn xếp xong với Tàu, Salan cứ việc tiến hành cuộc đổ bộ.
Cũng sáng ngày hôm đó, văn phòng
tướng Lư Hán lại trả lời là chưa nhận được chỉ thị của Trung ương, Salan tức
giận tới gặp tướng Mã Anh để nói cho Mã Anh biết rằng mặc dầu Lư Hán chưa nhận
được lệnh, ngày 6-3-46 quân đội Pháp cũng vẫn đổ bộ vì hai chính phủ Pháp, Hoa
đã thoả thuận như vậy. Mã Anh vẫn từ chối, nói là chưa nhận được chỉ thị của
Trung ương. Ðến 11 giờ sáng thì Mã Anh đổi giọng, nói với Salan là lệnh của
Trung ương đã tới, thoả thuận cho quân Pháp đổ bộ vào ngày giờ đã định, mời
Salan tới họp tại dinh Puginier, tức dinh Toàn quyền cũ, vào hồi 10 giờ tối hôm
đó để định các thể thức vể cuộc đổ bộ.
6 giờ 30 chiều, Salan cùng với
Sainteny, Pignon, Caput đến gặp Hồ chí Minh. Cuộc hội họp kéo dài gần 4 tiếng
đồng hồ, Hồ chí Minh vẫn giữ vững lập trường : "Quý vị yêu cầu tôi
cho phép quân đội của quý vị đổ bộ lên Bắc Việt, nếu tôi chấp nhận thì tôi phản
lại nước tôi. Tôi không thể chấp nhận việc binh lính Pháp ở đây vĩnh viễn được,
quý vị phải định rõ rệt một thời gian."
Từ giã Hồ chí Minh, Salan và
Sainteny cùng các phụ tá là Trung tá Lecomte, trung tá Repiton Pré-neuf, trung
tá Le Porz và một vài sĩ quan khác dưới quyền Salan, cùng với một cha công giáo
mặc binh phục làm thông ngôn đến dinh Puginier họp với tướng Mã Anh, đại diện
tướng Lư Hán. Ngoài Mã Anh có hiện diện chín tướng Tàu khác.
Mã Anh khai mạc buổi họp tóm tắt
những điều khoản trong Hiệp ước Pháp Hoa liên can đến vấn đề thay thế quân, và
kết luận là Pháp phải bảo đảm an ninh cho kiều dân Trung hoa, gồm 500 ngàn
người ở rải rác khắp nơi trên địa phận bắc Ðông Dương, trong những thị trấn
cũng như trong các làng mạc. Các vị Chỉ huy Pháp phải cam kết với nhà chức
trách Trung Hoa là sẽ bảo đảm an ninh cho những người đó.
Salan hứa sẽ chỉ thị cho lính Pháp
che chở sinh mạng và của cải của kiều dân Trung Hoa và Salan ký nhận hết trách
nhiệm nếu có sự gì đáng tiếc xảy ra trong lúc Pháp đổ bộ ngày 6-3-46, các tướng
Tàu bấy giờ mới an lòng.
Cuộc họp kéo dài suốt đêm, đến 5 giờ
sáng ngày 5-3-46 mới chấm dứt.
Một Uỷ ban gồm trung tá Lecomte và Tham mưu trưởng Quân đoàn 53 của Tàu
được cử xuống Hải Phòng ngay trong ngày để giải quyết tại chỗ những thể thức
cho cuộc đổ bộ ngày hôm sau. 11 giờ họ ra phi trường Gia Lâm để đáp máy bay đi
Hải Phòng thì lúc 1 giờ trưa Lecomte bối rối và hối hả về gặp Salan và báo cáo
rằng : "Khi máy bay sắp cất cánh thì quân lính Trung Hoa ngăn lại,
bắt Lecomte và vị sĩ quan Trung Hoa xuống, đưa cho xem một công điện của Tổng
Chỉ huy Quân đoàn 53 tại Trùng Khánh ra lệnh cho ông ta không được thi
hành".
Salan báo cáo cho Leclerc biết sự
việc. Leclerc lúc bấy giờ đang ở trên chiến hạm Emile Bertin trên đường đi tới
Hải Phòng cùng với các chiến hạm khác chở quân đổ bộ.
Sau đó Salan gặp tướng Mã Anh và
tướng Chu Phúc Thành, Salan trách quân Trung hoa lộn xộn và cho họ biết nhất
định không thể hoãn cuộc đổ bộ đã định vào sáng ngày hôm sau được. Salan thoả
thuận với hai tướng Mã và Chu về thể thức đổ bộ như sau :
Sáng ngày 6-3-46, đoàn chiến hạm sẽ
ngược sông Cửa Cấm đến đậu gần bến Sáu Kho, quân lính Pháp ở trên tàu không đổ
bộ xuống đất. Quân lính Trung Hoa không được bắn vào quân Pháp. Tướng Mã và
tướng Chu sẽ ra lệnh cho các nhà trách nhiệm quân sự Tàu ở Hải Phòng biết
chương trình như vậy để họ thi hành.
