Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012




 45 - 54, CHÍN NĂM KHÓI LỬA
                                                                     tôvũ
Bài số 6
*

Tình trạng chiến tranh kéo dài không phân thắng bại. Quân đội Pháp giữ vững tại các thành phố vùng đồng bằng, đóng đồn bót trên những trục lộ giao thông quan trọng quanh các thị trấn nhưng tại các làng mạc và các vùng hẻo lánh, và khắp vùng trung, thượng du Bắc Kỳ, trung, thượng du Trung Kỳ vẫn thuộc vùng kiểm soát của Việt minh.
Ðể thi hành chỉ thị của chính phủ Pháp, Bollaert và Valluy thực hành những kế hoạch lớn về quân sự và về chính trị.

Giải pháp Bảo Ðại

Về chính trị, Bollaert kiếm một người đối thoại để tìm cách giải quyết âm thầm theo tinh thần chỉ thị của Chính phủ Pháp.
Tại miền Nam, có chính phủ Nam Kỳ Quốc do bác sĩ Lê văn Hoạch làm thủ tướng, sau khi bác sĩ Nguyễn văn Thinh tự sát. Nhưng bác sĩ Hoạch chỉ hữu ích trong việc giải quyết những vấn đề địa phương thuộc phạm vi Nam Kỳ. Tại miền Trung và miền Bắc, tuy có những cựu quan lại, cựu công chức ra nhận chức vụ trong các Hội đồng An Dân, nhưng không có một nhân vật nào khả dĩ thay thế Hồ chí Minh để đối thoại với Chính phủ Pháp được, còn Hồ chí Minh thì chính phủ Pháp, đúng hơn là các bộ trưởng thuộc phe De Gaulle trong chính phủ Pháp, đã loại ra khỏi cuộc đàm phán, nên chính phủ Pháp và Bollaert có ý định nếu không tìm được ai thì mời cựu hoàng Bảo Ðại về nước để đàm phán. Dầu sao Cựu hoàng vẫn còn có uy thế trong dân chúng vùng quốc gia do Pháp chiếm đóng, và điều đình với Bảo Ðại thì không gay go lắm.
Tháng ba 1947, cựu hoàng Bảo Ðại được chính phủ Pháp dò xét ý định. Cousseau, một quan cai trị Pháp ở Ðông Dương lâu năm, cựu giám đốc Nha Chính trị, được cử tới gặp Bảo Ðại ở Hồng Kông để thăm dò ý kiến. Bảo Ðại và cụ Trần trọng Kim tiếp Cousseau, đưa ra bẩy đề nghị để Cousseau chuyển về Pháp :
1) Thống nhất Việt Nam gồm ba kỳ và dân tộc thiểu số.
2) Việt Nam hoàn toàn tự trị. Pháp không được can thiệp vào vấn đề nội bộ.
3) Bỏ Liên bang Ðông Dương và định rõ vị trí Việt Nam trong Liên hiệp Pháp.
4) Việt Nam có quân đội riêng.
5) Việt Nam có tài chính riêng.
6) Pháp định rõ thời gian trao trả độc lập hoàn toàn cho Việt Nam.
7) Việt Nam có quyền liên lạc ngoại giao với các nước Á Ðông
Sự việc xảy ra tới đó cho tới cuối tháng 8 năm 1946.
Sau nhiều lần gặp gỡ, Pháp và Bảo Ðại vẫn chưa có một thoả thuận nào. Chính phủ Pháp vẫn còn chút lưỡng lự vì mặc dù giải pháp Bảo Ðại hấp dẫn nhưng điều đình với Hồ chí Minh để chấm dứt chiến cuộc mà không phải trả giá đắt thì vẫn hơn. Ðó cũng là hai thái độ đối lập giữa các phe phái trong chính phủ Pháp. Các bộ trưởng thuộc phe Phong trào Cộng hoà Bình dân (MRP) thì bênh vực giải pháp Bảo Ðại, còn phe Xã Hội thì không muốn, hoặc có điều đình với Bảo Ðại thì phải điều đình cả với Hồ chí Minh và các nhân vật Việt Nam khác nữa.
Trong tình trạng đó, ngày 10-9-1947 tại thị xã Hà Ðông, một thị xã đổ nát do kế hoạch tiêu thổ kháng chiến, vườn không nhà trống của Việt minh,- Hà Ðông cách Hànội 11 cây số về phía tây và cũng là ranh giới khu chiếm đóng của Pháp lúc bấy giờ,- trên một khán đài đặt tại vườn hoa Thị xã, Bollaert đọc một bài diễn văn chính trị quan trọng.
Bài diễn văn này nguyên thủy được Bollaert viết để gửi đến Hồ chí Minh những lời đề nghị hoà bình dự định đọc ngày 15-8-47, nhưng chính phủ Pháp hoãn ngày đọc lại để xem xét và gọt giũa thay đổi hoàn toàn, thành ra những lời lẽ trong bài diễn văn đó trở thành ác cảm với Việt minh, mục đích làm cho Việt minh không thể chấp nhận được, mà trái lại mở đường cho Bảo Ðại.
Ðây là một đoạn trích :
(...) Nước Pháp không theo đuổi mục đích chiếm đóng hoặc tái chiếm và cũng không tìm cách cai trị trực tiếp hay gián tiếp. Nước Pháp sẵn sàng trao cho các chính phủ xứng đáng quyền điều khiển guồng máy công cộng và hứa sẽ giúp họ những nhân sự, công chức hay chuyên viên, mà họ cần thiết. Mỗi dân tộc Ðông Dương sẽ tự tìm những điều kiện sinh hoạt hợp với cá tính của mình. Họ sẽ tự tổ chức những cơ quan đại diện, cơ quan tư pháp, tài chính, giáo dục và y tế riêng của họ mà không có sự  xen chân vào của nước Pháp. Như vậy các dân tộc Ðông Dương tự nắm lấy vận mệnh và tương lai của mình và chúng tôi thành thực cầu mong những điều đó sẽ mang lại hạnh phúc cho họ.
(...) Tôi yêu cầu tất cả những năng lực lành mạnh hãy hợp tác với nhau trong những cơ cấu chính quyền để sự giao thiệp Việt Pháp trở nên dễ dàng. Tôi yêu cầu tất cả hãy đồng thanh trả lời những lời đề nghị của nước Pháp để tỏ sự trưởng thành chính trị của mình.
Tôi ngỏ lời kêu gọi tối hậu này tới tất cả các gia đình chính trị, tất cả các gia đình tinh thần và tất cả các gia đình xã hội. Tất cả các nhà ái quốc không phân biệt mầu sắc hãy can đảm tuyên bố lập trường chính trị của mình và nhận phần trách nhiệm kiến thiết đất nước. Nền móng của các nước trẻ liên kết càng lớn, nền tự trị càng vững chắc và hoà bình càng trường cửu. Những kẻ khởi hấn ngày 19 tháng 12 đã mất tín nhiệm (...) hoà bình không thể vãn hội do một đảng duy nhất (...)
(...) Những đề nghị này là một đề nghị bất khả phân, một là nhận cả, hai là không. (...)
Phản ứng về bài diễn văn này, Hoàng minh Giám tuyên bố trên đài phát thanh Việt minh là bài diễn văn rỗng tuyếch không có ý nghĩa gì thực tế.

***

Tại Hồng Kông, sau khi gặp Cousseau và trung tá Reynaud do Bollaert cử sang, Bảo Ðại cử người về nước tiếp xúc với các nhân vật chính trị.
Một hội nghị gồm 40 nhân sĩ thuộc các đảng phái quốc gia mọi khuynh hướng, ở trong nước và ở ngoài nước, đáp lời mời của Bảo Ðại, tới Hồng Kông họp để nghiên cứu tình hình. Có mặt có các ông Nguyễn hải Thần (Việt nam Cách mệnh Ðồng minh Hội), Trần văn Tuyên tức Trần Côn (Quốc gia Thanh Niên Ðoàn), Nguyễn tường Long tức Nguyễn phúc Vân (Ðảng Dân chính), Lưu đức Trung (Vận động Dân chúng), Nghiêm xuân Việt (Ðại Việt), Nguyễn tường Tam tức Trần quốc Lập (Quốc dân Ðảng),Vũ kim Thành (Việt tam Quân quân trưởng), các đại diện các tôn giáo và đảng phái trong nước : Cao Ðài, Hoà Hảo, Dân Xã, Công Giáo, Mặt trận Quốc gia Thống nhất Toàn quốc, Mặt trận Bình dân Nam Kỳ, Khối Quốc gia Liên hiệp ở Miền Trung, Khối Quốc gia Liên hiệp Xã nông Lao công Ðại chúng và các vị nhân sĩ không đảng phái như ông Trần văn Lý Chủ, tịch Hội đồng chấp chánh ở Trung Kỳ, các vị quan lại triều đình cũ như cụ Trần thanh Ðạt, Lương văn Phúc, Hà xuân Hải, các ông Nguyển bá Chính, Nguyễn văn Tâm, Trần ngọc Liễng, Trương vĩnh Tống, Nguyễn văn Sâm, Nguyễn bảo Toàn, Cung giũ Nguyên, v.v...