Cũng trong ngày 5-3-46, Uỷ ban Kháng
chiến toàn quốc của Việt minh thành lập gồm có đại biểu các đảng phái mà chủ
tịch là Võ nguyên Giáp kêu gọi toàn quốc kháng chiến :
"Ðồng bào hãy đứng lên chống
giặc !
" Giờ nghiêm trọng của Tổ quốc
đã điểm !
" Uỷ ban toàn quốc Kháng chiến
gồm đủ đại biểu các đảng phái, có trách nhiệm thống nhất quân đội, điều khiển
quân dân xông ra giết giặc chống giữ bờ cõi cho Tổ quốc.
" Ðồng bào hãy nhiệt liệt ủng
hộ Uỷ ban, hãy sẵn sàng nghe theo mệnh lệnh của Uỷ ban để đem thắng lợi cho
quân dân giành thắng lợi choTổ quốc. (...)
Buổi tối hôm đó tướng Chu và tướng
Mã đến gặp Hồ chí Minh.
Hai vị tướng Tàu báo tin cho Hồ chí
Minh biết hạm đội Pháp đã vào tới vịnh Bắc Kỳ, họ khuyên Hồ chí Minh không nên
quá găng để chiến tranh xảy ra, nên ký thoả thuận với Pháp để quân Pháp vào
thay thế quân Trung Hoa.
Trong buổi hội kiến này Hồ chí Minh
bút đàm với tướng Chu.
Bút tích bản bút đàm đó, những câu
hỏi và trả lời của Hồ chí Minh được dịch ra chữ Pháp. Sau buổi hội kiến, tướng
Chu chuyển đến cho Salan bản dịch đó, nội dung như sau :
" HôchiMinh (...)
Tôi sợ quân Pháp đánh lừa vì họ không chịu nhượng bộ gì cả (...)
"Hcm: (...) Nếu tôi
thoả thuận thì phải có sự hiện diện của những nhà chức trách Ðồng minh (...)
"Hcm: (...) Tôi cho
rằng về phía Trung Hoa cũng có sự dọa dẫm (...)
"Hcm: (...)Tôi bằng
lòng đàm phán lại với các đại diện Pháp trưa mai tại Bắc bộ Phủ.
Ðây là những đề nghị của tôi :
Hcm : (Tôi) Sẽ thoả hiệp trên ba điểm
chính sau đây, tôi biết rằng tôi sẽ thất bại trước sự đổ bộ của Pháp, nhưng tôi
vẫn tiếp tục chiến đấu. Ngay cả trong lúc điều đình tôi cũng vẫn sửa soạn.
Hcm : 1) Tôi đòi chính phủ Pháp phải
công nhận Chính phủ Việt Nam là chính phủ của một nước tự do, một nước có chính
phủ, có quốc hội, có nền tài chính và có quân đội riêng biệt. Tất cả trong Liên
bang Ðông Dương.
2) Chính phủ Pháp sẽ yêu cầu chính
phủ Việt nam chấp nhận một đạo quân Pháp gồm 15.000 người Pháp và 10.000 người
Việt do chính phủ Việt Nam chọn. Tổng số là 25.000 người.
3) Quy chế Nam Kỳ sẽ định đoạt bằng
một cuộc bò phiếu của các người quốc gia Việt Nam
4) Người Pháp phải yêu cầu một cuộc
đình chiến tạm thời giữa Pháp và Việt Nam.
5) Những vấn đề khác sẽ được bàn cãi
và giải quyết trong những cuộc hội kiến chính thức."
Salan và Sainteny chấp nhận tất cả
những đề nghị của Hồ chí Minh và tức khắc viết một lá thư cho Lư Hán, do một sĩ
quan mang tay trao cho tướng Mã Anh :
"Tôi hân hạnh báo tin Ðại tướng
biết ông Sainteny và tôi đã đồng ý chấp thuận những đề nghị của ông Hồ chí Minh
do tướng Chu chuyển tới hồi 21 giờ 30 ngày 05-03-1946.
Một bản văn chính thức có ghi những
đề nghị đó sẽ được chuyển đến ông Hồ chí Minh vào hồi 7 giờ sáng ngày
06-03-1946.
Sau khi ông Hồ chí Minh thảo luận
với các cộng sự viên cố vấn của ông, ông sẽ chính thức trả lời chấp thuận cho
ông Sainteny lúc 11 giờ cùng ngày. Chỉ từ lúc đó quân đội Pháp mới bắt đầu đổ
bộ xuống Hải Phòng và quân lính Pháp chỉ rời khỏi khu vực "đầu cầu"
sau khi có thỏa thuận với người An-Nam về những chi tiết di chuyển.
Tuy nhiên, để bộ Chỉ huy Trung hoa có thì giờ truyền lệnh, quân đội Pháp
chỉ bắt đầu đổ bộ vào sáng ngày mùng bẩy (07-03-1946)Ề.
Nửa đêm hôm đó Salan chuyển đến
Leclerc trên tàu Emile Bertin bức điện văn của đại tá Crépin ở Trùng Khánh đánh
sang lúc 10 giờ đêm : "Tình hình ở Trùng Khánh rất là lộn sộn. Nha
Âu Châu sự vụ sáng nay nói với vị cố vấn toà đại sứ của chúng ta rằng những
cuộc hội đàm tham mưu chỉ được nối lại với điều kiện ngày đổ bộ của
Pháp phải được bàn định lại. Có lẽ họ bắt ta phải đổ bộ ở Trung Kỳ chứ không
được ở Bắc Kỳ. Ðồng thời Thứ trường Ngoại giao tuyên bố việc trở lại Bắc Kỳ của
chúng ta tùy thuộc sự chấp thuận của Mac Arthur và rất là dè dặt về vấn đề ngày
tháng."
*
Ðêm mùng 5 tháng 3-1946, hạm đội
Pháp tới hải phận Hải Phòng.
Sáng sớm ngày 6-3-46, quân lính
xuống những tàu nhỏ phẳng đáy, là những tàu của Mỹ dùng để đổ bộ gọi tên tắt là
LCI (Landing craft, infantry), LCA (Landing craft assault). để vào sông Cửa
Cấm, vì lòng sông Cửa Cấm có nhiều phù sa nên tàu lớn, chiến hạm không vào
được.
8 giờ 30 sáng, khi đoàn tàu LCI, LCA
tiến vào gần bến thì súng liên thanh và đại bác từ hai bên bờ do quân Tàu bắn
ra liên hồi. Lính Pháp bị bất ngờ chết và bị thương nhiều. 20 phút sau, tướng
Valluy ra lệnh phản pháo, chiến hạm Triomphant bắn đại bác trở lại. Lính Tàu bị
thương và chết nhiều, kho đạn của Tàu bị trúng đạn cháy lớn đạn nổ lung tung.
Tới 10 giờ sáng, hai bên ngưng bắn. Phía Pháp bị chết 32, bị thương 40.
Tại Hànội, lính Tàu được lệnh báo
động, sửa soạn phòng thủ. Những ổ tác chiến được dựng lên, dây kẽm gai kéo ra
cản đường, xe cộ lưu thông bị khám xét.
Salan gặp các tướng Tàu để dàn xếp,
hai bên đổ lỗi cho nhau đã gây sự trước. Cuối cùng tin ở Hải Phòng lên cho
biết, tướng Hoàng, Chỉ huy Sư đoàn 130 đóng ở Hải Phòng, là tướng thuộc Quân
đoàn 53 Mãn Châu, không chịu nhận lệnh của các tướng Vân Nam, (tướng Mã và
tướng Chu), nên đã ra lệnh nổ súng. Sau cùng tướng Hoàng nhận được lệnh của các
cấp trên trực thuộc và, đến hai ngày sau, quân Pháp đuợc yên ổn đổ bộ. Cuộc đổ
bộ chấm dứt hồi 17 giờ ngày 8-3-46, không có sự gì đáng tiếc xảy ra.
*Sáng
ngày 6-3-46, Sainteny đến Bắc bộ Phủ để gặp Hồ chí Minh. Hai bên đồng ý về danh
từ "quốc gia tự do" mà Hồ chí Minh đề nghị, cùng là những điều khoản
khác trong Thoả ước sẽ được ký trong ngày.
4
giờ chiều. Tại căn nhà số 38 đường Lý Thái Tổ, Hànội, Thoả ước Sơ Bộ
(Convention Préliminaire) được ký kết với sự chứng kiến của Tổng Lãnh sự Anh,
Trévor Wilson, tướng Chu phúc Thành, đại uý Farris đại diện phái bộ Mỹ. Phía
Pháp có Salan, Pignon và Sainteny, phía Việt Nam có Hồ chí Minh, Vũ hồng Khanh,
Hoàng minh Giám và Nguyễn tường Tam.
Trong một căn phòng đơn giản không
treo cờ, những bản Thoả Ước đặt sẵn trên một cái bàn lớn ở giữa phòng.