Ngày 10-9-47, sau khi nghe bài diễn văn, Hội nghị trên gửi một điện văn cho Bollaert bác bỏ những đề nghị của ông ta vì không đáp được đúng nguyện vọng của Việt Nam, một mặt hội nghị gửi một kiến nghị yêu cầu Bảo Ðại đứng ra lãnh đạo quốc gia để tranh đấu với Pháp.
Một đoạn trích Kiến nghị như sau :
(...) Mặc đầu bài diễn văn của ông Bollaert có tính cách một tối hậu thư đối với dân tộc Việt Nam, những điều kiện đề nghị không làm thoả mãn nguyện vọng độc lập thống nhất của dân tộc Việt Nam, toàn thể hội nghị cũng thỉnh cầu đức Bảo Ðại nguyên Hoàng Ðế đứng lên thay mặt nước Việt Nam để cùng chính phủ Pháp tìm một con đường hoà bình, Hội nghị triệt để ủng hộ Ngài trong sứ mạng đó.
(...) Chúng tôi tin rằng những cuộc thương nghị, với quyền uy của Ngài, sẽ vãn hồi và duy trì hoà bình, quyền lợi chánh đáng của hai dân tộc liên kết với nhau trên nền tảng công lý và bình đẳng trong khuôn khổ Liên hiệp Pháp mà quy chế sẽ do hai bên bàn đînh. (...)

Sau khi nhận được lời yêu cầu đứng ra thương thuyết với Pháp, ngày 8-9-47 Bảo Ðại công bố bản Tuyên ngôn, gián tiếp trả lời Bollaert là sẵn sàng liên lạc với các nhà chức sự Pháp để xét những lời đề nghị của họ về vấn đề Ðộc lập và Thống nhất Việt Nam.
Nguyên văn bản Tuyên ngôn như sau :
"Quốc dân đồng bào !
Vì muốn tránh cuộc đổ máu của đồng bào nên tôi đã từ bỏ ngai vàng cùa các đấng Tiên đế. Các người đã muốn giao phó số mạng cho những người cầm quyền mới, tôi đã tự ý rút lui ngôi báu, lưu vong nước ngoài để khỏi làm chướng ngại vật một cuộc thí nghiệm chánh trị mà các người tưởng sẽ mang lại hạnh phúc cho các người.
Ở chốn tha hương này tôi vẫn theo dõi những biến chuyển lịch sử ghê gớm gần đây của nước nhà, một đôi khi lòng hy vọng, xong biết bao khi lòng ngao ngán buồn thương !
Hy vọng của các người tôi đâu có lạ.
Ngày nay tôi đã nghe tiếng kêu la, gọi cứu thảm thiết của các người tuy có một chế độ độc tài cố bịt mồm lấp miệng các người. Các người đã phải tỏ cho tôi hay những nỗi lầm than của các người, để báo cáo cho tôi biết những tai hoạ mà nước Việt Nam thân mến của chúng ta đã phải chịu trong hai năm kinh nghiệm chế độ chính trị độc tài của những người nắm quyền mới của các người.
Thế là giấc mộng Hạnh phúc của các người mà mọi tuyên truyền khéo léo, một lý thuyết mới đã làm nẩy nở trong lòng các người nay đã tan tành.

Trong cảnh điêu linh, các người đã đến cầu xin tôi lấy uy tín của tôi để vãn hồi hoà bình đối ngoại thì hoà bình trong an ninh trật tự, trong đất nước đang bị chiến tranh tàn phá và đẫm máu vì cuộc huynh đệ tương tàn. Vì người đại diện của nước Pháp ở Việt nam là Cao Uỷ Bollaert đã yêu cầu các người chỉ định những nhân vật có uy tín đối với các người. Nay các người thỉnh cầu tôi đứng lên thay mặt các người đứng lên đàm phán với nước Pháp.
Tôi chấp nhận lời thỉnh cầu của các ngưòi, chịu đảm nhận sứ mạng của các người phó thác cho tôi và sẵn sàng tiếp xúc với các nhà chức trách Pháp.
Tôi sẽ cùng họ xem xét một cách khách quan những lời đề nghị mà nước Pháp đã đưa ra.

Tôi muốn thực hiện nguyện vọng Ðộc lập và Thống nhất của các người, ký kết những Hiệp định với bảo đảm hỗ tương, và có thể xác định với các người rằng lý tưởng mà các người đã theo đưổi trong một cuộc kháng chiến oanh liệt nay đã đạt được rồi.
Ðược thế rồi tôi sẽ lấy uy tín của tôi để dàn xếp cuộc tranh chấp giữa các người.Vì rằng khi chúng ta đã đạt tới mục đích rồi không còn một lẽ gì ngăn cản chúng ta lập lại hoà bình nguồn gốc của an ninh, thạnh vượng.
Hoà bình mà tôi sẽ cho các người, tôi muốn duy trì cho các người được hưởng lâu dài.
Năm tháng sẽ làm dịu bớt những ý tưởng cuồng nhiệt. Rồi hết thảy mọi người Việt nam sẽ một lòng, một chí xây dựng giang sơn gấm vóc của chúng ta trên những nền tảng mới, dùng những sanh lực tiềm tàng trong những thuần phong mỹ tục cổ truyền của tổ phụ."


Cuộc hành quân Léa

Về mặt quân sự, tướng Salan lại được chính phủ Pháp cử sang Bắc Kỳ thay thế đại tá Dèbes trong chức vụ Chỉ huy Quân lực Pháp ở Bắc Ðông Dương. Tướng Valluy vẫn giữ chức Chỉ huy tối cao Quân đội Viễn chinh thay thế Leclerc từ hồi tháng 6-1946. Valluy và Salan nghiên cứu một cuộc hành quân đại quy mô vào vùng Việt Bắc mục đích phá vỡ các tổ chức quân sự dân sự của Việt minh, lùng bắt chính phủ Hồ chí Minh và đặt các căn cứ kiểm soát vùng biên gìới Hoa Việt để chặn đường liên lạc tiếp tế cho Việt minh của Trung Cộng lúc bấy gìờ đang có thế mạnh ở Hoa Bắc.
Cuộc hành quân mệnh danh là LÉA, tên một ngọn đèo cao 1362 thước trên đường thuộc địa số 3 giữa Bắc Kạn và Cao Bằng, được nghiên cứu và sửa soạn nhiều ngày trước.
Ngày 7 tháng 10-1947, tướng Salan ra lệnh tiến quân ba mặt.
- Một đạo quân nhảy dù dưới quyền chỉ huy của đại tá Sauvagnac đáp xuống thị xã Bắc Kạn chiếm đóng các công sở, nhà thương, kho bạc, nhà máy đèn v.v... Việt minh bị bất ngờ không kịp phản ứng.
- Một đạo bộ binh do đại tá Beaufre chỉ huy, tiến từ Lạng Sơn dọc theo đường thuộc địa số 4 tiến qua Ðồng đăng, Na Chàm, Thất Khê, Ðông Khê tới Cao Bằng ngày 12 tháng 10, rồi từ Cao Bằng dọc theo đường thuộc địa số 3-bis xuống Bắc Kạn.
- Một đạo thuỷ quân dưới quyền chỉ huy của đại tá Commu-nal theo đường thủy ngược sông Ðà Giang, sông Gầm tiến chiếm Phủ Ðoan ngày 12, chiếm Tuyên Quang ngày 13 và Chiêm Hoá ngày 17 tháng 10.
Khắp nơi Việt minh đều bị bất ngờ không có phản ứng, quân Pháp phá huỷ nhiều cơ sở và các kho khí giới đạn dược.
Tại Bắc Kạn, cánh quân Sauvagnac giải thoát được nhiều nguời Việt quốc gia bị Việt minh bắt giam cầm tù, trong số có Phạm văn Bính, về sau, hồi 1952, trở thành Thủ hiến Bắc Việt.
Sau khi chiếm được Bắc Kạn, từ ngày 19-11 đến ngày 14-12-47 quân Pháp hành quân vùng tứ giác Tuyên Quang - Thái Nguyên - Phủ lạng Thương - Việt Trì, nơi trú đóng của các cơ quan chính phủ Việt minh, phá vỡ đài phát thanh, bắt được máy in giấy bạc, nhiều dụng cụ khí giới đủ loại, súng cá nhân, súng tự động và đại bác, bắt 1.000 tù binh, giải thoát các con tin người Pháp, chiếm lại được mỏ kẽm Tĩnh Túc (Cao Bằng) và mỏ chì Tuyên Quang và suýt bắt được toàn bộ đầu não của Việt minh. [1]
Quân Pháp thiệt hại khá nhiều, nhất là bộ binh của đại tá Beaufre. Qua cơn bất ngờ lúc đầu, Việt minh tổ chức các ổ phục kích trên đường thuộc địa số 4 (RC4) Lạng Sơn - Cao Bằng, đánh các đoàn công-voa và các đồn bót do Pháp đặt rải rác để giữ trục giao thông đó.
Thiệt hại của Pháp trong cuộc hành quân LÉAước khoảng 700 người vừa thiệt mạng, vừa bị bắt cầm tù và bị thương.[2]

Tại Pháp, chính phủ Ramadier bị đổ. Ngày 24-11-47, Robert Schuman thuộc Phong trào Cộng hoà Bình dân (MRP) lên làm Thủ tướng, Coste Floret (MRP) giữ Bộ Pháp quốc Hải ngoại.
Sau khi nhậm chức, Bộ trưởng Coste Floret liên lạc với Bảo Ðại để xúc tiến "Giải pháp Bảo Ðại".  Một cuộc gặp gỡ giữa Bảo Ðại và Cao uỷ Bollaert được tổ chức để hai bên trao đổi lập trường.
Ngày 7-12-47, tại Vịnh Hạ Long, Bảo Ðại ra điều kiện với Bollaert là chỉ nhận đứng ra thương thuyết với Pháp trên căn bản Việt Nam Ðộc lập và Thống nhất, ngược lại Bảo Ðại chấp nhận Việt Nam gia nhập Liên hiệp Pháp và bảo đảm những quyền lợi Pháp trong mọi lãnh vực ở Việt Nam.
*

Sau ngày đó, Cựu hoàng trở về Hồng Kông, Bollaert trở về Pháp trình bầy cho Chính phủ Pháp biết lập trường chính thức của Bảo Ðại.
Trong khi đó các chính khách Việt Nam tới tấp bay tới Hồng Kông để yết kiến Cựu Hoàng bầy mưu hiến kế.
Ðể làm yên lòng Bảo Ðại, ngày 19-12-47, Thủ tướng Nam kỳ Quốc, Nguyễn văn Xuân cùng một phái đoàn các nhân vật có tên tuổi ở Nam Kỳ cũng bay sang Hồng Kông gặp Bảo Ðại để xác nhận ý muốn sáp nhập Nam Kỳ vào Việt Nam thống nhất và mời Bảo Ðại về nước chấp chánh.
Ít lâu sau, Bảo Ðại sang Âu Châu để tiếp tục đàm phán với Pháp. Bollaert tới gặp Bảo Ðại ở Genève.
Trở về Hồng Kông, ngày 25-5-48 Bảo Ðại cử Thiếu tướng Nguyễn văn Xuân thành lập Chánh phủ Trung ương Lâm thời để cai trị cả ba kỳ Trung, Nam, Bắc và để đại diện Việt Nam trong các cuộc thương thuyết với chính phủ Pháp.
Ngày 5-6-48, tại vịnh Hạ Long, Cao uỷ Bollaert thay mặt chính phủ Pháp ký với Thủ tướng Xuân, trước sự hiện diện của Bảo Ðại, một tạm ước dùng làm căn bản cho những cuộc đàm phán chính thức về sau, theo đó nước Pháp long trọng nhìn nhận nước Việt Nam Ðộc lập trong Liên hiệp Pháp.
Sau khi tạm ước được ký kết, Bảo Ðại rời Hồng Kông sang Pháp trú ngụ lấy cớ chữa bệnh.
Ít lâu sau, chính phủ Pháp sốt ruột thấy Bảo Ðại ở lâu không về Việt Nam trực tiếp tham chính để điều đình với Việt minh chấm dứt chiến tranh, chính phủ Pháp có ý giục Bảo Ðại, nhưng Cựu Hoàng cho biết chỉ về khi nào Nam Kỳ được chính thức sáp nhập vào Việt Nam, nghĩa là Việt Nam được thống nhất, và khi nào Tạm ước Hạ Long được thay thế bằng một Hiệp ước chính thức.
Tháng 7-1948, chính phủ Schuman đổ. André Marie thuộc đảng Xã hội lên nắm quyền.
Trong Quốc hội nước Pháp lúc bấy giờ có nhiều khuynh hướng chính trị trái ngược nhau, phe thì thiên về giải pháp Bảo Ðại, phe thực dân thì muốn giữ nguyên Nam Kỳ Quốc để thủ lợi, do đó khó dung hoà được một giải pháp chính trị tại Ðông Dương. Mặt khác chiến tranh làm hao tổn công quỹ nước Pháp mà không mang lại thắng lợi gì rõ rệt, năm 1948 tốn gần 90 tỷ quan, nền tài chính Pháp lại không dồi dào gì mà nước Pháp lại đang cần tiền để kiến thiết xứ sở.
Tại Trung Hoa thì quân cộng sản Tàu thắng thế mạnh, đang tràn xuống miền Nam chẳng mấy lúc mà tới biên giới Hoa Việt bắt tay với Việt minh, khiến Việt minh càng thêm sức mạnh, được viện trợ vũ khí đạn dược và chiến cụ của Tàu.  
Trong tình hình đó, nếu không giải quyết mau lẹ vấn đề chính trị thì càng ngày càng thất lợi cho Pháp, nên sau khi chính phủ Queuille (Xã Hội) lên cầm quyền vào tháng 9-1948 thì Cao ủy Bollaert được gọi về Pháp. Chính phủ Queuille quyết định hướng về giải pháp Bảo Ðại, cử Pignon sang thay thế Bollaert.

Thoả hiệp Élysées ngày 8-3-49 giữa Vincent Auriol và Bảo Ðại

Ngày 8-3 năm 1949, tại điện Élysées một Thoả hiệp được trao đổi giữa Tổng Thống Pháp Vincent Auriol và Cựu Hoàng Bảo Ðại.
Nguyên văn bản Thoả hiệp như sau (bản dịch) :

Balê, ngày 8 tháng 3 năm 1949
Tổng thống Cộng Hoà, Chủ tịch Liên hiệp Pháp
Kính gửi Hoàng Ðế Bảo Ðại
Thưa Hoàng Thượng.
Về vấn đề Thống nhất và Ðộc lập của Việt Nam, Ngài đã tỏ ý muốn có một sự minh xác những nguyên tắc đã được đề ra trong bản Tuyên ngôn chung ngày 5-6-48 tại vịnh Hạ Long giữa Cao ủy Pháp tại Ðông Dương, Emile Bollaert, và Thiếu tướng Nguyễn văn Xuân, Thủ tuớng Chính phủ Trung ương Lâm thời Việt Nam, trước sự hiện diện của Hoàng Thượng.
Ý muốn này cũng là ý muốn của chính phủ Pháp. Sau khi thương nghị giữa các Bộ trưởng, Chính phủ đã yêu cầu tôi với tư cách Chủ tịch Liên hiệp Pháp trao đổi với Hoàng Thượng những văn kiện để tiến tới một thoả hiệp xác định những nguyên tắc của bản Tuyên ngôn chung ngày 5-6 [3] để thi hành.
Chính phủ của Hoàng Thượng một mặt sẽ thoả thuận với vị -Cao Ủy Pháp ở Ðông Dươngvề những điều khoản đặc biệt hay tạm thời quy định sự giao thiệp giữa Liên hiệp Pháp và Việt Nam cho tới khi hoà bình và trật tự được tái lập, phù hợp với những nguyên tắc đề ra sau đây, trong văn kiện này, và phù hợp với tình trạng hiện tại; mặt khác xếp đặt với vị đại diện Pháp và những chính phủ Lào và Căm-Bốt những sự thoả thuận cần thiết thể theo văn kiện này.
Trên những văn bản và với những điều kiện đó, tôi nhân danh Chính phủ Cộng Hoà Pháp Quốc xác nhận sự thoả thuận của tôi về những điều khoản sau đây (dịch tóm tắt) :

I - Thống nhất nước Việt Nam
Mặc dầu những Hiệp ước cũ vẫn còn có hiệu lực, nước Pháp long trọng xác nhận không phản đối việc xứ Nam Kỳ gia nhập nước Việt Nam do các lãnh thổ Tonkin, Annam và Cochinchine hợp thành.
Nhưng sự sáp nhập xứ Nam Kỳ vào Việt Nam chỉ được coi như chính thức sau khi có cuộc tự do trưng cầu ý kiến của dân chúng hoặc của đại diện xứ đó.
(...) Chính phủ Pháp từ bỏ quyền của mình trên những thành phố Hànội, Hải Phòng và Tourane mà quy chế đặc biệt đã được các Vua thời trước chấp nhận.
(...) Ðối với các dân tộc không phải là Việt Nam sống trên lãnh thổ Việt Nam mà từ trước vẫn thuộc về Cương thổ Hoàng Triều thì sẽ có những bản quy chế đặc biệt thoả thuận giữa chính phủ Việt Nam và nước Pháp.