Hoàng minh Giám đọc bản Thoả Ước
bằng tiếng Pháp và tiếng Việt. Hồ chí Minh và Vũ hồng Khanh đại diện Việt Nam,
Sainteny đại diện Pháp ký vào bản Thoả Ước (Convention préliminaire) và bản Phụ
ước (Accord annexe).
Lể ký kết chấm dứt hồi 5 giờ chiều.
Hai bên ra cửa đứng chụp hình kỷ niệm, rồi trở lại căn phòng uống sâm-banh,
rượu mừng. Hồ chí Minh nâng ly rượu nói mấy câu mừng cho sự thành công và kết
luận :
" Chúng tôi chưa được thoả mãn
vì chưa được hoàn toàn độc lập, nhưng rồi chúng tôi cũng sẽ giành được. Tôi hiểu
rằng không có thể được tất cả trong một ngày".
Sainteny mừng cho đôi bên Việt Pháp
đã tránh được một cuộc chiến tranh.
Sau đây là những điều khoản trong bản Thoả
uớc Sơ bộ ngày 6-3-46 :
Thoả uớc sơ bộ ngày 6-3-46 :
1) Chính phủ Pháp công nhận Cộng hoà Việt
Nam là một quốc gia tự do, có chính phủ, quốc hội, quân đội và tài chính riêng,
dự vào Liên bang Ðông Dương và Liên hiệp Pháp. Về vấn đề hợp nhất ba kỳ, chính
phủ Pháp cam kết công nhận những quyết định của dân chúng sau một cuộc trưng
cầu dân ý.
2) Chính phủ Việt Nam sẵn sàng đón tiếp
thân hữu quân đội Pháp thi hành những Thoả hiệp quốc tế đến thay thế quân đội
Trung Hoa. Một phụ ước đính theo Thoả ước Sơ bộ này định rõ những thể thức về
việc thay thế.
3) Những điều khoản trên có hiệu lực tức
khắc.
Sau khi ký kết, hai bên phải lập tức
đình chỉ những cuộc xung đột, quân hai bên ở đâu vẫn cứ đóng ở đó và phải gây
ra một không khí hoà hảo để mở cuộc thương thuyết chính thức theo tình thân
thiện và chân thật về những vấn đề sau đây :
a) Ngoại giao của Việt Nam với các nước ngoài.
b) Quy chế tương lai của Ðông Dương.
c) Quyền lợi kinh tế và văn hoá của Pháp ở
Việt Nam.
Hànội, Sàigòn hay Ba Lê có thể được chọn
làm nơi đàm phán.
Phụ ước Thoả hiệp Sơ bộ 6-3-46
(Accord annexe)
1) Quân đội thay thế gồm có :
1a) 10.000 lính Việt nam với sĩ quan
Việt nam nhận mệnh lệnh của nhà chức trách quân sự Việt nam
1b) 15.000 lính Pháp gồm có lính
Pháp hiện đóng tại phía bắc vĩ tuyến 16 Việt nam. Số lính này phải là lính Pháp
ở chính quốc sang, ngoại trừ số lính có nhiệm vụ canh gác tù binh Nhật.
Toàn thể số quân lính đó sẽ đặt dưới
quyền chỉ huy tối cao của Pháp, có các đại diện Việt Nam tham dự. Sự di chuyển,
đồn trú và sử dụng số quân đó sẽ được định rõ trong một Hội nghị Tham mưu hỗn
hợp Việt Pháp họp ngay sau khi quân Pháp đổ bộ.
Những Uỷ ban hỗn hợp được cử ra trên
mọi cấp bực để gây tinh thần hợp tác thân hữu và làm nhiệm vụ liên lạc giữa
quân Pháp và quân VN.
2) Quân đội thay thế chia ra làm ba loại :
2a) Những đơn vị có nhiệm vụ canh
gác tù binh Nhật bổn.
Những đơn vị này sẽ được rút về ngay
sau khi hết nhiệm vụ nghĩa là khi tù binh đã hồi hương hết, thời hạn tối đa là
mười tháng.
2b) Những đơn vị có đồng nhiệm vụ
với quân đội Việt Nam giữ gìn trật tự công cộng và an ninh của lãnh thổ VN.
Những đơn vị này hàng năm sẽ triệt hồi một phần năm và được thay thế bằng quân
đội Việt Nam, trong 5 năm sẽ thay thế hết.
2c) Những đơn vị có
nhiệm vụ bảo vệ những cơ sở hải và không quân. Thời hạn sẽ chỉ định trong các
cuộc hội đàm sau.
3) Những nơi có cả quân Pháp và quân Việt cùng
đóng quân thì ranh giới đồn trại sẽ được chỉ định rõ rệt.
Chính phủ Pháp cam kết không được
dùng tù binh Nhật Bản trong những mục đích quân sự.