II - Vấn đề ngoại giao
Việt Nam sẽ theo đuổi một chánh sách ngoại giao phù hợp với chính sách của Liên hiệp Pháp.
Các đại diện ngoại quốc tới Việt Nam sẽ được uỷ nhiệm với Chủ tịch Liên hiệp Pháp và với Hoàng Ðế Việt Nam.
Uỷ nhiệm thư của các Trưởng phái đoàn ngoại giao Việt Nam, mà chính phủ Việt Nam đề cử với sự thoả thuận của chính phủ Cộng hoà Pháp, do Chủ tịch Liên hiệp Pháp ký có Hoàng Ðế Việt Nam phó thự.
Những nước mà Việt Nam đặt liên lạc ngoại giao sẽ được chỉ định sau với sự thoả thuận của chính phủ Pháp
Việt Nam chỉ ký kết những thoả ước với nước ngoài khi mà những điều kiện đã được Pháp xem xét trước và có sự thoả thuận trước của chính phủ Pháp.
(...) Chính phủ Cộng hoà Pháp cam kết ủng hộ Việt Nam gia nhâp Liên Hiệp Quốc khi đủ điều kiện.

III - Vấn đề quân sự
Nước Việt Nam có quân đội riêng với nhiệm vụ giữ gìn trật tự an ninh trong nước, bảo vệ xứ sở với sự giúp sức của quân lực Liên hiệp Pháp.
Quân đội Việt Nam cũng góp phần bảo vệ biên giới Liện hiệp Pháp chống ngoại thù.
Quân số quân đội Việt Nam và quân số quân đội Liên hiệp Pháp trú đóng ở Việt Nam sẽ được định trong một bản thoả ước riêng với mức độ có thể dùng hữu hiệu trong thời chiến để chống giữ lãnh thổ Việt Nam và Liên hiệp Pháp.
Quân đội Việt Nam gồm những binh sĩ người Việt Nam ; các huấn luyện viên, các cố vấn kỹ thuật người Pháp sẽ đặt dưới quyền sử dụng củaViệt Nam.
Các sĩ quan Việt Nam được huấn luyện trong các trường Võ bị Việt Nam có thể được tiếp nhận trong các trường Pháp không phân biệt chủng tộc. Ðể làm dễ dàng sự hợp tác trong thời chiến, sự tổ chức quân đội Việt Nam sẽ tương tự như sự tổ chức quân đội Liên hiệp Pháp.
Quân đội Việt Nam sẽ do ngân sách Việt Nam đài thọ. Chính phủ Việt Nam sẽ đặt mua chiến cụ qua chính phủ Pháp.
(...) Quân đội Liên hiệp Pháp sẽ trú đóng tại các căn cứ do một thoả hiệp riêng chỉ định. Quân đội Liên hiệp Pháp được quyền di chuyển tự do giữa các căn cứ của mình. Theo nguyên tắc hợp tác hoàn toàn trong Liên hiệp Pháp, quân đội Liên hiệp Pháp gồm có cả phần tử lính Việt Nam mà sự tuyển mộ sẽ định rõ trong một thỏa hiệp riêng.
(...) Một Uỷ ban quân sự thường trực gồm các Sĩ quan Tham mưu của hai quân đội được thành lập để nghiên cứu các kế hoạch phòng thủ chung và hợp tác quân sự giữa hai bên.
(...) Trong thời chiến, toàn thể quân đội Việt Nam và Liên hiệp Pháp được đặt chung dưới quyền chỉ huy của Uỷ ban quân sự mà Tư lệnh sẽ là một sĩ quan Pháp có một Tham mưu trưỏng phụ tá.

IV - Chủ quyền quốc nội
Chính phủ Việt Nam có hoàn toàn chủ quyền nội trị. Chính phủ Việt Nam sẽ ký kết với vị Cao uỷ Pháp ở Ðông Dương những thoả hiệp đặc biệt hay tạm thời và thể thức trao trả Việt Namnhững quyền hành do Pháp nắm giữ từ trước.
Mỗi khi cần tới cố vấn hay chuyên viên hay kỹ thuật gia trong các ngành, chính phủ Việt Namdành quyền ưu tiên cho các công dân Liên hiệp Pháp. Chỉ khi nào nước Pháp không cung ứng được thì quyền ưu tiên đó mới mất (...)

V - Vấn đề tư pháp
Nước Việt Nam có chủ quyền đầy đủ về tư pháp (...)
(...) Tuy nhiên trong những vụ xử những người Pháp thì luật nước Pháp được áp dụng, còn như đối với những người ngoại quốc khác thì luật Việt Nam được áp dụng (...)
VI - Vấn đề văn hoá
 Nước Pháp được tự do mở trường công hay tư bậc tiểu học và trung học dạy theo chương trình áp dụng ở Pháp, tuy nhiên phải bắt buộc có môn văn học sử Việt Nam. Học sinh Việt Namđược tự do theo học các trường đó.
Tiếng Pháp được giảng dậy ở các trường Trung học Việt Nam với số giờ đủ cho sinh viên Việt Nam có thể theo học trường đại học Pháp được.
Một thoả hiệp sẽ định rõ sự tương đương giữa văn bằng Pháp và Việt Nam .
Việt Nam có toàn quyền tổ chức bậc đại học.
(... Tiếp theo là những điều khoản liên quan đến trường Bác cổ Viễn đông, viện Pasteur, nha Thư viện và Lưu trữ...)

VII- Vấn đề tài chính và kinh tế
Những người Việt Nam ở Pháp hay ở trên các lãnh thổ khác trong Liên hiệp Pháp cũng giống như những người Pháp hay công dân Liên hiệp Pháp ở Việt Nam được hưởng ngang quyền cư trú như dân bản xứ. Họ được tự do đi lại buôn bán sinh sống.
Cơ sở tư nhân Pháp ở Việt Nam được hưởng cùng một quy chế, nhất là vấn đề thuế khoá và luật lao động, ngược lại cơ sở Việt Nam ở Pháp cũng vậy.
Tài sản cũa những người dân  Liên hiệp Pháp  đã  bị  mất  hồi tháng 3-45 đều được trao trả lại cho họ trong tình trạng hiện tại.
Tư bản Pháp được tự do đầu tư ở Việt Nam  nhưng phải theo luật lệ của Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam có chủ quyền về tài chánh của mình, Việt Nam tự thành lập và điều khiển ngân sách.
Việt Nam ở trong khối Liên hiệp tiền tệ với các nước khác ở Ðông Dương.
Viện phát hành Ðông Dương sẽ phát hành một đồng bạc có giá trị chung cho cả ba quốc gia. Ðồng bạc Ðông Dương thuộc khu vực đồng quan. Hối suất giữa đồng quan và đồng bạc sẽ không bất-di-dịch mà thay đổi tùy theo tình trạng kinh tế. Tuy nhiên hối suất chỉ thay đổi sau khi có sự hội ý của các nước Liên kết Ðông Dương.
Viện hối đoái Ðông Dương sẻ kiểm soát việc trao đổi tiền bạc.
Nước Việt Nam hợp với các nước khác ở Ðông Dương thành một Liên hiệp quan thuế. Giữa các nước đó không có hàng rào quan thuế, hàng hoá khi qua biên giới chung không phải nộp một khoản thuế nào (...)
Một hội nghị giữa các nước Ðông Dương sẽ được tổ chức để bàn về các cơ quan chung như truyền tin, di cư, ngoại thương, quan thuế, ngân khố và chương trình trang bị.
Những thoả hiệp sẽ được ký kết ở Sàigòn giữa vị Cao ủy Ðông Dương và Hoàng Thượng và sẽ thi hành ngay sau khi ký kết.
Bản Tuyên ngôn chung ngày 5 tháng 6 và bản Văn kiện này cùng những bản Thoả ước phụ, ký về sau, sẽ được trình Quốc hội Pháp duyệt y và những cơ quan có thẩm quyền Việt Nam xét để tạo thành Văn kiện quy định ở điều 61 Hiến Pháp Cộng hoà Pháp. Chính phủ Pháp và tôi tin tưởng rằng sự thi hành mau chóng những điều khoản trên đây sẽ góp phần hữu hiệu vào việc tái lập hoà bình ở nước Việt Nam, một nước tự do liên kết trong bình đẳng và hữu nghị với nước Pháp.
Xin Hoàng Thượng nhận nơi đây lòng kính trọng của tôi.
Ký tên : Vincent Auriol

Cựu Hoàng Bảo Ðại cũng viết một bức thư mà nội dung tương tự y hệt bức thư trên gửi cho Tổng thống Pháp, xác nhận những điều khoản hai bên thoả thuận.
Nguyên văn bức thư như sau : 

Thư ngày 8-3-49 của Bảo Ðại
gửi Vincent Auriol
Ba lê ngày 8 tháng 3 năm 1949
Hoàng đế Bảo Ðại
Kính gửi Tổng thống Cộng hoà Pháp quốc, Chủ tịch Liên hiệp Pháp,
Thưa Chủ tịch
Tôi hân hạnh báo tin Ngài biết tôi đã nhận được bức thư đề ngày hôm nay mà nội dung như sau :
I - Thống nhất Việt Nam (nhắc lại y hệt thư cuả TT Pháp).
II - Vấn đề ngoại giao (nhắc lại y hệt thư cuả TT Pháp).
III - Vấn đề quân sự (nhắc lại y hệt thư cuả TT Pháp).
IV - Chủ quyền quốc nội (nhắc lại y hệt thư cuả TT Pháp).
V - Vấn đề tư (nhắc lại y hệt thư cuả TT Pháp).
VI - Vấn đề văn hoá (nhắc lại y hệt thư cuả TT Pháp).
VII Vấn đề tài chánh kinh tế (nhắc lại y hệt thư cuả TT Pháp).
Tôi hân hạnh phúc đáp Ngài biết tôi hoàn toàn thoả thuận về các điều khoản và nội dung của bức thư ấy.
Tôi tin tưởng rằng sự thi hành những điều khoản trong thư đó với một tinh thần tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau sẽ tái lập nhanh chóng hoà bình ở Việt Nam.
Tôi cũng tin chắc rằng nước Việt Nam từ nay trở đi liên kết khắng khít với nước Pháp trong sự thống nhất và bình đẳng, sẽ góp phần hữu hiệu vào sự thịnh vượng và sự hùng cường của nước Pháp.
Xin ông Chủ Tịch nhận nơi đây lòng kính trọng của tôi.
Ký tên : Bảo Ðại

Ðể giải thích vào thư trên, Tổng thống Pháp gửi một bức thư nữa cho Bảo Ðại, thư cũng đề ngày 8 tháng 3-1949, nguyên văn như sau :
Thư ngày 8-3-49 của
Vincent Auriol gửi Bảo Ðại

Balê, ngày 8 tháng 3 năm 1949
Tổng Thống Cộng hoà Pháp quốc, Chủ Tịch Liên hiệp Pháp
Kính gửi Hoàng Ðế Bảo Ðại
Thưa Hoàng Thượng,
Như đã được quyết định trong những sự hoà đàm về Thỏa ước Pháp Việt ký tại Paris ngày 8-3-49, tôi hân hạnh minh xác với Hoàng Thượng trong bức thư này những điều mà Hoàng Thượng muốn biết rõ về vài điểm đặc biệt.

1 -  Thống nhất Việt Nam
1.1 - Việc sáp nhập Nam Kỳ vào lãnh thổ Việt Nam sẽ theo các thể thức sau đây :
- Quốc hội Pháp đầu phiếu một đạo luật  thành lập một Quốc hội đại diện lãnh thổ Nam Kỳ, dự định ở điều 77 trong Hiến pháp, có nhiệm vụ cho ý kiến về sự thay đổi quy chế lãnh thổ đó.
- Quốc hội Nam Kỳ đầu phiếu về sự thay đổi quy chế và sự sáp nhập Nam Kỳ vào lãnh thổ Việt Nam.
- Quốc hội Pháp đầu phiếu luật dự định trong điều 77 Hiến pháp Pháp quốc công nhận sự hay đổi quy chế Nam Kỳ.  Quốc hội Pháp sẽ họp khẩn cấp sau khi Quốc hội Nam Kỳ đầu phiếu.
1-2 - Chính phủ Pháp thoả thuận về những quy chế đặc biệt dành cho những dân tộc không phải Việt Nam mà sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam (....)

2 - Vấn đề ngoại giao
2.1  - Số người đại diện Việt Nam trong Thượng hội đồng Liên hiệp Pháp sẽ được quy định sau, với sự thoả thuận của chính phủ Việt Nam.
2-2 - Chính phủ Pháp đồng ý để Việt Nam gửi tức khắc đại diện ngoại giao đến các nước sau đây : Toà thánh Vatican, Trung Hoa, Thái lan.
Nếu vì những biến chuyển mới đây ở Trung Hoa mà Việt Nam muốn đặt đại diện ở một nước khác, Chính phủ Pháp thấy không có gì cản trở để thay thế nước Trung Hoa bằng nước Ấn Ðộ.
Tất cả những sự thay đổi trong điều khoản này phải được sự thoả thuận trước của chính phủ Pháp.
2.3 - Các nhà đại diện ngoại giao Việt Nam, trực thuộc phái bộ ngoại giao Pháp, sẽ do chính phủ Pháp uỷ nhiệm do sự đề cử của chính phủ Việt Nam.
Họ chỉ đặc biệt coi về những vấn đề liên quan đến Việt Nam. Họ có thể liên lạc với chính phủ Việt Nam qua trung gian của Trưởng phái bộ ngoại giao Pháp và tiếng Pháp được sử dụng chính thức.
24 - Những điều khoản này cũng áp dụng cho những Lãnh sự Việt Nam ở những nước không có đại diện ngoại giao Việt Nam. Những vị đó hoạt động dưới sự điều động của Ðại diện ngoại giao Pháp
2.5 - Trong những cuộc điều đình giữa Việt Nam với nước ngoài để ký những thoả hiệp liên quan đến quyền lợi riêng của Việt Nam, sự "liên lạc" với Phái đoàn ngoại giao Pháp gồm có sự thành lập bắt buộc những phái đoàn hỗn hợp Việt Pháp, và trong mỗi trường hợp, tuy rằng phái đoàn Việt Nam vẫn được tự do hành động và chịu hoàn toàn trách nhiệm, sự thiết lập một hệ thống thông tin giữa hai phái đoàn để nếu trường hợp xảy ra, cơ quan ngoại giao Liên hiệp Pháp có thể ủng hộ phái đoàn Việt Nam trong tất cả những sự khó khăn hay những sự bất ngờ trầm trọng có thể xảy ra trong lúc điều đình.
Tôi xin Hoàng Thượng nhận nơi đây lòng kính trọng của tôi.
Ký tên : Vincent Auriol

*
Cuộc trưng cầu dân ý :
sáp nhập Nam Kỳ vào Việt Nam

Ngày 10 tháng 4-1949, một cuộc bầu cử hạn chế gồm 700 cử tri Pháp và 1.000 cử tri Việt Nam đề cử một Quốc hội Nam kỳ gồm 16 nghị sĩ Pháp và 48 nghị sĩ Việt Nam. Cuộc Trưng cầu dân ý về việc sáp nhập Nam Kỳ vào lãnh thổ Việt Nam được tổ chức ngày 23-4-49, Quốc hội Nam kỳ đại diện toàn dân đồng thanh biểu quyết sáp nhập xứ Nam Kỳ vào lãnh thổ Việt Nam.
Kết quả cuộc trưng cầu dân ý này làm Bảo Ðại hài lòng và ngày 24 tháng 4-1949, Cựu Hoàng đáp máy bay về nước, đến ngày 28 thi tới Ðà lạt.
Ngày 3-6-49, Quốc hội Pháp chấp nhận việc sáp nhập Nam Kỳ vào lãnh thổ Việt Nam.
Ngày 14-6-49, tại toà Ðô sảnh Sài gòn, Bảo Ðaị và Cao ủy Pignon ký những văn kiện chính thức hợp thức hoá tiền ước Élysées. Nhân dịp đó Bảo Ðại nhận quyền điều khiển chính phủ, hiệu triệu quốc dân, hứa cải tiến xứ sở trên mọi phương diện và kêu gọi mọi người phụng sự Quốc gia.

Trở lại vấn đề  quân sự.

Sau cuộc hành quân lớn kết thúc cuối năm 1947, thì đầu tháng 2-1948 tướng Valluy từ chức xin về Pháp, Bollaert cử tướng Salan quyền Chỉ huy trưởng các Lực lượng Pháp ở Ðông Dương.
Tại Bắc Kỳ, đại tá Gonnet tạm thay tướng Salan. Tại Nam Kỳ tướng Boyer de la Tour thay thế tướng Nyo. Tại Trung Kỳ tướng Le Bris và tướng Lorillot chỉ huy Trung và nam Trung kỳ.