*
Nguyên văn bản chữ Pháp
Thoả ước sơ bộ 6-3-1946
CONVENTION PRÉLIMINAIRE
Entre les Hautes parties ci-après désignées :
-
le Gouvernement de la République Française, représenté par M. Sainteny, Délégué
du Haut Commissaire de France, réguliè-rement mandaté par le Vice-Amiral
d’Escadre Georges Thierry d'Argenlieu, Haut Commissaire de France, Dépositaire
des Pou-voirs de la République Française, d'une part,
-
Et le Gouvernement de la République du Viet Nam repré-senté par son Président,
M. Ho Chi Minh, et le Délégué Spécial du Conseil des Ministres, M. Vu Hong
Khanh, d'autre part,
Il est convenu ce qui suit:
1-
Le Gouvernement Français reconnait la République du Viet Nam comme un Etat
Libre ayant son Gouvernement, son Parlement, son Armée et ses Finances, faisant
partie de la Fé-dération Indochinoise et de l'Union Française. En ce qui
con-cerne la réunion des trois "ky" le Gouvernement Français s'engage
à entériner les décisions prises par les populations consultées par référendum.
2.- Le gouvernement du Vietnam se
déclare prêt à accueillir amicalement l'armée française lorsque conformément
aux ac-cords internationaux, elle relèvera les troupes chinoises. Un accord
annexe joint à la présente Convention Préliminaire fixera les modalités selon
lesquelles s'effectueront les opérations de relève.
3.-
Les stipulations ci-dessus formulées entreront immédiate-ment en vigueur.
Aussitôt après l'échange des signatures, cha-cune des Hautes Parties
contractantes prendra toutes mesures nécessaires pour faire cesser sur-le-champ
les hostilités, main-tenir les troupes sur leurs positions respectives et créer
le climat favorable nécessaire à l'ouverture immédiate des négociations
amicales et franches. Ces négociations porteront notamment sur :
a) les relations diplomatiques du
Vietnam avec les Etats étrangers.
b) le statut futur de l'Indochine.
c) les intérêts économiques et culturels
français au Vietnam.
Hanoi, Saigon ou Paris pourront être
choisis comme siège de la Conférence.
Accord annexe
à la Convention
Préliminaire
intervenue entre le Gouvernement de la République
Française et le Gouvernement du Viet Nam.
Entre les Hautes Parties contractantes désignées à la
Conven-tion Préliminaire, il est convenu ce qui suit
1-
Les Forces de relève se composeront :
a) de dix mille vietnamiens (10.000)
avec leur cadres vietnamiens, relevant des autorités militaires du Viet Nam.
b) de quinze mille (15.000) Français, y
compris les Forces françaises résidant actuellement dans le territoire du Viet
Nam au Nord du 16è parallèle. Les dits éléments devront être composés
uniquement de Français d'origine métropolitaine, à l'exception des Troupes
chargées de la garde des prisonniers Japonais.
L'ensemble de ces forces sera placé sous
le Commandement Supérieur Français, assisté de délé-gués Vietnamiens. La
pro-gression, l'implantation et l'utilisation de ces forces seront définis au
cours d'une Conférence d'Etat Major entre les représentants des Commandements
Français et Vietnamiens laquelle se tiendra dès le débarquement des Unités
Françaises.
Des
Commissions mixtes seront créées à tous les échelons pour assurer dans un
esprit d'amicale collaboration, la liaison entre les Troupes françaises et les
Troupes vietnamiennes.
2- Les éléments français des forces de
relève seront répartis en trois catégories :
a) Les unités chargées d'assurer la
garde des prisonniers de guerre japonais. Ces unités seront rapa-triées dès que
leur mis-sion sera devenue sans objet par suite de l'évacuation des
priso-nniers japonais, en tout cas dans un délai maximum de dix mois.
b) les unités chargées d'assurer, en
collaboration avec l'armée vietnamienne, le maintien de l'ordre public et de la
sécurité du territoire vietnamien. Ces unités seront relevées par cinquième,
chaque année, par l'Armée vietnamienne, cette relève étant donc effectivement
réalisée dans un délai de cinq ans.
c) les Unités chargées de la Défense des
Bases navales et aériennes, la durée de la mission confiée à ces Unités sera
défi-nie dans les Conférences ultérieures.
3) Dans les places où les Troupes
françaises et vietnamiennes tiendront garnison, des zones de can-tonnement
nettement déli-mitées, leur seront assignées.
4) Le Gouvernement français s'engage à
ne pas utiliser les prisonniers japonais à des fins militaires.