Quân lực Pháp đầu năm 1948, trên toàn thể Ðông Dương lên tới 110.000 người, gồm 62 tiểu đoàn bộ binh, các đội thiết giáp, pháo thủ, 25 toán lính địa phương và giáo phái, 3 tiểu đoàn nhảy dù, 32 tiểu đoàn địa phương, 6 tiểu đoàn đặc biệt Lào Thái, 8 tiểu đoàn Lê dương, 6 tiểu đoàn Sê-nê-ga-le, 13 tiểu đoàn Bắc phi. Không quân gồm 45 máy bay chuyên chở trong số có 20 chiếc bị hư không bay được, 30 máy bay Spitfire trong số có 12 chiếc bị hư, 50 chiếc máy bay Morane trong số có 20 chiếc bị hư, trực thăng không có chiếc nào.
Sự thiệt hại về nhân mạng từ lúc khởi sự chiến tranh  là 9.200 người chết, 19.000 người bị thương.
Tháng 5 năm 1948, tướng Blaizot được chính thức cử giữ chức Chỉ huy trưởng các lực lượng viễn chinh Pháp, thực thụ thay thế tướng Valluy, tướng Salan về Pháp, tướng Chanson được cử giữ chức chỉ huy ở Bắc Kỳ.
Suốt năm 1948 đến tháng 9 năm 1950, chiến cuộc không có gì sôi động, không có một hành quân nào quan trọng của Pháp cũng như không có một cuộc phản công nào quan trọng của Việt minh. Pháp chú trọng đặt các đồn bót kiểm soát các vùng đất đai và trục giao thông đã chiếm được và tổ chức các lính phụ lực bản xứ hay các giáo phái ở Nam kỳ để bình định các vùng nông thôn. Tuy nhiên ngoại trừ các thành phố và thị trấn lớn mà sự hiện diện của Việt minh không lộ liễu, còn thì tại các làng mạc, xã, quận, ảnh hưởng của Pháp chỉ có tại chung quanh các đồn bót kể từ lúc mặt trời mọc, còn từ lúc mặt trời lặn thì lại thuộc về Việt minh.
Những sự đánh phá đồn bót, những sự phục kích, chạm súng, ám sát lẻ tẻ xảy ra hàng ngày.



Việc tiết lộ tờ trình tối mật của tướng Revers
Trong thời gian này, tại Pháp xảy ra một sự tiết lộ bí mật quân sự liên quan đến các cấp chỉ huy quân sự cao cấp của Pháp làm lung lay nền tảng đệ tứ Cộng hoà Pháp.
Tháng 5 năm 1949, đại tướng 5 sao Revers được thủ tướng Queuille  đặc cử sang Ðông Dương để nghiên cứu tình hình. Ðại tướng Revers là Tổng tham mưu trưởng Lục quân Pháp, vừa đại diện nước Pháp ký kết thoả ước Bắc Ðại tây Dương ngày 24-8-48. Revers chưa bao giờ làm việc ở Ðông Dương hay ở các thuộc địa khác.
Ngày 16-5-49, máy bay chở Revers đáp xuống Sàigòn. Trong 5 tuần lễ liền, Revers đi khắp nơi, gặp các nhân vật cao cấp quân và dân sự Pháp cũng như đại diện các nước Việt Miên Lào. Ðến ngày 17-6-49 thì kết thúc cuộc điều tra, ngày 21-6-49 Revers về tới Pháp.
Ngày 29-6-49, Revers làm xong bản tường trình, đề nghị nhiều biện pháp quan trọng đối với nhiều vấn đề đã nghiên cứu. Bản tường trình được in mật, in khẩn cấp ngày đêm, do sở An ninh Quân đội bảo vệ, in thành 50 bản có đánh số thứ tự và được xếp vào hạng tài liệu quốc gia Tối Mật (Ultra Secret). Ngày 4-7-49, hồi 16 giờ thì in xong. Revers gửi 33 bản cho các nơi liên hệ, giữ lại 3 bản trong văn phòng, cất gửi 14 bản còn lại trong một cơ quan cẩn mật có canh gác.
Ngày 15-7-49, Revers đưa cho tướng Mast mượn bản số 27 giữ trong văn phòng. Tướng Mast là Giám đốc trường Cao đẳng Quốc phòng, tướng Mast trả lại ngày 27-7-49.
Nội dung bản tường trình của Revers nói những gì ?
"Ðối với đoàn quân viễn chinh, Revers nhận thấy đoàn quân này không được huấn luyện và chuẩn bị chống chiến tranh du kích, Revers đề nghị phải có nhiều chuyên viên để huấn luyện chiến thuật chống du kích.
"Về vấn đề chỉ huy, Revers nhận xét sự bất hoà thường xảy ra giữa vị Cao ũy và vị Chỉ huy quân viễn chinh (bất hoà giữa Leclerc và d'Argenlieu, bất hoà giữa Valluy và Bollaert), không kể trường hợp "tréo cẳng ngỗng" đặc biệt giữa Cao ủy Pignon và tướng Blaizot [4] Revers đề nghị, để cho công việc tiến hành hữu hiệu, Chính phủ cử một nhân vật quân sự vừa kiêm chức Cao ủy vừa giữ chức Chỉ huy đoàn quân viễn chinh, nhân vật này sẽ do Bộ trưởng bộ Quốc gia Liên kết đề cử ra.
"Về vấn đề quân số thì không thể tăng quân số cho đoàn quân viễn chinh được nhưng sẽ tăng tiếp tế quân cụ và khí giới đạn dược (do Mỹ viện trợ) và tăng viện những cơ quan an ninh đặc biệt về phản gián.
 "Vấn đề chiến lược thì thu hẹp lãnh thổ chiếm đóng, tận dụng tối đa lực lượng hiện có ở Bắc việt, giữ vững vòng đai an ninh. Mở những cuộc hành quân trong vùng lãnh thổ thu hẹp, với những lực lượng đặc biệt, để chiếm lại những đất đai đã bị Việt minh xâm nhập.
"Vấn đề điều đình với Việt Nam thì tìm những người quốc gia chống cộng để điều đình. Giải pháp Bảo Ðại chỉ là một giải pháp thí nghiệm, nhưng chế độ Bảo Ðại là một 'chế độ ung thối với sự tham nhũng, những sự buôn lậu đồng bạc, buôn lậu giấy phép nhập cảng, những vụ gá chứa cờ bạc đĩ điếm’ [5].
Revers chỉ trích thái độ Pháp hay thay đổi làm nhiều người có thiện chí nghi ngờ nên không thật tình hợp tác".
Ðó là tóm tắt những vấn đề chính của tờ trình tối mật của Revers.

Diễn tiến việc tiết lộ

Một tháng sau ngày Revers gửi tờ tường trình lên chính phủ Pháp, ngày 27-8-49, bộ Tư lệnh Pháp ở Ðông Dương bắt đuợc luồng sóng điện ra-đi-ô VNA2 phát thanh từ vùng Rangoon, Miến Ðiện và do đài Phát thanh Tiếng nói VN của Việt minh truyền đi nguyên văn tờ trình đó. Bộ Tư lệnh Ðông Dương khẩn báo cho Coste Floret và Chính phủ Pháp.
Ngày 17-9-49,  trên một xe buýt tại nhà ga xe lửa Lyon ở Paris, một quân nhân Pháp và hai người Việt Nam đánh lộn. Cảnh sát dẫn cả ba người về bót để điều tra.
Trong cái cập xách tay của một người Việt Nam tên là Ð. Ð., khai là sinh viên Việt Nam tại Pháp, cảnh sát khám thấy bản sao nguyên văn tờ trình tối mật của Revers. Cảnh sát báo động các cơ quan an ninh và phản gián. Trong cuộc thẩm vấn, Ð. Ð. khai những tài liệu nhận được do hoạ sĩ M. đưa cho. M. khai do V. một người thuộc hoàng tộc đưa cho. V. khai do Trần ngọc Danh đại diện Việt minh ở Pháp đưa cho.
Ngày 20-9-49, Ban phản gián tới khám xét trụ sở đại diện Việt minh tại Pháp tìm thấy 3 bản tường trình Revers đánh máy và 38 bản in rô-nê-ô tờ tường trình tối mật Revers, một cuốn sổ chi tiêu, một cuốn sổ ghi các địa chỉ và cuốn chi phiếu ngân hàng. Cuốn sổ chi tiêu ghi những số tiền lớn đã đưa cho nhiều người Pháp trong giới chính trị và kinh doanh. Hoàng văn Cơ người trách nhiệm cơ quan Ðại diện Việt minh tại Pháp khai một người Pháp tên là P. đã trao cho y bản tường trình tối mật Revers ngày 19-7-49 tại nhà tướng Mast sau bữa cơm do tướng Mast thết đãi. Hoàng văn Cơ gửi về Việt Nam một bản tường trình đánh máy và sắp sửa gửi các bản in rô-nê-ô cho các cơ quan Việt minh.
Trong cuộc thẩm vấn, P. xác nhận có trao cho Hoàng văn Cơ bản tường trình mật Revers tại nhà tướng Mast và có nhận tiền của Cơ trao cho ba lần tổng cộng 2,5 triệu quan Pháp. Số tiền này, P. đưa cho tướng Mast một triệu để vận động làm Cao uỷ Pháp tại Ðông Dương, trao cho tướng Revers cũng một triệu quan Pháp để chi phí tiếp tân với mục đích trên, và 500 ngàn quan Pháp cho L.T. để thù lao trong những cuộc vận động cùng trong một mục đích.
Khám nhà P. thấy một hồ sơ liên hệ tới tướng Mast gồm thư từ, điện tín Mast gửi cho P, một hồ sơ đề tên Hồ sơ Revers gồm thư từ Revers viết cho P, chứng cớ sự giao thiệp thân mật giữa P. và hai vị tướng đó.
Tuy cuộc điều tra của ban phản gián với những chứng cớ rõ rệt như vậy, nhưng chỉ hai ngày sau khi bị giam giữ để thẩm vấn, Cơ và P. đều được trả tự do, trao trả các tài liệu tịch thu cho các đương sự, không một ai bị truy tố ra toà án.
Vài ngày sau Tổng trưởng Ramadier ra thông cáo nói không coi những giấy tờ tiết lộ là bí mật quốc phòng, toà án không thụ lý vì vô cớ, các bị can được chính thức trả tự do.