Fait à Hanoi le 6 Mars 1946
Signé : Sainteny
Signé : Hồ Chí Minh et Vũ Hồng Khanh
Tin Thoả ước
Sơ bộ được ký kết với Pháp tung ra làm dân chúng thủ đô hoang mang hết
sức. Lời thề không đi lính cho Pháp, không làm việc cho Pháp, không dẫn đường
cho Pháp ngày 2-9-45, còn vang dội trong tai mọi người, mà chỉ vài tháng sau,
việc quân Pháp trở lại đã được một Thoả ước hợp thức hoá. Mặc dầu Hồ chí Minh
đã khôn khéo kéo Vũ hồng Khanh ký vào thoả ước, đảng viên VN Quốc dân Ðảng và
VN Cách mệnh Ðồng minh Hội cũng sôi sục định tâm làm mạnh, nhất là thấy bị quân
Tàu phản, gạt họ ra ngoài để bắt tay với Pháp và với Việt minh.
Hồ chí Minh mừng thầm trong bụng.
Thoả ước Sơ bộ là một mũi tên bắn trúng hai con mồi, vừa đuổi được quân Tàu vừa
gạt được các đảng phái quốc gia. Pháp là kẻ thù duy nhất còn lại thì sẽ tính kế
sau.
Trước phản ứng mạnh của Quốc dân
Ðảng và của VN Cách mệnh Ðồng minh Hội trên báo chí và truyền đơn, tố cáo Việt
minh là việt gian, là phản quốc, là thân Pháp v.v... Tổng bộ Việt minh lo ngại,
vội vàng tổ chức một buổi mít-tinh ngay ngày hôm sau, 7-3-46, tại công trường
Nhà Hát Lớn để giải thích thái độ của họ. Võ nguyên Giáp và Hồ chí Minh lần
lượt lên diễn đàn. Võ nguyên Giáp giải thích : Chúng ta đã chọn giải
pháp điều đình để tạo nên những điều kiện thuận tiện cho cuộc chiến đấu dành
Ðộc Lập hoàn toàn (...) Năm 1918, nước Nga đã ký hiệp ước Brest-Litovsk [3]để chặn đường tiến quân của quân Ðức
và để củng cố quân đội và chính trị trong thời gian ngưng chiến, chẳng phải do
hiệp ước đó mà nước Nga đã trở thành hùng mạnh đó không ?
Hồ chí Minh nói : Ðiều đình
là khôn ngoan, chiến đấu hiện giờ là ngu dại. Tại sao ta lại hy sinh hàng trăm
ngàn người trong khi nhờ điều đình ta có thể tiến tới độc lập, có thể trong 5
năm nữa (...)
Sau khi Hiệp ước Sơ bộ được ký kết
với Pháp, các đảng phái quốc gia, VN Quốc dân Ðảng và VN Cách mệnh Ðồng minh
Hội, đều chưng hửng vì thấy quân Tàu bỏ rơi họ, sự hoạt động cũa họ giảm kém
dần, ít lâu sau cụ Nguyên hải Thần bỏ sang Tàu mặc lời yêu cầu của Tiêu Văn mời
cụ ở lại làm việc. Cố vấn Vĩnh Thụy cũng bị Việt minh tống đi khỏi nước cho đỡ
gai mắt. Việt minh lập một phái đoàn thân thiện với nước Tàu do Vĩnh Thụy cầm
đầu cùng mấy nhân viên Việt minh và Quốc dân Ðảng. Sang đến đất Tàu, Vĩnh Thụy
được Tưởng giới Thạch tiếp kiến, rồi mấy nhân viên tùy tùng bỏ rơi ông ở Trùng
Khánh, ông phải vay tiền lộ phí để đi đến Hương Cảng. Ông ở đó đến khi Việt
minh gửi thư cho ông bảo ông cứ ở bên Tàu đừng về Việt Nam nữa. Ðó là chuyện về
sau.
*
Trở lại việc quân Pháp đổ bộ.
Trong một đoạn trên đã nói, tướng
Hoàng, Chỉ huy sư đoàn 130 đóng tại Hải Phòng, sau khi được trực lệnh của cấp
trên và lệnh của tướng Lư Hán do tướng Mã Anh và tướng Chu Phúc Thành chuyển
đến, tướng Hoàng đã đồng ý để quân Pháp đổ bộ vào hồi 17 giờ ngày 7-3-46 mà
không cản trở. Võ nguyên Giáp cũng ra lệnh cho tự vệ án binh bất động, vì vậy
cuộc đổ bộ được êm đẹp và đến chiều ngày 8-3 thì hoàn tất. Tướng Leclerc hả hê,
nghỉ đêm trên tàu Sénégalais, điện cho Salan thu xếp với Tàu và Việt minh cho
đoàn quân Pháp tiến lên Hà nội càng sớm càng hay.