Câu chuyện tiết lộ đó xẹp lại cho đến tháng giêng năm 1950 thì lại bùng trở lại do tờ báo Mỹ, Times, khơi ra ngày 16-12-49 trong một bài đả kích Revers một cách tàn nhẫn. Quốc hội Pháp cử một Uỷ ban điều tra. Ngày 23-11-50, Quốc hội họp phiên khoáng đại. Uỷ ban điều tra xác nhận rằng những tài liệu tiết lộ đó (Tường trình mật Revers) là những tài liệu tối mật và quan trọng cho quốc phòng, tuy nhiên Tổng trưởng Ramadier đã hành động đúng vì lợi ích và bí mật quốc gia, nhưng có những sự sai lầm về thể thức hành chính.
Những số tiền P. đưa cho Mast không có chứng cớ, hai tướng Mast và Revers không bị liên can nhưng cũng bị chính phủ cho về hưu non sau khi ra khai trình tại Hội đồng Tối cao Quân lực.

Trở lại vấn đề quân sự ở Ðông Dương

Sau khi tướng Revers điều tra tình hình từ Ðông Dương trở về Pháp thì ngày 30-6-49, tướng Blaizot Chỉ huy trưởng Ðoàn quân Viễn chinh ra lệnh tổ chức chặt chẽ phòng vệ biên giới Hoa VViệt nhất là vùng Móng Cáy và Thất Khê và sửa soạn cho quân lính triệt thoái khỏi Cao Bằng và Ðông Khê, cuộc triệt thoái dự định khởi sự ngày 19-9-49 và phải chấm dứt trước ngày 10-10-49.
Cuộc triệt thoái chưa khời sự thì ngày 10-9-49 tướng Blaizot bị triệu hồi về Pháp, tướng Carpentier sang thay thế trong chức vụ Chỉ huy trưởng Ðoàn quân viễn chinh.
Carpentier không áp dụng chiến thuật của  Blaizot và của Revers.                                                 
Carpentier và Alessandri [6] đều đồng ý giữ quân ở Cao Bằng, Ðông Khê, không rút lui, và tiếp tục công cuộc bình định những phần lãnh thổ khác do Pháp kiểm soát.
Thời gian này, Việt minh đang chuẩn bị các đơn vị lớn cỡ sư đoàn nên Việt minh án binh bất động, tình hình quân sự khắp nơi được yên tịnh. Quân số Pháp được tăng lên tới 190.000 người, kể cả phụ lực. Cộng với quân đội mới thành lập của các quốc gia liên kết Việt, Miên, Lào khoảng 125.000 người thì tổng số quân ở Ðông Dương vào đầu năm 1950 lên tới 315.000 người.
Về khí giới thì Mỹ viện trợ 48 máy bay khu trục, 8 máy bay vận tải, các tàu nhỏ đổ bộ, quân trang và võ khí cá nhân đủ trang bị 12 tiểu đoàn Việt nam.

Ðường thuộc địa số 4(RC4) bỏ ngỏ
Tình hình yên tịnh cho đến ngày 17-9-50, đồn Ðông Khê bị mất. Pháp thiệt hại 350 lính Lê dương giữ đồn và mất nhiều khí giới. Ðoàn quân Pháp do đại tá Charton chỉ huy rút lui khỏi Cao Bằng bị huỷ diệt. Lạng Sơn bỏ chạy không kịp mang theo đạn dược khí giới, tinh thần quân đội Pháp khắp nơi suy sụp đến nỗi có những toan tính bỏ cả Hànội.
Ðường thuộc địa số 4 (RC4) từ Lạng Sơn lên Cao Bằng được Pháp chiếm đóng trong cuộc hành quân LÉA hồi tháng 10-1947 để giữ vùng biên giới Hoa Việt. Từ Lạng Sơn lên Cao Bằng, đường dài 116 cây số xuyên qua rừng rậm núi cao, Pháp đặt những đồn lớn ở các thị trấn như Lạng Sơn, Ðồng Ðăng, Na Chàm, Thất Khê, Na Ra, Ðông Khê, và  Cao Bằng, và những đồn nhỏ rải rác  chung quanh.
 Bản đồ đường thuộc địa số 4 (RC4)

- Cao Bằng có 3 tiểu đoàn vừa Lê dương vừa Ma-rốc và nhiều lính phụ lực bản xứ do đại tá Charton phụ trách, trực thuộc Bộ chỉ huy vùng đặt tại Lạng Sơn do đại tá Constans chỉ huy.
- Lạng Sơn có 5 tiểu đoàn lính Pháp, thiết giáp, trọng pháo và nhiều lính phụ lực bản xứ.
- Ðông Khê ở cách Cao Bằng 30 cây số phía đông nam, có hai đại đội Lê dương canh giữ dưới quyền của hai đại uý Vollaire và Allioux
- Thất Khê ở cách Ðông Khê khoảng 20 cây số có một đại đội trấn giữ.
- Na Chàm có một đại đội do Ðại úy Mattéi và trung úy Aluzot chỉ huy.
Sáng sớm ngày 16-9-50, đồn Ðông Khê liên tiếp bị  pháo kích bằng trọng pháo. Ðại uý Vollaire điện về Cao Bằng yêu cầu  không quân yểm trợ. Charton chuyển lời yêu cầu về Lạng Sơn cho Ðại tá Constans nhưng thời tiết xấu quá phi cơ không cất cánh được. Charton muốn gửi quân tiếp viện xuống Ðông Khê giải vây nhưng Constans không đồng ý,  Ðông Khê bị bỏ mặc không được tiếp cứu. Sáng sớm ngày 17-9-50, Charton cũng gửi một đại đội Lê dương từ Cao Bằng xuống Ðông Khê để thăm dò, đại đội này đi được khoảng 15 cây số thì Charton nhận được báo cáo cuối cùng của Ðông Khê cho biết khoảng 1.500 quân Việt minh đang tấn công vào đồn và quân phòng thủ đã tử trận gần hết, đồn sắp bị mất vào tay quân địch. Ít phút sau trạm phát thanh Radio Ðông Khê im bặt, Ðông Khê đã bị tràn ngập, 350 lính Lê dương tử trận, đạn dược khí giới bị mất nhiều vô số kể, chỉ có 9 người thoát chết băng rừng lội suối 9 ngày sau mới tới được Thất Khê (cách 20 cây số) quần áo tả tơi, đói khát, kiệt lực.
Bộ Chỉ huy Bắc Kỳ và tướng Alessandri lo ngại. Một đạo quân gồm ba tiểu đoàn lính Ta-bo và lính Ma-rốc do trung tá Lepage chỉ huy được gửi lên Thất Khê, một tiểu đoàn nhảy dù do đại úy Jean Pierre và trung uý Faulque được thả xuống Thất Khê để tiếp viện và chặn giữ Việt minh khỏi tràn xuống Lạng Sơn.

Carpentier và Alessandri bàn tính rút quân khỏi Cao bằng. Một kế hoạch rút quân được nghiên cứu :
- Charton theo ngả đường thuộc địa số 4 rút từ Cao bằng về Ðông Khê,
- Lepage từ Thất khê lên tái chiếm Ðông khê rồi cả hai cùng rút về Lạng Sơn,
- Ðồng Ðăng, Na Chàm cũng rút về Lạng sơn
- Bỏ ngỏ đường thuộc địa số 4 (RC4) cho Việt Minh

Kế hoạch được giữ bí mật tuyệt đối.
Lệnh triệt thoái chỉ ban bố mấy giờ đồng hồ trước khi thi hành để khỏi tiết lộ, sợ Việt minh đánh chặn cuộc rút quân.
Ðể tránh sự nghi ngờ của Việt minh, sau khi Ðông Khê thất thủ, Carpentier và Alessandri liên tiếp đáp máy bay đáp xuống Cao Bằng để làm yên lòng dân chúng và binh sĩ. Ngay cả Charton chỉ huy Cao Bằng cũng không được biết kế hoạch rút lui.
Ngày 30-9-50, Lepage được lệnh từ Thất Khê lên tái chiếm Ðông Khê và phải hoàn tất nhiệm vụ trước 12 giờ trưa ngày 2-10-50. Cánh quân Lepage gồm tiểu đoàn pháo thủ 8 Ma-rốc do thiếu tá Arnaud chỉ huy, tiểu đoàn 11 lính Ta-bo do thiếu tá Delcros chỉ huy, tiểu đoàn 1 lính Ta-bo do đại úy Feaugas chỉ huy, và tiểu đoàn dù số 1 BEP do đại uý Jean Pierre chỉ huy.
Sáng sớm ngày 2-10-50, Lepage chuyển quân.
Tiểu đoàn dù đi tiền phong, đến đồn Na-Pa hiện bỏ trống, cách Ðông Khê khoảng 6 cây số thì chạm địch. Cả chục tiểu đoàn Việt minh chờ quân dù xuống lòng chảo,  mới ở trên các ngọn đồi và từ đồn Na-Pa nổ súng xuống. Trọng pháo, liên thanh, moọc-chi-ê nổ liên hồi vào đầu quân nhảy dù. Ngay những phút đầu, tiểu đoàn dù đã thiệt hại một phần ba nhân mạng. Lepage vội vàng ra lệnh ngưng tiến, ra lệnh cho quân dù còn lại cố cầm chân quân Việt minh để Lepage tìm đường khác xuyên qua rừng. 
Ngay lúc đó thì Lepage nhận được lệnh viết từ máy bay thả xuống hủy bỏ lệnh tái chiếm Ðông Khê. Lepage phải đi tiếp viện đoàn quân của Charton từ Cao Bằng xuống. Lepage dẫn quân vào rừng, tránh đường số 4 và tránh xa Ðông Khê, để tiến lên phía Cao Bằng. Quân Lepage xuyên rừng xuyên núi tiến về phia tây bắc, bị quân Việt minh đuổi theo sát hại, ba ngày sau Lepage tới lòng chảo Cốc Xá, cách 5 cây số về phía tây nam Ðông Khê, mới liên lạc được với toán quân Charton ở Cao Bằng xuống và hẹn gặp nhau ở Cốc Xá.
Trong lúc đó tiểu đoàn dù bị sát hại nặng nề, còn khoảng 300 người đói rách, lẩn trốn quânViệt minh,và cũng được lệnh tới Cốc Xá để họp với Lepage.
Charton rời Cao Bằng đêm 2-10-50. Trưa hôm đó, ra lệnh phá huỷ hết các kho trại, các khí giới nặng không mang theo được và những điểm chiến lược quan trọng trong thành phố Cao Bằng được ban bố.
Dân chúng khoảng 15 ngàn người được thông báo là ai muốn rút lui theo đoàn quân Pháp thì cho theo. Nửa đêm 2-10-50 tất cả đoàn quân trú phòng khoảng 15 ngàn binh sĩ cộng vói 15 ngàn dân chúng, một phần do xe cam-nhông chở, một phần đi bộ, bắt đầu di tản. Ðoàn công-voa dài 3 cây số, di chuyển chậm chạp, hai ngày sau, ngày 4-10,  mới đi được khoảng 17 cây số.
Lúc bấy giờ Charton được tin đoàn quân Lepage ở phía dướí lên đang bị đánh và phải bỏ đường số 4, xuyên rừng để lên gặp Charton.
 Charton ra lệnh hủy bỏ các thứ nặng cồng kềnh, bỏ tất cả xe cam-nhông, trọng pháo, bỏ đạn dược, quân nhu, lương thực v.v... chỉ mang theo hai ngày lương thực, băng rừng xuống mạn tây nam để gặp đoàn quân Lepage. Tất cả đồ đạc của đám dân sự, phần lớn là người Tàu, nguời Thổ đen, cũng bị đốt hết để di chuyển cho lẹ. Charton truyền lệnh ai đi chậm không theo kịp thì bị bỏ lại. Charton cho quân theo con đường mòn song song với đường thuộc địa  RC4, từ Nam Nang, cách Cao Bằng 17 cây số, qua Na Luông, Quang Liệt, tránh Ðông Khê, đi về phia Thất Khê. Hai ngày sau, ngày 6-10 đoàn quân Charton tới Cốc Xá là điểm hẹn gặp với quân của Le Page. Dọc đường, nhiều người dân bị bỏ lại, 15 ngàn binh sĩ thì còn nguyên vẹn, chưa chạm súng với Việt minh lần nào.
Nửa đêm 6 rạng ngày 7-10, khi hai đoàn quân sửa soạn rời Cốc Xá để di chuyển về Thất Khê thì hoả lực trọng pháo, hoả lực đại và trung liên của 30.000 lính Việt minh nổi lên, liên hồi, tứ phía, tiếp theo là những trận giáp chiến đánh sáp-la-cà. Lính Pháp bị bất ngờ và lại bị ở vị trí bất lợi, bị sát hại và bị bắt gần hết. Bảy ngàn quân của Charton và Lepage  chỉ còn khoảng 600 người đói khát, mệt lả, trốn thoát về Thất Khê hai ngày sau (trong số đó, tiểu đoàn dù BEP số 1, hơn 1.000 người chỉ còn sống sót được 23 người).

Charton và Lepage bị bắt. Các sĩ quan khác bị bắt và tử trận hết chỉ thoát được có một mình đại úy dù Jean Pierre (chỉ huy tiểu đoàn dù BEP số 1) chạy về được Thất Khê.
Bốn ngày sau, ngày 11-10, đến lượt Thất Khê rút lui bỏ nguyên vẹn đồn bót, súng ống đạn dược cho quân địch. Tiểu đoàn 3 com-măng-đô đi chặn hậu để bảo vệ cuộc rút lui bị sát hại và bị bắt hết chỉ còn 5 người thoát được về Lạng Sơn.
Ngày 15-10, Na Chàm thất thủ sau một tuần chiến đấu. Ðồng Ðăng rút lui bỏ chạy.
Con đường thuộc địa số 4 từ Cao Bằng đến Lạng Sơn bị Việt minh chiếm trọn vẹn và quân trú phòng Pháp đóng ờ Lạng Sơn cũng sửa soạn rút lui.
 Tổng số thiệt hại Pháp trong gần hai tuần lễ tại đường thuộc địa số 4 (RC4) là 7.000 người lính Pháp, lính lê-dương và lính Bắc phi, 1.000 lính pạc-ti-dăng, 2.000 súng đại liên, trung liên, 8.500 súng cá nhân, 450 xe cam-nhông, 13 trọng pháo, 120 súng moọc-chi-ê , ba tiểu đội thiết giáp.[7]
Tinh thần tướng sĩ Pháp suy sụp, không khí hoảng sợ lan tràn khắp nơi.
Ðại tá Constans chỉ huy Lạng Sơn với 5 tiểu đoàn, đề nghị triệt thoái khỏi Lạng Sơn trước khi Việt minh tới để bảo vệ quân số và khí giới.
Hai tướng Alessandri và Carpentier chấp thuận.
Ðêm 17 rạng ngày 18-10, Constans ra lệnh quân sĩ lên đường, hấp tấp chạy không kịp phá huỷ gì, bỏ lại nguyên vẹn thành phố Lạng Sơn, doanh trại, kho quân nhu, đạn dược, thực phẩm, chỉ mang theo trọng pháo và số xe cam-nhông chuyên chở.
Hai ngày sau, đoàn quân Constans về đến Chợ Chu, địa đầu của đồng bằng, rồi di chuyển về phía Lục Nam, Phả Lại.
Sau đó, đoàn quân của đại tá Coste đóng ở Lao Kay cũng rút về phía Lai Châu vào đầu tháng 11-1950
________________________________________________
   CHÚ THÍCH BÀI SỐ 6                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                   
[1] Về sau có một tin nói rằng : "Hồ chí Minh và Võ nguyên Giáp nấp sau một bụi cây khi quân Pháp đi tới, Giáp tưởng sẽ bị bắt, may mà quân Pháp đi qua không trông thấy nên hai người thoát được."
[2] Những con số tổn thất củ hai bên trong nhựng trận đánh kể ra trong suốt tập tài liệu ‘45-54 chin năm khói lửa’ đều  căn cứ vào những tài liệu Pháp.
[3] Tạm ước ký ngày 5-6-48 tại Vịnh Hạ Long giữa Bollaert và Nguyễn văn Xuân
[4] Năm 1946, Blaizot là tướng chỉ huy một đạo quân Pháp đóng ở Ấn độ, Pignon lúc bấy giờ làm dưới quyền Blaizot. Năm1949, Pignon được cử giữ chức Cao uỹ Pháp ở Ðông dương. Blaizot lại là Chỉ huy trưởng đoàn quân viễn chinh Pháp, thành ra Blaizot bị đặt dưới quyền Pignon và phải nhận chỉ thị của Pignon.Thật là một trường hợp ‘tréo cẳng ngỗng’ khó sừ cho cả đôi bên.
[5] Trung tâm du hí Ðại Thế Giới (Grand Monde) ở Chợ Lớn là một trung tâm hợp pháp được chính quyền thời bấy giờ cho phép mở công khai đánh bạc và chứa gái mại dâm.
[6] Alessandri là tướng phụ trách quân sự ở Bắc Kỳ.
[7] Theo tài liệu của Pháp

+