Ngày 14-3-46, Lư Hán ở Vân Nam sang
Hànội báo cho Salan biết chính phủ Tàu đồng ý cho quân đội Pháp có thể lên
Hànội ngày 17 hay 18 tháng 3, Việt minh cũng thoả thuận như vậy.
Leclerc liền báo cho Tàu và Việt
minh biết, ngày 18-3-46, Leclerc sẽ cùng 1.200 binh sĩ thuộc Sư đoàn 9 Bộ binh
Thuộc địa, và một đơn vị của Ðệ nhị Sư đoàn Thiết giáp với 200 xe đủ loại từ
Hải Phòng lên Hànội. Sẽ đóng quân tại trường Trung học Bảo Hộ cạnh Hồ Tây (tức
là trường Bưởi cũ).
Ðúng 12 giờ trưa ngày 18-3-46, đoàn
quân của Leclerc tiến vào trong thành phố Hànội. Tại Gia Lâm các tướng Tàu đại
dìện Lư Hán đón chào. Leclerc và tùy tùng gồm có Sainteny, Salan và tướng
Valluy về trụ sở của Uỷ viên Pháp Sainteny [4]. Nơi đây đông đủ các kiều dân Pháp tụ tập, với những lá cờ Pháp nhỏ cầm
tay, để đón tiếp và hoan hô tướng Leclerc. Sau khi tiếp xúc với kiều dân Pháp,
Leclerc được đưa về nghỉ tại một biệt thự có một tiểu đội Việt minh canh gác,
tiểu đội này dã dàn chào Leclerc khi ông ta tới.
Buổi chiều cùng ngày, Leclerc đến
thăm Lư Hán và sau đó thăm Hồ chí Minh tại Bắc bộ Phủ, nơi đây sâm-banh được mở
để đãi khách. Leclerc rất hài lòng về Thoả ước Sơ bộ và việc đổ bộ êm thắm nên
báo cáo cho tướng De Gaulle như sau :
(...) Thật vậy, mặc dầu có Hiệp ước
ký kết với Trung Hoa ở Trùng Khánh, tôi cũng nhận thấy là nếu một cuộc giao
tranh với Việt Nam xảy ra thì quân Tàu sẽ tức khắc khai thác những sự khó khăn
để ngăn trở chúng ta không tái thu được Bắc Việt.
(...) Như thế, ngoài quân đội Trung
Hoa, chúng ta sẽ vấp phải một sự nổi dậy chống chúng ta họặc là sẽ thấy một xứ
sở vô trật tự. Mặc dầu chúng ta chắc chắn đổ bộ lên Hải Phòng được, nhưng sự
tái chinh phục toàn thể Bắc Kỳ hoặc một phần Bắc Kỳ là một sự không thể thực
hiện được.
(...) Vì các lẽ đó Thoả ước Sơ bộ
thật là tối quan trọng. Tôi xác nhận như vậy. Nhất là chính tôi đã trình bầy
cho ông Sainteny và tướng Salan sự cần thiết tối khẩn là các ông ấy phải giới
thiệu cho tôi một chính phủ An-Nam ngày mà chúng ta đổ bộ.
(...) Nhờ Thoả ước đó mà chúng ta có
thể vào Hànội không tốn một viên đạn, mặc dầu có sự chống đối của quân đội Tàu.
Nếu Thoả ước Sơ bộ không được ký kết thì chúng ta sẽ phải chiến đấu với Trung
Hoa với những sự khó khăn quốc tế và đối diện chúng ta là một xứ nổi loạn còn
khó khăn cho chúng ta hơn xứ Nam Kỳ nhiều.
Vì những lẽ đó mà ngày 14-2-46, tôi
đã điện về Pháp yêu cầu chính phủ cho phép dùng danh từ "Ðộc lập" để
tránh sự đổ vỡ quan trọng.
Chúng ta có thể nói là đã thắng ván
đầu, còn lại chỉ là những vấn đề chính trị và điều đình. (...)
Ngày 22-3-46, một cuộc duyệt binh
được tổ chức tại Ðài Chiến sĩ Trận vong. Một tiểu đoàn lính Việt minh cũng tham
dự cùng với lính Pháp.
Ngày 24-3-46, Hồ chí Minh cùng
Sainteny và Pignon đáp thuỷ phi cơ ra Vịnh Hạ Long để gặp đô đốc d'Argenlieu
trên chiến hạm Emile Bertin từ Sàigòn mới ra. D'Argenlieu tiếp đón Hồ chí Minh
như một quốc trưởng, hai người cùng duyệt hạm đội Pháp dàn chào trước chiến hạm
Emile Bertin. Trong cuộc hội kiến, d'Argenlieu báo cho Hồ chí Minh biết là
chính phủ Pháp mời chính phủ Việt Nam cử phái đoàn sang Paris để đàm phán theo
điều khoản trong Thoả ước Sơ bộ ngày 6-3-46.
Cuộc điều đình với Tàu để quân đội Pháp thay
thế dần dần ở các tỉnh được tiến hành một cách khả quan.
Ngày 28-3-46, Lư Hán và Salan ký kết
một tờ tương thuận về thể thức thay thế. Ðến ngày 1-4-46 thì quân đội Pháp hoàn
tất việc tiếp thu tại các nơi đây : Hànội, Hải Phòng, Huế, Tourane,
Savannakhet, Thakhet, và đang tiếp thu Vinh, Nam Ðịnh. Các khu vực miền thượng
du và trung du vẫn còn trong tay quân đội Tàu, ngoại trừ phi trường Ðiện biên
Phủ đã trao cho Pháp sử dụng. Kết quả được nhanh chóng và tốt đẹp như vậy phần
lớn cũng nhờ những quà cáp, châu báu, vàng bạc, thuốc phiện tặng cho các tướng
Tàu ở Việt Nam nên kết quả mới được khả quan như vậy.
Trong một bức công hàm gửi cho tướng
Salan, Lư Hán đã tỏ ý hài lòng về việc thay thế, Lư Hán viết như sau :
Ðệ nhất phương diện quân, Tư lệnh
quan, Lục quân Thượng Tướng Lư Hán,
Dân quốc tam thập ngũ niên, tam nguyệt, nhị
thập lục nhật.
1) Trung Pháp Tham mưu hiệp nghị
nguyên văn dữ quý Tư lệnh hoàn toàn đồng ý chi nguyên văn chính thẩm chi đối
chiếu trung, hiện Trung Pháp chính tiếp giao phòng vụ sự thực thượng dĩ căn cứ
Trung Pháp tham mưu hiệp nghị chi nguyên văn thực thi, ưng diệc định nhật kỳ,
địa điểm, song phương phát xuất đại biểu phụ trách, phụ Trung Pháp Tham mưu
hiệp nghị (tức giao phòng đại cương) nguyên văn, tắc hữu hiệu chi thiêm
tự dĩ hoàn thành Trung Pháp giao tiếp nhiệm vụ.
2) Bản bộ phái xuất phụ trách Trung
Pháp liên lạc sứ chi nhân viên, chính điệp trạch chung, lãnh án hàm đạt.
3) Tân sổ nhật lai, song phương tiếp
giao phòng vụ chi hiện tượng, hiên cực vi lương hảo sung phân chứng minh chi
Trung Pháp hữu nghị chi tăng tiến thử do.
Quý đại biểu chỉ đạo Pháp quân hữu
phương chi sở chí. Ðắc chí tạ ý. Thử chi.
Pháp đại biểu Salan Thiếu tướng.
Dịch đại ý :
"Thượng tướng Lư Hán, Tư lệnh
Lục quân đệ nhất phương diện, năm Dân quốc thứ 25, ngày 26 tháng 3
1) Hiện nay việc tiếp giao thì căn
cứ vào bản Hiệp nghị Tham mưu Pháp Hoa mà thi hành. Nếu cần thay đổi nhật kỳ và
địa điểm, hai bên sẽ cử đại biểu để chóng hoàn thành việc tiếp giao.
2) Chúng tôi sẽ cử người phụ trách
để liên lạc Trung Pháp, khi nào chọn xong sẽ có thư sau.
3) Mấy ngày gần đây việc tiếp giao
được tốt đẹp, chứng minh tình hữu nghị Trung Pháp đuợc tăng tiến, do sự thi
hành có phương pháp của quý đại biểu.
Tôi gửi lời cảm tạ đến đại biểu Pháp
là thiếu tướng Salan. "
____________________________________________________Chú thích bài
số 4
[1] Tuyên ngôn 24-3-45 của De Gaulle, coi Chương
2 sách này, 45-54 chín năm khói lửa
[2] Trích Mémoires Fin d’un
empire của Raoul Salan
[3] Hiệp ước Hoà bình ký ngày 3-3-1918 (đệ nhất thế
chiến) giữa nước Đức và Nga Sô Viết tại Brest Livtosk
(4) Tướng Valluy bấy giờ được cử làm Chỉ huy quân đội Pháp ở
Bắc Việt thay thế tướng Salan
*
[1] Tuyên ngôn
24-3-45 của De Gaulle, coi Chương 2 sách này, 45-54 chín năm khới lửa
[2] Trích Mémoires
Fin d’un empire của Raoul Salan
[3] Hiệp ước Hoà
bình ký ngày 3-3-1918 (đệ nhất thế chiến) giữa nước Ðức và Nga Sô Viết tại
Brest Livtosk
[4] Tướng Valluy
bấy giờ được cử làm Chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc việt thay thế tướng Salan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét